Cải lương cần nắm bắt được 'nhịp thở' cuộc sống

'Sự phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương đang đặt ra những thách thức lớn đối với cả cộng đồng. Để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này cần thiết phải có sự chuyển động đồng bộ của các thành tố...' - đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại Tọa đàm để bảo tồn và phát triển sân khấu cải lương

Ngày 27/12, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm: “Nhìn lại 100 năm sân khấu Cải lương: giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp”.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Dương Thế Trung khẳng định, cải lương là loại hình nghệ thuật độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ, luôn vận động và không định hình theo khuôn mẫu nào, với tiềm năng dung nạp, chọn lọc tinh hoa nghệ thuật trong và ngoài nước….Lịch sử 100 năm phát triển, cải lương đã có thành quả thực sự đồ sộ với hàng loạt tác phẩm kinh điển, đa dạng phong cách, ghi đậm dấu ấn bao lớp soạn giả, nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa, bao tâm sức của rất nhiều thành phần sáng tạo khác (dàn dựng, thiết kế sân khấu, kỹ thuật sân khấu, phục trang…). Thế nhưng đứng trước cột mốc 100 năm thì loại hình nghệ thuật mà chúng ta tự hào là “luôn mới” này lại đang tỏ ra hụt hơi, lạc lõng trước bước tiến quá nhanh của thời đại.

Tại buổi Tọa đàm, những nhà quản lý, những nghệ sĩ, những người nghiên cứu về cải lương đã phân tích thực trạng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và đưa ra các giải pháp để loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc này được bảo tồn, phát triển mạnh hơn nữa trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

Đạo diễn Nguyễn Mộng Long cho rằng, giai đoạn 1975-1990 là giai đoạn cải lương hoàng kim bậc nhất trong suốt quá trình phát triển 100 năm của mình. Sân khấu cải lương đã có nhiều vở diễn và vai diễn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Các soạn giả cải lương đã quan tâm nhiều hơn đến việc bám sát hiện thực cuộc sống mới, soạn phẩm thể hiện nội dung tâm thế mới bằng nghệ thuật ca diễn theo đúng tinh thần dân tộc - hiện đại. Các diễn viên cải lương rất tài hoa, giàu năng lực sáng tạo để diễn đạt có chiều sâu tính cách và tâm lý nhân vật đỉnh cao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các đại biểu cũng cho rằng, sân khấu cải lương đang mất dần sự hấp dẫn đối với khán giả, mà một trong những nguyên nhân chính là không mang được nhịp thở cuộc sống.

Nghệ sĩ Kim Tử Long phát biểu tại Tọa đàm

Nghệ sĩ Kim Tử Long phát biểu tại Tọa đàm

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Chương cho biết, cải lương được báo chí hồi đó dịch sang tiếng Pháp là modernes nghĩa là “hiện đại”. Dù trong những vở “cổ trang” đi nữa, đã mang danh cải lương thì phải “hiện đại”. Hiện đại được hiểu là mang nhịp thở của cuộc sống. “Nếu không nắm bắt được “nhịp thở” tức là không am hiểu nhu cầu của khán giả họ đang nghĩ gì, cần gì tức là cũng không đáp ứng được tính chất modernes. Mà không modernes, đồng nghĩa với việc đánh rơi định nghĩa của hai chữ “cải lương”, ông Chương nhấn mạnh.

Bên cạnh những chia sẻ trên, nghệ sĩ gạo cội của cải lương Việt Nam Kim Tử Long cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sân khấu cải lương chính là nơi biểu diễn. Theo nghệ sĩ Kim Tử Long, hiện nay trên địa bàn thành phố, chưa có một nhà hát nào dành riêng cho bộ môn nghệ thuật này. “Chúng tôi mong muốn có một nơi biểu diễn, một sân khấu đích thực. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ về cơ sở vật chất, còn chúng tôi sẽ tự lo về tác phẩm cũng như các kinh phí dàn dựng, phục trang biểu diễn, diễn viên… ”.

Có thể thấy hiện nay, cải lương đang chịu sự tác động to lớn của xu hướng toàn cầu hóa, cơ chế thị trường và sự bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ giải trí. Việc thiếu định hướng kịp thời của các cơ quan quản lý, các chính sách dành cho lĩnh vực này còn hạn chế cũng như sự bị động, lúng túng hoặc chạy theo thị hiếu dễ dãi của chủ thể sáng tạo đã khiến cải lương không còn đậm đà bản sắc như vốn có...

Tại Tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Thân Thị Thư thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém về công tác quản lý, những bất cập về cơ chế, chính sách trong việc duy trì và phát triển sân khấu cải lương. Theo đồng chí Thân Thị Thư, mặc dù thành phố luôn quan tâm, đầu tư để bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ truyền thống nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng nhưng kết quả thu được chưa như mong đợi.

Để cải lương tiếp tục phát triển, tiếp tục tiến bộ, vượt qua những khó khăn đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật cải lương; các chủ trương, nghị quyết liên quan phải được thể chế hiệu quả và cần chú trọng đến năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý nghệ thuật sân khấu.

“Dấu mốc 100 năm ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương đang đặt ra những thách thức lớn đối với cả cộng đồng, những người từng gắn bó và trân trọng, gìn giữ những tinh hoa sân khấu truyền thống dân tộc. Hướng tới mục đích xây dựng bộ mặt mới cho sân khấu cải lương trong giai đoạn sắp tới cần thiết phải có sự chuyển động đồng bộ của các thành tố góp phần vào sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật cải lương”, đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh./.

Tin, ảnh: V.Lê

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/cai-luong-can-nam-bat-duoc-nhip-tho-cuoc-song-509344.html