Cải lương dựng nhân vật lịch sử với góc nhìn đương đại

Nếu như điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác đang hướng đến các đề tài giải trí - xã hội thì cải lương lại đang làm sống lại những nhân vật lịch sử với góc nhìn đương đại...

Vở diễn “Người đi tìm minh chủ” trên sàn tập

Giải oan cho danh sỹ Bắc Hà

Các vở cải lương gần đây đang làm sống lại những nhân vật lịch sử với góc nhìn đương đại, nhằm lý giải những khoảng trống lịch sử. Từ vở Vua thánh triều Lê, Mai Hắc Đế, đến Vua Phật, Thày Ba Đợi…

Tới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục cho ra mắt vở Người đi tìm minh chủ của tác giả PGS.TS. Trần Trí Trắc và đạo diễn là NSƯT Triệu Trung Kiên. Vở diễn về cuộc đời và sự nghiệp của chí sỹ Ngô Thì Nhậm dưới ánh sáng của khoa học lịch sử hiện đại. NSƯT Triệu Trung Kiên (Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) lý giải việc chọn nhân vật này bởi ông là người tài ba, lỗi lạc, đức độ vẹn toàn. Một chí sỹ yêu nước, thương nòi, tận hiến cả cuộc đời để phò vua, giúp nước. Ngô Thì Nhậm thường thể hiện rõ quan điểm của kẻ sỹ: “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia, dân tộc, chứ không thờ chúa thờ vua”. Cũng bởi quan điểm ấy mà cả cuộc đời Ngô Thì Nhậm đã mải miết đi tìm minh chủ để cống hiến cuộc đời mình vì quốc thái, dân an. Nghiệt ngã của cuộc đời đã khiến ông phải lận đận, thăng trầm và nếm trải nhiều oan khuất.

“Ngô Thì Nhận có công trong triều đại Tây Sơn, nhưng khi triều Nguyễn được thiết lập thì ông lại trở thành thế lực đối nghịch. Vì thế, các nhà sử học giai đoạn này đã nhìn nhận sai lệch và ra sức bôi nhọ ông, càng về sau oan khuất này càng lớn”, nghệ sĩ Trung Kiên nhấn mạnh.

PGS. TS. Trần Trí Trắc, một nhà nghiên cứu phê bình lý luận sân khấu đã chọn Ngô Thì Nhậm để viết kịch bản cải lương. TS. Trắc thấy rằng, Ngô Thì Nhậm cũng giống Nguyễn Trãi về lịch sử có những vấn đề cần phải đưa lên sân khấu qua các tác phẩm để làm sáng rõ công trạng đối với những giai đoạn lịch sử của đất nước.

Tuyên ngôn của vở cải lương không hề cũ giữa thời bình. Chỉ có ổn định chính trị và dưới sự lãnh đạo công minh, sáng suốt của những con người tài năng thì đất nước mới ổn định, nhân dân mới hạnh phúc. Vở diễn muốn nhắc người đời hãy noi theo tấm gương của chí sỹ Bắc Hà xưa, góp sức mình cống hiến cho dân tộc, đất nước.

Dù mới tập duyệt được gần một tháng, nghệ sĩ Văn Đáng (một trong hai nghệ sĩ đảm nhận vai chính Ngô Thì Nhậm) thừa nhận anh đã rất áp lực. Bởi lần đầu trong nghề anh được đảm nhận vai chính mà lại là một nhân vật lịch sử có nhiều biến cố, thăng trầm. Bản thân nghệ sĩ Văn Đáng đã phải đọc rất nhiều sách lịch sử, tìm hiểu tính cách, con người từ phẩm chất đến lý tưởng. Anh muốn khi diễn có thể chuyển tải một cách khách quan, nhằm xóa nhòa những nghi vấn lịch sử, hóa giải những nỗi oan khiên mà Ngô Thì Nhậm đã phải hứng chịu. Làm nổi bật những công lao của ông đối với quốc gia, dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động.

"Dẫu ở đề tài nào nếu biết cách xây dựng, khai thác và cách tiếp thị biểu diễn thì vở diễn ăn khách. Trong khi giáo dục lịch sử đang bị kêu ca là “khô cứng” khó cuốn hút học sinh, việc xây dựng một tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử phản ánh các hình tượng của lịch sử một cách sống động, hấp dẫn là điều vô cùng cần thiết và cần được khuyến khích, ủng hộ".

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam

Lấy sân khấu thực cảnh để tạo cảm xúc

Nhằm kích thích tối đa cảm xúc của khán giả, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang có ý tưởng đưa vở diễn Người đi tìm minh chủ ra biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tận dụng tối đa khung cảnh thực của Khuê Văn Các làm sân khấu, giúp người xem có cảm giác như đang sống trong thời Hậu Lê - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nếu ý tưởng này được thực hiện sẽ là một sự khác biệt mới lạ so với rất nhiều vở cải lương có đề tài nói về nhân vật lịch sử trước đây.

Được biết, vở diễn này được Bộ VH,TT&DL đặt hàng, nguồn kinh phí thực hiện sẽ do Bộ cấp, cũng vì thế quy mô vở diễn được thiết kế cho phù hợp với nội lực của nhà hát. Phần thiết kế sân khấu là do NSƯT Doãn Bằng thực hiện theo hướng giản tiện tối đa, gần như không có trang trí, chỉ có một mô-típ duy nhất gợi lên hình ảnh Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hình ảnh này sẽ được xoay chuyển và tham gia vào kể câu chuyện. Thời gian và không gian trong vở diễn không tả thực mà chỉ mang tính chất ước lệ, biểu trưng và cách kể chuyện cũng khác.

Kinh phí tổ chức ở Văn Miếu không được tiết lộ Nhà hát cũng đang lên kế hoạch huy động các nhà tài trợ cùng chung tay quảng bá nghệ thuật cải lương đến với đông đảo du khách, đồng thời, tạo làn gió mới cho nghệ thuật cải lương trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn về thị trường khán giả và nguồn kinh phí hoạt động.

Buổi công diễn đầu tiên sẽ ra mắt khán giả vào ngày 1 và 2/8, tại Rạp hát Kim Mã (Hà Nội). Dự kiến, sẽ có 500 vé mời được phát và khán giả không bị giới hạn độ tuổi. Nghệ sĩ Trung Kiên nhấn mạnh: “Những tác phẩm có đề tài về lịch sử không giới hạn đối tượng tham gia, miễn các bạn có sự quan tâm đối với lịch sử, với văn hóa truyền thống”. Sẽ có 2 kíp diễn thay phiên nhau lên đến 40 nghệ sĩ. Nhân vật Ngô Thì Nhậm do nghệ sĩ Văn Đáng và Đức Hảo vào vai. Nhiều người cho rằng: Vở diễn sẽ tạo sự khác biệt so với các vở cải lương trước đây bởi đội ngũ diễn viên phần lớn là trẻ, mang tới sự mới lạ cho các nhân vật.

Minh Ước

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cai-luong-dung-nhan-vat-lich-su-voi-goc-nhin-duong-dai-d266671.html