Cải lương về đề tài lịch sử: Làm hay thì khán giả vẫn 'phải lòng'?

Những suất diễn đầu tiên ra mắt vở Ni sư Hương Tràng của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã làm không ít khán giả phải rơi lệ. Điều gì khiến một vở cải lương về đề tài lịch sử, xây dựng hình tượng nàng công chúa Đại Việt Huyền Trân công chúa lại tạo nhiều cảm xúc đến vậy?

Đạo diễn vở, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: "Ni sư Hương Tràng là vở diễn được dàn dựng theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khai thác đề tài lịch sử là một mảnh đất thuận đối với cải lương, tuy nhiên làm thế nào để biến một câu chuyện đã quá quen thuộc trong sử trở nên hấp dẫn phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận vấn đề, góc nhìn của tác giả. Tôi rất tâm đắc với cách khai thác nhân vật lịch sử công chúa Huyền Trân của tác giả Bùi Hữu Dược. Bỏ qua việc khai thác những góc khuất để làm mới đề tài lịch sử theo cách mà nhiều tác giả khác vẫn làm, tác giả tập trung thể hiện bằng những lát cắt lịch sử chuẩn xác, hợp lý về cuộc đời và công hạnh của Huyền Trân công chúa theo góc nhìn của đạo Phật để người xem có thể nhìn mềm mại hơn đối với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ và cả tư tưởng đạo đức văn hóa Phật giáo để người xem hôm nay cảm nhận được tầm vóc vĩ đại của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và con gái là Huyền Trân công chúa".

Ni sư Hương Tràng sáng bừng các nhân cách đẹp từ vua Trần Nhân Tông, Chế Mân, Trần Khắc Chung và đặc biệt là nhân vật trung tâm Huyền Trân công chúa. Vì chữ hiếu với cha, chữ trung với nước, Huyền Trân chấp nhận sang nước Chiêm làm vợ của vua Chế Mân. Mối tình tưởng như gượng ép bởi có sự sắp đặt nhưng với vẻ đẹp, đức hạnh và trí tuệ, Huyền Trân đã chinh phục được Chế Mân và được phong làm chính cung hoàng hậu. Được làm vợ Chế Mân vẻn vẹn được có một năm thì vua bị ám hại chết. Huyền Trân bị ép đưa lên giàn hỏa thiêu theo tục lệ của nước Chiêm quốc nhưng nàng được Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho người cứu thoát.

Dứt lòng để lại đứa con ở nước Chiêm, Huyền Trân công chúa trở về quê nhà và xuất gia, lấy pháp danh Hương Tràng, phát tâm giúp đỡ dân nghèo chữa bệnh, dạy học. Dẫu ở cương vị nào dù là chánh cung hoàng hậu kiêu sa, quyền quý hay một ni sư lấy đạo tạo đời, Huyền Trân cũng đều sáng ngời tấm gương về đức hy sinh, tình yêu tha thiết và lòng nhân ái, khoan dung.

Khá công phu kỹ lưỡng, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên đã "vật lộn" với dàn nghệ sĩ của mình hơn ba tháng để dựng vở. Nhìn tổng thể thì cách triển khai kịch bản cho tới lối dàn dựng không có những đổi mới táo bạo nhưng những người đến xem đều có chung một cảm nhận, vở diễn hay, xúc động đến kỳ lạ. Đạo diễn đã chọn một cách kể giản dị, bố cục hợp lý, phục trang bắt mắt, mỹ thuật và âm nhạc đều được chăm chút tỉ mỉ...

Một trong những yếu tố lớn tạo nên sự thành công cho vở diễn chính là đạo diễn đã tạo nhiều đất cho nghệ sĩ. Quang Khải thêm một lần được chọn vào vai thượng hoàng Trần Nhân Tông với độ chín về nghề, chỉ xuất hiện ba phân cảnh nhưng đã làm rõ nét một thượng hoàng Trần Nhân Tông tài trí phi phàm và cũng là một người cha yêu thương con hết mực.Giọng ca hào sảng, khỏe khoắn và sâu lắng tới từng câu, từng chữ đã làm say lòng khán giả.

Bộ đôi Như Quỳnh trong vai Huyền Trân và Minh Hải trong vai Chế Mân đã rất thành công khi tạo dựng một mối tình tuyệt đẹp trai tài, gái sắc. Vua Chế Mân uy nghi, lẫm liệt khi thiết triều nhưng cũng rất nồng nàn khi ở bên công chúa Huyền Trân. Huyền Trân của Như Quỳnh nổi trội về hình thức cho tới giọng ca nên đã làm khán giả không ít lần phải rơi lệ trong đêm diễn. Nghệ sĩ Minh Lý trong vai Hoàng hậu Salimah cũng làm cho khán giả lặng đi mỗi khi cô cất tiếng ca với chất giọng đẹp, mượt mà, lắng sâu.

Trong vở, tình cha con của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Huyền Trân công chúa thật cao cả khi gác hạnh phúc riêng tư vì lợi ích của đất nước. Cảnh Huyền Trân khi mới sang nước Chiêm, nhớ Đại Việt đã có màn đối thoại trong tưởng tượng đầy xúc động với vua cha; cảnh Huyền Trân gặp lại cha khi mất chồng, mất con là những cảnh diễn đầy xúc động đã khiến khán phòng lặng đi và đâu đó vang lên tiếng khóc sụt sùi thương cảm. Có được những lớp diễn đầy xúc động phụ thuộc rất lớn vào lực lượng nghệ sĩ trẻ vừa có sắc, vừa có thanh và mang một phong cách diễn tâm lý rất nổi trội rất riêng vốn có của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Làm nổi bật hình ảnh công chúa Huyền Trân, tấm gương sáng về sự cống hiến, đức hy sinh vì nước, vì dân như một điển hình về người phụ nữ Việt Nam, Ni sư Hương Tràng còn gửi đi thông điệp tới mỗi người dân Việt Nam hôm nay phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh trên nền tảng độc lập tự cường.

Kể câu chuyện lịch sử bằng sự giản dị, bằng việc khai thác triệt để các ưu thế đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật cải lương, Ni sư Hương Tràng đã thực sự thỏa mãn khán giả cả phần nghe và phần nhìn. Đó là lý do mà vở diễn giành được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả qua mỗi suất diễn nhiều đến thế...

LƯƠNG NHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34773302-cai-luong-ve-de-tai-lich-su-lam-hay-thi-khan-gia-van-phai-long.html