Cải lương Việt về đâu?

Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác ở nước ta đã và đang được gìn giữ, bảo tồn; nghệ thuật cải lương vẫn đang tồn tại cùng năm tháng.

Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác ở nước ta đã và đang được gìn giữ, bảo tồn; nghệ thuật cải lương vẫn đang tồn tại cùng năm tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cải lương Việt lâu nay đang gặp nhiều khó khăn, thử thách để tồn tại trong dòng chảy văn hóa chung vốn có nhiều loại hình nghệ thuật mới đầy tính cạnh tranh.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, các di sản đặc sắc của dân tộc như múa rối, chèo, cải lương, ca Huế,... trách nhiệm bảo tồn là rất lớn. Nhưng trên thực tế, các loại hình nghệ thuật này đang gặp nhiều khó khăn vì ít khán giả, ít người mua vé xem. Hiện tại, Bộ VH-TT&DL đã có chủ trương giới thiệu, quảng bá các loại hình truyền thống, trong đó có cải lương tới khán giả. Điển hình thời gian qua Bộ VH-TT&DL đưa các tác phẩm sân khấu chèo, cải lương... vào Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn phục vụ khán giả, giúp công chúng được thưởng thức nhiều tác phẩm chất lượng, tạo ra sự gắn kết để bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống.

Nghệ thuật cải lương ở nước ta ra đời vào đầu thế kỷ XX và chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Kể từ khi ra đời, nhiều đoàn cải lương chuyên nghiệp hoạt động rộng rãi trên khắp cả nước. Có thể nói cải lương là một loại hình sân khấu nghệ thuật tổng hợp, được đúc kết và diễn đạt trên phương diện của nhiều tư tưởng, có sự giao thoa giữa cái cũ và mới. Trải qua những thăng trầm, biến đổi thời gian nhưng nghệ thuật cải lương vẫn tồn tại, công chúng tới nay vẫn còn nhớ đến nhiều soạn giả tên tuổi như Châu Văn Tú, Đồng Bào Ban, Nam Đông Ban, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sạng, Hai Giỏi, Năm Châu...

Để cải lương tồn tại và phát triển, chúng ta cần đầu tư kinh phí, có nhiều kịch bản hay, diễn viên trẻ kế thừa. (ảnh mang tính minh họa)

Thực tế phản ánh, trước sự thay đổi của đời sống xã hội, nhu cầu thưởng thức của người xem ngày càng cao và nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời, du nhập vào nước ta đã làm cho cải lương không còn nhiều đất diễn và hút khán giả. Những năm trở lại đây, nhiều nhà hát vẫn cho ra đời nhiều vở cải lương song chất lượng chưa cao. Trong vô vàn tác phẩm sân khấu cải lương đã được dàn dựng, khán giả chỉ nhớ được một số vở ấn tượng, cảm xúc như: Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Tình mẫu tử…

Khó khăn trong việc phát triển nghệ thuật cải lương trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí mới lạ là điều mà giới trong nghề đã nhận ra từ lâu. Tuy nhiên cũng cần nói rằng, tự thân cải lương những năm qua và hiện tại còn bộc lộ hạn chế. Nhiều nghệ sĩ cho rằng chúng ta thiếu kịch bản hay để tạo cảm hứng cho đạo diễn, diễn viên. Hiện tại, những soạn giả tài năng như Điêu Huyền, Viễn Châu, Yên Lang... hoặc đã khuất bóng hoặc ở tuổi xưa nay hiếm, không có truyền nhân. Vì lẽ đó các đoàn nghệ thuật mới phải dựng lại nhiều vở đã nổi tiếng, ra đời nhiều chục năm qua như Bóng biển, Những đứa con của người cộng sản, Sống mãi với quê hương, Cơn mê cuối cùng...

Nhiều vở cải lương thời gian qua đa số nội dung cường điệu hóa, mang nặng tính tuyên truyền và vì thế không có chiều sâu, điểm nhấn. Nhiều chuyên gia thừa nhận, cách xử lý tình huống, kịch tính ở sân khấu cải lương hiện nay còn lỏng lẻo, kỹ thuật về cấu tứ, tính trữ tình của âm nhạc, bài bản trong vở cải lương cũng chưa đúng. Thậm chí, nhiều đoàn cải lương không có người viết kịch bản, đạo diễn nên phải thuê các đạo diễn, soạn giả ở địa phương khác tới khiến cho nhiều vở có phong cách na ná nhau, không thúc đẩy sự sáng tạo của lực lượng làm nghề trong các đoàn. Đó là chưa kể, người trẻ theo đuổi nghệ thuật cải lương hiện nay rất ít, hiếm những giọng ca, diễn xuất có hồn đã trở thành thương hiệu như Tấn Tài, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thành Được, Minh Vương, Kim Tử Long...

Trước những thử thách và hạn chế của nghệ thuật cải lương, nhiều nghệ sĩ cho rằng chúng ta cần phải đầu tư cho loại hình nghệ thuật này, đồng thời có hướng đi đúng đắn để cải lương giữ được vị thế, giá trị vốn có. NSƯT Đào Vũ Thanh chia sẻ, chúng ta cần phải có nhiều kịch bản hay và đa dạng sắc màu: cổ trang, xã hội, đề tài chiến tranh cách mạng... với lời thoại, lời ca trữ tình, biểu cảm nhằm thu hút khán giả. “Trong thời đại mới, các kỹ thuật sân khấu được hiện đại hóa thì việc cách tân diễn xuất, cách ca và cảnh trí sân khấu sao cho phù hợp với xu thế là điều cần được người làm nghề nghiên cứu” - NSƯT Đào Vũ Thanh nêu ý kiến.

Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng chúng ta nên đưa cải lương vào trường học, qua đó phát hiện những tài năng bẩm sinh vừa được học văn hóa, vừa được học nghề, làm nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua việc tuyển sinh kỹ lưỡng, đào tạo bài bản sẽ giúp nghệ thuật cải lương có đội ngũ trẻ kế thừa chất lượng và đồng thời giúp các bạn trẻ sống được với đam mê, tạo nên sức mạnh để bảo tồn cải lương. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có sự đầu tư kinh phí cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật cải lương dựng vở.

Phạm Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cai-luong-viet-ve-dau-n133477.html