Cái nhìn khác vụ buộc trẻ vào cửa sổ!

Hình ảnh một bé trai 4 tuổi đang theo học tại trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) bị nhốt vào phòng, buộc dây vào người treo lên cửa sổ khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Sự bức xúc ở đây là hoàn toàn chính đáng, song, cũng cần có cái nhìn từ nhiều phía mà ở đây, hãy đặt vào vị thế của phụ huynh, của cô giáo và cả quyền lợi của các học sinh cùng lớp.

Có một thông tin rất quan trọng cần lưu ý ngay, đó là cháu P. chậm phát triển trí tuệ nên năm nay đã 4 tuổi mà vẫn chưa biết nói, có các biểu hiện tăng động, xâm hại bạn bè.

Hình ảnh do một phụ huynh có con nhỏ đang theo học tại trường này chụp lại và tung lên mạng xã hội

Vậy trước hết, từ góc độ phụ huynh, xin nhắc lại, sự bức xúc, thậm chí phẫn nộ là chính đáng bởi đây là hình ảnh phản giáo dục.

Song, hãy đặt vào vị thế cô giáo. Ví dụ một lớp có 30 em, trong đó có một học sinh tăng động, luôn bắt nạt bạn khác mà nguyên nhân là bệnh lý (rối loạn phổ tự kỉ - RLPTK), hay đánh bạn bè, tức là không thuộc lĩnh vực giáo dục có thể giải quyết thì cô giáo phải làm gì? Cô chỉ có thể quan tâm hơn tới em chứ không thể lúc nào cũng chăm chắm vào một học sinh vì còn 29 em khác.

Đối với các bạn cùng lớp, các em không thể phải chịu đựng một bạn mà bất cứ lúc nào cũng gây sự với mình.

Đối với phụ huynh của 29 em kia, họ có chấp nhận con mình luôn bị hành hung, thậm chí về nhà với những vết cào rỉ máu?

Vậy bài toán nào cho vụ việc này?

Xin trích ý kiến của GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, người dành cả cuộc đời mình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Ông cũng là Giáo sư hàng đầu về Nhi khoa, được bạn bè quốc tế kính trọng đăng trên Facebook cá nhân:

“Chúng ta lên án và trách các cô giáo nhưng cũng nên biết rằng hầu như gần hết giáo viên mầm non chưa được trang bị kiến thức về trẻ RLPTK. Họ không hiểu trẻ RLPTK có những đặc tính gì, cần phải quản lí và giáo dục như thế nào.

Vì vậy ngoài lỗi của các cô cũng phải thấy lỗi của những người có trách nhiệm ở cấp cao hơn vì chưa nhận thức được vấn đề và chưa có các chính sách thích hợp.

Sự việc rồi sẽ lặp lại ở đâu đó nếu các cô giáo không được trang bị các kiến thức về trẻ tự kỉ vì trong bất cứ lớp học mầm non nào rất có thể có ít nhất một trẻ bị RLPTK theo học.

Mong lắm một chính sách quốc gia cho trẻ tự kỉ, trong đó có chương trình tập huấn, trang bị kiến thức về RLPTK cho tất cả giáo viên mầm non toàn quốc”.

PV (Kiến thức gia đình số 49)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cai-nhin-khac-vu-buoc-tre-vao-cua-so-post232099.html