Cái nhìn từ Mỹ: Cải thiện quan hệ Washington-Matxcova là không thể

Kremlin càng bất lực trước sự dọa dẫm của Mỹ, Mỹ sẽ ngày càng lấn tới

Xin được giới thiệu bài viết với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên “Svobodnaia Pressa” (Nga- được tác gia cho phép) của một cựu quan chức, học giả người Mỹ- ông Paul Craig Robert.

Trước hết, có mấy lời giới thiệu ngắn về ông: Tiến sỹ kinh tế, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chính sách kinh tế trong Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan.

Nguyên Tổng biên tập kiêm Nhà bình luận báo “Wall-Street- Journal”, Tạp chí "Businessweek " và Hãng thông tấn "Scripps Howard News Service ". Từng phụ trách một chuyên mục của "The Washington Times ". Tác giả nhiều cuốn sách và công trình nghiên cứu các ván đề cấp bách trong thế giới hiện đại.

Ảnh: Marina Lytseva /ТАSS

Ảnh: Marina Lytseva /ТАSS

Sau đây là nội dung bài viết của Paul Robert:

Đến thời điểm này thì mọi công dân Nga phải tự đặt cho mình một câu hỏi: liệu có khi nào đó các mối quan hệ (Nga) với Mỹ sẽ trở nên tốt hơn- như những gì họ (người Nga) muốn? Nghị sỹ Hạ viện Hoa Kỳ Tulsi Gabbard, Đảng viên Đảng Dân chủ đại diện cho các hòn đảo Hawaii, là “chiến sỹ gìn giữ hòa bình cuối cùng” vừa mới bị Hillary (Clinton - ND), Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ, và các quan chức Chính phủ buộc tội là "Nữ gián điệp Nga".

Cái cách mà đảng Dân chủ - (cùng) “các phương tiện báo chí tay sai” và những người điều khiển họ - tức tổ hợp tình báo- quân sự Mỹ- bóp méo vấn đề này, đã nói lên một điều là, nếu như bạn là người không muốn ném bom tàn phá Nga và đưa nước Nga trở lại thời kỳ đồ đá, thì chắc chắn là bạn đang làm gián điệp cho Nga!

Và trong một bối cảnh như vậy thì làm sao mà một nhà lãnh đạo Mỹ nào đấy lại có thể đứng ra ủng hộ và hành động nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng rất nguy hiểm trong quan hệ với Nga?

Xin hãy nhìn kỹ xem chuyện gì đã xảy ra với Trump khi ông tuyên bố về ý định “bình thường hóa quan hệ với Nga” của mình. Trên thế giới này hiện không còn việc gì cấp thiết hơn là làm được điều đó (bình thường hóa quan hệ với Nga). Nhưng lại không thể làm được điều đó. Trên con đường giải quyết vấn đề này- có hai ngọn núi sừng sững chắn đường.

Một trong hai ngọn núi đó là nhu cầu của tổ hợp quân sự -tình báo (Mỹ) cần phải có kẻ thù. Để biện minh cho khoản ngân sách khổng lồ của mình với số tiền lên tới 1 nghìn tỷ đô la/ năm và cái quyền lực vô biên có được từ khoản ngân sách này.

Năm mươi tám (58) năm trước, trong bài phát biểu cuối cùng của mình với người dân Mỹ, Tổng thống Dwight Eisenhower đã cảnh báo rằng “... chúng ta phải hết sức cảnh giác để ngăn chặn cái ảnh hưởng vô lý, dù là cố ý hay không cố ý, của tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Mỹ). Cái tiềm năng tăng trưởng một cách rất nguy hiểm sức mạnh không thể biện minh của nó đang tồn tại và sẽ còn tồn tại.

Chúng ta không được bao giờ cho phép liên minh này gây tổn hại cho các quyền tự do hoặc tiến trình dân chủ của chúng ta. ... Chỉ có một xã hội dân sự cảnh giác và được thông tin đầy đủ mới có thể bảo vệ được sự kết hợp hợp lý giữa một bộ máy công nghiệp- quân sự khổng lồ với các phương pháp và mục tiêu hòa bình của chúng ta, để an ninh và tự do có thể cùng nhau phát triển".

Cảnh báo của Aik (biệt danh không chính thức của Eisenhower, theo cách phát âm âm tiết đầu tên ông của người bản ngữ -ND) đã bị phớt lờ . Còn ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau, tổ hợp quân sự- tình báo đang điều hành nước Mỹ.

Một ngọn núi sừng sững chắn đường khác- hệ tư tưởng về quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Nó là Đức tin của các nhân vật bảo thủ mới, - tức những kẻ đã và đang kiểm soát chính sách đối ngoại của Mỹ, kể từ chế độ Clinton đến nay. Các nhân vật bảo thủ mới tuyên bố Mỹ là một quốc gia “không thể thay thế, là một quốc gia ngoại lệ”, là một quốc gia có quyền áp đặt ý chí và các kế hoạch của mình cho toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã loại bỏ mọi trở ngại đối với chủ nghĩa đơn phương của Washington. Đã không còn một cường quốc toàn cầu nào có thể đứng chắn đường Washington. Để duy trì tình trạng này, một nhân vật bảo thủ mới, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz, đã soạn thảo một học thuyết được đặt tên là “Học thuyết Wolfowitz”.

Trong Học thuyết này có điều khoản nói rõ rằng "mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất " trong chính sách đối ngoại và chính sách quân sự của Hoa Kỳ là ngăn chặn sự phục hưng của Nga hoặc bất kỳ quốc gia nào khác có thể đóng vai trò kiềm chế các hành động đơn phương của Mỹ.

Bị bất ngờ và sốc trước những hành động của Vladimir Putin,- người đã khôi phục được chủ quyền của Nga từ thân phận là một quốc gia chư hầu của Mỹ dưới thời Yeltsin, các nhân vật bảo thủ mới và các bồi bút của họ trên các phương tiện truyền thông Phương Tây đã phát động các cuộc tấn công tuyên truyền quy mô lớn chống Nga.

Nhiệm vụ của họ- “ma quỷ hóa” nước Nga, cô lập Nga và gạt Nga ra ngoài rìa (các tiến trình trên thế giới). Và, rất có thể, để tiến hành một cuộc đảo chính ở đất nước này bằng cách sử dụng các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ. Như đã làm với Ukraine trong "Cuộc Cách mạng Maidan". Và như những gì Mỹ đang làm và định làm tại Hồng Kông để chống Trung Quốc.

Hệ tư tưởng bá quyền của các nhân vật bảo thủ mới và nhu cầu của tổ hợp quân sự- tình báo cần phải có kẻ thù đã và đang cản trở bất kỳ một nỗ lực bình thường hóa quan hệ nào với nước Nga.

Như tôi (Paul Robert) và Stephen Cohen (Stephen Frand Cohen, giáo sư, nhà sử học chuyên nghiên cứu lịch sử Liên Xô và quan hệ Xô (Nga)-Mỹ, giáo sư các trường đại học tổng hợp Prinston và New York -ND) đã nhiều lần nhấn mạnh, tình trạng căng thẳng hiện tại giữa hai siêu cường hạt nhân nguy hiểm hơn rất nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tổng thống nào của Mỹ cũng đều cùng làm việc với người đồng cấp Liên Xô để giảm căng thẳng. John F. KennedyKhrushchev đã tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (cách người Mỹ gọi Cuộc khủng hoảng Caribe - ND) và tên lửa của Mỹ đã được đưa ra khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần thưởng cho Kennedy là ông đã bị Cơ quan Tình báo Trung ương và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân sát hại vì họ kết luận rằng Kennedy quá “mềm mỏng” với Chủ nghĩa Cộng sản và bản thân ông cũng là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Giáo sư Stephen Cohen

Tổng thống Richard Nixon đã “phát hiện ra” Trung Quốc và tổ chức các cuộc hội đàm với Leonid Brezhnev về Hiệp ước về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược-1 (START-1) và Hiệp ước về Phòng thủ chống tên lửa. Phần thưởng dành cho R.Nixon là “cái chết chính trị” qua vở kịch được dàn dựng dưới tên gọi “Watergate” và vụ từ chức bắt buộc của ông.

Tổng thống Carter Brezhnev đã ký Hiệp ước START-2. Và Carter đã được tổ hợp quân sự- tình báo tưởng thưởng bằng cách buộc ông đầu tư tiền của mình cho một nhân vật Reagan chống cộng.

Tổng thống Reagan lừa được tổ hợp quân sự- tình báo: ông và Gorbachev đặt dấu chấm hết choChiến tranh Lạnh.

Chính quyền George W. Bush- cha cam kết với Gorbachev rằng, nếu Liên Xô cho phép nước Đức thống nhất, Mỹ sẽ không kết nạp vào NATO các quốc gia từng là thành viện Hiệp ước Warsaw trước đây và NATO sẽ không tiến về phía Đông dù chỉ một inch (một tấc). Chế độ Clinton chối bỏ những cam kết của chính phủ Mỹ (tiền nhiệm) và đẩy NATO đến tận sát biên giới nước Nga.

Các chế độ tiếp theo ở Mỹ - George W. Bush- con, Obama Trump – đều lần lượt rút khỏi các hiệp ước và thỏa thuận còn lại, và bằng cách đó, làm tình hình căng thẳng giữa các siêu cường hạt nhân quay trở lại như thời kỳ “tiền Kennedy”.

Sự nguy hiểm xuất phát từ sự phát triển các sự kiện như vậy đã không được đánh giá một cách đúng mức. Các hệ thống cảnh báo hạt nhân về đòn tấn công của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (hệ thống cảnh báo đòn tấn công tên lửa-ND) vốn nổi tiếng một cách đáng sợ với việc đưa ra các cảnh báo sai.

Trong thời kỳ "Chiến tranh Lạnh", cả hai bên đều đã từng có một số lần nhận các tín hiệu sai về các cuộc tấn công như vậy, nhưng cả người Mỹ lẫn người Liên Xô chưa từng “ấn nút” (phóng tên lửa).

Tại sao? Lý do là ở chỗ cả hai bên đều hiểu rằng họ đang cùng làm việc để giảm căng thẳng và xây dựng – củng cố lòng tin. Cả hai bên đều hiểu rằng trong bầu không khí như vậy, các tín hiệu báo động chiến đấu có thể sai.

Ngày nay tình hình đã hoàn toàn khác. Các chính trị gia Phương Tây và những phương tiện truyền thông đại chúng Phương Tây đã “ma quỷ hóa” và chỉ trích nặng nề nước Nga, giới lãnh đạo nước Nga. Người Mỹ và công dân các nước chư hầu của Mỹ ở Châu Âu đã được dạy và đang được dạy phải vừa căm ghét vừa sợ người Nga.

Chính quyền Nga phải đối mặt với những cáo buộc giả tạo,- chuyện chưa từng xảy ra trong các mối quan hệ ngoại giao. Không một bên nào có thể tin tưởng phía bên kia. Hãy thêm vào đó một thực tế là thời gian phản ứng trước các đòn tấn công bây giờ được tính bằng phút. Và bạn cần phải hiểu rằng cả thế giới có thể bị nổ tung chỉ vì một tín hiệu báo động giả.

Cái thực tế là các nhân vật bảo thủ mới và tổ hợp quân sự- tình báo quân sự của người Mỹ bản địa tham nhũng đã làm cho sự sống lên Trái Đất phải đối mặt với một nguy cơ như vậy cho thấy một điều rằng cả các nhân vật bảo thủ mới, cả ngành công nghiệp chế tạo vũ khí đã coi những lợi ích cuart mình cao hơn chính bản thân sự sống trên Trái Đất.

Trong những điều kiện bình thường, những biện pháp đáp trả kiềm chế, không đối đầu của Vladimir Putin và của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước những hành động lăng mạ và khiêu khích của Mỹ sẽ là rất đáng ngưỡng mộ.

Nhưng, vì Mỹ đang trong vai một kẻ bắt nạt, những phản ứng thụ động của Nga trước chủ nghĩa côn đồ sẽ khuyến khích chủ nghĩa côn đồ- khiến nó càng côn đồ hơn. Như những đứa trẻ thế hệ tôi từng biết, khi bạn đối mặt với một kẻ bắt nạt, bạn phải ngay lập tức dám đương đầu với nó.

Trong trường hợp ngược lại, hắn ta (kẻ bắt nạt) sẽ thấy và cho rằng bạn thiếu lòng tự trọng và nhát gan, và sẽ càng nhạo báng bạn. Cách duy nhất để không phải đánh nhau- ngay lập tức đương đầu với kẻ bắt nạt.

Sự bất lực của Chính quyền Nga trong việc đối phó với những dọa dẫm của Washington sẽ đảm bảo chắc chắn rằng Washinton sẽ còn tiếp tục dọa dẫm Nga nhiều hơn nữa. Sớm hay muộn, sự nhạo báng sẽ vượt quá giới hạn, và nước Nga buộc sẽ phải đánh nhau.

Một chính phủ Nga ít thụ động hơn sẽ có thể làm được nhiều hơn cho hòa binh trên thế giới.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cai-nhin-tu-my-cai-thien-quan-he-washington-matxcova-la-khong-the-3390283/