Cái sảy nảy cái ung

Ai lại không từng nghe câu: 'Cái sảy nảy cái ung'? Từ điển Thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học giải thích: 'Từ cái sơ suất khiếm khuyết nhỏ, hoặc sự hư hỏng không đáng kể lúc đầu, nếu không biết loại bỏ, có thể đưa đến những hậu quả, những nguy hại và phiền phức lớn'.

Minh họa: MINH SƠN

Xét ra, trong cuộc sống, lời cảnh báo này không hề thừa, nhiều người chủ quan nên sau đó hối tiếc/tiếc nuối e cũng đã muộn. Mà chẳng thà, sự cố gì trầm trọng cho cam, còn đây chỉ là những điều vặt vãnh, không đáng kể thế lại càng rầu.

Lần nọ, trong cuộc liên hoan nhân dịp chị bạn nghỉ hưu, tôi hỏi: “Với kinh nghiệm từ người thật, việc thật đã tư vấn, đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, theo chị, mâu thuẫn gì khiến đôi lứa dễ chia tay nhất?”. Câu hỏi này, nếu trả lời thấu đáo ắt phải viết cả một quyển sách. Tuy nhiên, chỉ là cuộc trao đổi thân mật nên chị đã chia sẻ vài “gạch đầu dòng” đáng lưu ý nhất. Theo chị, có những nguyên nhân, chẳng phải trầm trọng cỡ như bạo hành gia đình, “ông ăn chả, bà ăn nem”, bị “cắm sừng”, có con “ngoài luồng”… đôi khi chỉ do những sự việc cỏn con từ tính cách.

Ngày nọ, người chồng đi làm về, mệt đứ đừ, chỉ muốn ăn miếng cơm rồi ngủ, nghỉ lấy lại sức. Bước vào nhà, anh ta ngạc nhiên thấy rổn rảng tiếng cười nói. Thì ra, bạn cũ của vợ ở tỉnh xa nhân đi công tác ở TP.Hồ Chí Minh nên ghé thăm. Mấy khi bạn xa đến nhà. Vui thôi mà. Nghĩ là vậy nhưng bước xuống bếp, thấy nồi niêu bếp núc lạnh tanh, anh ta ngán ngẩm. Bèn lẳng lặng ra quán “cơm bụi”.

Thấy áy náy với chồng nên chiều hôm ấy, cô vợ làm thức ăn ê hề như một cách chuộc lỗi. Khổ nỗi, người chồng còn chấp nhặt, để bụng sự bực bội nên không thèm cầm đũa. Đã “xuống nước” mà vẫn không xong, cô vợ nổi giận: “Biết ngay. Trưa nay, ăn cơm ở “nhà nó” còn no cành hông chứ gì?”. Nghe ghét quá, lại cái trò “chụp mũ” linh tinh, người chồng kênh mặt: “Ừ, cứ cho là thế. Có sao không?”. Cô vợ chẳng vừa: “Sao không ở lại ngủ luôn với “nó”, về nhà làm gì?”. Vậy là cuộc đấu khẩu “ăn miếng trả miếng” trở nên kịch liệt.

Tính cách “ăn thua đủ”, không chịu nhún mình, nhường nhịn, lúc nào cũng tệ hại cả. Thế đấy, có những chuyện bé xíu ban đầu đã bị đẩy đi xa hơn, rồi dẫn đến những “pha” gay cấn hơn nhiều.

Sự đa nghi đôi khi khiến quan hệ vợ chồng căng như sợi dây đàn. Sau khi bị “cắm sừng” dẫn đến ly dị, A. làm lại “tập 2” với B. Khổ nổi, “vết thương” từ “người cũ” vẫn cứ ám ảnh trong đầu, do đó, mọi động tĩnh gì của vợ, A. cũng dò xét, nghi ngờ, tra hỏi từng chi tiết… Ban đầu, B. không chấp nhặt, chỉ nghĩ: “Có yêu thì mới ghen”. Nhưng càng về sau, cô càng khó chịu, cảm thấy mình không được tôn trọng. Cô góp ý, chồng nghe theo nhưng rồi “ngựa quen đường cũ”, A. lại cứ tra hỏi, chất vấn, tò mò, suy xét từng chút một.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là lúc A. đọc trên Facebook của vợ có câu: “Làm sao giữ được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng?”. A. gào lên: “Chung sống với nhau, mỗi ngày sờ sờ gặp mặt mà còn mộng với mị gì nữa? Lại nhớ người xưa tình cũ chứ gì?”. Vợ sững sờ, không thốt nên lời. Những lời phân trần, giải thích chỉ vô ích. Từ “anh/em” chuyển sang “tôi/cô”, rồi tệ hại hơn nhiều.

Thật lạ, nhiều lứa đôi sau một thời gian đầu ấp, tay gối lại không còn nghĩ đến câu “tương kính như tân”, “vợ chồng phải trọng nhau như khách”. Vì thế, khi giận lên, họ huỵch toẹt, mắng sa sả chứ không cẩn trọng lời ăn tiếng nói. Thậm chí mọi sinh hoạt hàng ngày trong nhà cũng không thèm gìn giữ ý tứ, cứ ngang nhiên phơi bày như ở chốn không người.

Lại có người nghĩ rằng, một khi mình đang là giám đốc, trưởng phòng, có địa vị trong xã hội, ắt “nửa kia” không bao giờ dám rùm beng, tung hê, đánh ghen ồn ào. Nếu mọi chuyện vỡ lở, mình không còn ngồi “ghế” đó, ắt ảnh hưởng xấu đến thu nhập. Vì vậy, dù có biết rõ chuyện “mèo mỡ” lăng nhăng nhưng “nửa kia” đố dám làm “lớn chuyện”. Chỉ có nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Với suy nghĩ ích kỷ này, Lâm mặc sức “đi ngược, về xuôi”, tha hồ tung tẩy cho thỏa tính đào hoa, chỉ cần mỗi tháng nộp tiền cho vợ nuôi con là hoàn thành trách nhiệm. “Kết cục, mối quan hệ đó vẫn êm ấm từ ngày này qua tháng nọ chứ?”, nghe tôi hỏi, chị bạn bèn cười: “Nếu được thế, tôi đã không có cơ hội hòa giải cho vợ chồng họ”.

Ai đó đã nói một câu chí lý, chiếm được trái tim người khác, cực khó. Nhưng để giữ được nó, còn khó hơn bội phần. 2 con người riêng biệt, khác nhau về tính cách, trình độ, sở thích cá nhân… phải chung sống suốt đời là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật đó là gì? Câu hỏi này, khó có thể trả lời một cách rốt ráo bởi còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nhà, mỗi người. Sau một lát suy nghĩ, chị bạn tôi cho rằng: “Có lẽ điều quan trọng trước nhất, không nên vì “cái tôi” quá lớn. Đôi lúc cần phải tự nguyện “bào mòn” tính cách trong chừng mực nào đó để dung hòa, phù hợp với người bạn đời của mình”.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201811/cai-say-nay-cai-ung-824161/