Cải tạo chợ Thanh Lương: Rất cần sự đồng thuận

Chợ Thanh Lương, TX. Bình Long xây dựng đã 15 năm, diện tích nhỏ hẹp, mái che lụp xụp, dễ phát sinh cháy nổ. Trước đây, chợ từng xảy ra cháy nhiều lần, gần nhất là vụ cháy vào tháng 3-2022, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, hàng hóa. Do hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chợ chưa hoàn thiện nên mỗi khi xảy ra hỏa hoạn phải huy động phương tiện, lực lượng từ nơi khác đến chữa cháy.

Tháng 8-2022, UBND thị xã Bình Long phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng chợ Thanh Lương. Theo đó, UBND xã Thanh Lương làm chủ đầu tư dự án, với tổng vốn 3 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022-2023. Thực hiện chủ trương của thị xã, xã đã tuyên truyền, vận động tiểu thương bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng chợ. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương chợ Thanh Lương vẫn chưa đồng thuận. Và câu chuyện chỉnh trang lại diện mạo chợ nhằm đề phòng hỏa hoạn vẫn đang là tâm điểm tại địa phương.

Khắc phục sau hỏa hoạn

Tháng 3-2022, vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra trong đêm tại chợ Thanh Lương đã thiêu rụi 64 ki-ốt và nhiều hàng hóa bên trong chợ. Ước tổng thiệt hại tài sản khoảng 10 tỷ đồng. Sau vụ cháy, bà Đoàn Thị Hà đã vay mượn tiền dựng tạm 2 ki-ốt làm chỗ kinh doanh, buôn bán. Do chợ vắng khách, buôn bán ế ẩm nên số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải chi tiêu trong gia đình. Khi chính quyền địa phương triển khai dự án xây dựng chợ Thanh Lương, bà Hà là một trong những hộ tiểu thương không đồng thuận chủ trương. Bà Hà cho biết: “Tôi chờ đợi mãi không thấy xây chợ nên mới bỏ tiền làm 2 ki-ốt để buôn bán. Giờ xã lại bắt tháo dỡ để xây chợ, tôi không đồng tình vì chúng tôi hiện rất khó khăn”.

Một góc cảnh buôn bán tại chợ Thanh Lương hiện nay, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Bà Lê Thị Hương có 5 ki-ốt bị cháy, thiệt hại hàng hóa gần 1 tỷ đồng. Bà đã xây dựng lại các ki-ốt để buôn bán quần áo. Sau khi tham dự nhiều cuộc đối thoại giữa UBND xã và tiểu thương, bà Hương không đồng tình về việc xây chợ và muốn giữ nguyên hiện trạng cũ vì trước đây bà và các hộ tiểu thương đã ký hợp đồng thuê mặt bằng trong thời hạn 5 năm (2020-2025). Bà Hương cho biết: “Trước tết Nguyên đán, bà con tiểu thương xin phép che tạm để buôn bán qua tết. Chờ đợi mãi xã không xây chợ nên chúng tôi vay mượn tiền xây dựng ki-ốt. Cháy chợ, ai cũng khó khăn, thậm chí nợ nần chồng chất đến giờ chưa trả xong. Chỉ mong giữ nguyên chợ cũ để chúng tôi bán hết thời hạn thuê mặt bằng”.

Dây điện chằng chịt và kinh doanh buôn bán không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại chợ Thanh Lương, thị xã Bình Long

Thực tế, không phải địa phương không có chủ trương nâng cấp, cải tạo chợ như các tiểu thương phản ánh. Ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân, triển khai phương án xây dựng chợ. Theo phương án được phê duyệt, khu vực sân chợ sẽ xây dựng nhà lồng khung sắt diện tích hơn 1.176m2, bố trí 3 dãy ki-ốt với tổng 108 lô sạp. Sau khi điều chỉnh hành lang lộ giới quốc lộ 13, chiều dài khu vực sân chợ giảm 17m, còn 46m. Khu vực sân chợ bố trí 108 lô, gồm 64 ki-ốt bị cháy (ký hợp đồng 5 năm) và 44 lô sạp tự tiêu tự sản (ký hợp đồng hằng tháng). Để bố trí đủ lô sạp, phải chia khu vực sân chợ thành 3 dãy ki-ốt thay vì 2 dãy như trước. Vì vậy, lối đi trong chợ sẽ thu hẹp từ 9m còn 7m. Với phương án này, nhiều hộ tiểu thương chưa thống nhất về việc xây chợ.

Khu vực giữa chợ Thanh Lương vắng người buôn bán

Kiên quyết xây để phòng cháy, chữa cháy

Sau vụ hỏa hoạn, nhiều tiểu thương phải vay mượn tiền, bắt đầu lại công việc kinh doanh buôn bán. Thấu hiểu khó khăn này, thời gian qua, chính quyền địa phương đã không thu tiền thuê mặt bằng. Phần lớn người phản đối xây chợ là những tiểu thương có nhiều ki-ốt. Họ lo lắng không được sắp xếp lại đúng vị trí, diện tích lô sạp như cũ. Ngoài những hộ không đồng tình, số tiểu thương còn lại rất mong dự án nhanh chóng triển khai.

Tiểu thương buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lề đường trước mặt chợ Thanh Lương

Bà Lê Thị Hiên bị thiệt hại 2 ki-ốt trong vụ hỏa hoạn, hiện vẫn đang dựng tạm mái che để kinh doanh mũ nón, nước giải khát. Mỗi ngày, bà dậy sớm đưa hàng hóa ra chợ, chiều tối dọn về nhà. Dù rất muốn kinh doanh mặt hàng giày dép như trước nhưng bà còn chờ triển khai dự án xây chợ. Hiện mái che đã mục nát, nếu gặp mưa, chắc chắn hàng hóa sẽ bị ướt. Ở khu vực sân chợ có nhiều mái che lụp xụp, tạm bợ và hệ thống dây điện chằng chịt. Từ lúc xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng, bà Hiên luôn có tâm trạng hoang mang, lo lắng. Ngày nào chợ chưa được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thì ngày đó còn nguy cơ cháy nổ.

Bà Lê Thị Hiên dựng tạm mái che để kinh doanh mũ nón, nước giải khát

Theo một số hộ tiểu thương, họ phải thuê mặt bằng bên ngoài với giá cao trong khi chờ triển khai dự án xây chợ. Bình quân giá thuê mặt bằng khoảng vài triệu đồng mỗi tháng, trong khi giá thuê ký hợp đồng với xã chỉ vài trăm ngàn đồng. Vì vậy, nhiều tiểu thương mong sớm triển khai dự án xây chợ để được sắp xếp chỗ buôn bán ổn định. Bà Trần Thị Phượng, chủ gian hàng kinh doanh vàng mã, trái cây tại chợ Thanh Lương cho biết: “Trước đây, tôi thuê mặt bằng kinh doanh mỗi tháng 3 triệu đồng, trước tết bị lấy lại, tôi phải dựng ki-ốt để bán mấy ngày tết. Xã thông báo, đầu tháng 2 năm nay xây chợ nên tôi không dám lấy hàng về nhiều”.

Tiểu thương buôn bán tại chợ Thanh Lương

Mặt khác, việc cải tạo, sắp xếp chợ Thanh Lương là rất cần thiết, vì chợ chưa có bãi giữ xe, người mua hàng thường đi xe vào chợ. Việc phân bố các lô sạp chưa hợp lý, các ki-ốt tập trung hai bên, còn khu vực giữa chợ bỏ trống. Trước mặt chợ tập kết nhiều rác thải, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Vì vậy, việc xây dựng, sắp xếp lại khu vực buôn bán, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết. Nhiều hộ tiểu thương muốn bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng lo lắng không có chỗ buôn bán nên họ còn chờ những hộ khác cùng tháo dỡ mái che. Ông Phạm Văn Quyết, Trưởng ban Quản lý chợ Thanh Lương cho biết: “Có tiểu thương sở hữu cả chục ki-ốt. Nếu chính quyền địa phương vận động được họ trả mặt bằng thì những hộ tiểu thương còn lại sẽ tự tháo dỡ, di dời để xây dựng chợ”.

Hiện nay, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chợ Thanh Lương chưa xây dựng hoàn thiện. Bể chứa nước đặt ở cuối chợ, máy bơm công suất nhỏ, chưa có cột bơm nước lên trên. Vụ hỏa hoạn năm trước là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở chợ. Khi xảy ra hỏa hoạn, chợ còn thiếu nhiều phương tiện chữa cháy, phải huy động lực lượng, phương tiện từ nơi khác đến. Theo phương án xây dựng chợ hiện nay, xã sẽ dành một phần kinh phí để xây dựng bể chứa nước, trang bị thêm các phương tiện báo cháy, chữa cháy.

Chợ Thanh Lương cháy 2 lần rồi nên phải xây dựng lại để đảm bảo phương án phòng cháy, chữa cháy. Lãnh đạo thị xã, UBND xã đã nhiều lần tổ chức đối thoại với tiểu thương về phương án quy hoạch, bố trí mặt bằng sau khi xây chợ. Trong quá trình sắp xếp, xã ưu tiên bố trí 64 sạp đã ký hợp đồng 5 năm ở vị trí cũ. Ai ở vị trí nào sẽ được bố trí ở đó với diện tích bằng hoặc cao hơn. Hiện nay, hồ sơ đấu thầu xây chợ đã hoàn tất. Rất mong bà con chia sẻ với Nhà nước.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương
VÕ VĂN QUỐC

Theo chủ trương của thị xã Bình Long, xã Thanh Lương làm chủ đầu tư xây dựng nhà lồng chợ khung sắt, mái lợp tôn cho bà con tiểu thương sử dụng đến hết thời hạn thuê mặt bằng 5 năm. Năm 2025 sẽ tiến hành xây dựng chợ kiên cố. Nguồn vốn thực hiện là vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động tiểu thương bàn giao mặt bằng trước ngày 15-4. Tuy nhiên đã qua thời hạn nhưng nhiều tiểu thương không chấp hành, khiến việc triển khai dự án xây dựng chợ gặp không ít khó khăn. Do đó, đối với những tiểu thương chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, xã sẽ xin ý kiến của thị xã Bình Long để tiến hành cưỡng chế.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/143634/cai-tao-cho-thanh-luong-rat-can-su-dong-thuan