Cải tạo chung cư cũ cần những phương án 'cách mạng'

Thành ủy Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban chỉ đạo.

Thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định này, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, được phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội phân công cơ quan thường trực, xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.579 tòa chung cư cũ, quy mô từ hai đến năm tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung tại bốn quận nội thành (cũ), trong đó, quận Ba Đình có 214 chung cư, quận Đống Đa có 415 chung cư, quận Hai Bà Trưng có 244 chung cư, quận Hoàn Kiếm có 99 chung cư.

Qua rà soát, phân loại, hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và bẩy nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Từ năm 2007 đến nay, thành phố có 18 dự án cải tạo chung cư cũ và đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại); 13 dự án triển khai theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP.

Cần những phương án "cách mạng"

Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021. Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội.

Tờ Tổ quốc cho hay, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phẩn Đầu tư BĐS Toàn cầu (GP. Invest) cho rằng, cần những phương án "cách mạng", có chính sách đặc thù, ưu đãi riêng thì mới có thể giải tỏa được những khu chung cư mang tính phức tạp. Không chỉ kiểm định về chất lượng chung cư mà cả tính phức tạp của dự án cải tạo.

Việc cải tạo chung cư cũ hiện nay không có công cụ pháp lý nên gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Quốc hội, Chính phủ cần có văn bản quy định mang tính đặc thù. Nếu không thì chúng ta chỉ bàn rồi để đó. Cần thành lập ban riêng cải tạo chung cư cũ, lấy ý kiến của các ban ngành chuyên môn tham vấn. Chỉ có như vậy mới mong giải quyết triệt để vấn đề này.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cần phải nâng tầm nhận thức của người dân, lãnh đạo các cấp, lãnh đạo nhà nước về cải tạo chung cư cũ. Công cụ cần thiết là phải có một Nghị quyết, Quyết định thí điểm của Quốc hội.

Thứ hai, cần phải xây dựng đề án kiểm định để xây dựng kế hoạch, có cách nhìn tổng thể chứ không phải chỉ dựa vào tiêu chí về an toàn, để thí điểm cải tạo chung cư cũ. Thứ ba, Hà Nội nên thí điểm một mô hình cải tạo chung cư cũ bằng ngân sách, chứ đừng qua doanh nghiệp.

"Phải lập quy hoạch trên cơ sở 3 mô hình đề xuất nêu trên, sớm xây dựng các khu tái định cư thích hợp. Lựa chọn chủ đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, trên địa bàn toàn thành phố chứ không phải chỉ ở các khu vực nội đô" - KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

Nguyên Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cai-tao-chung-cu-cu-can-nhung-phuong-an-cach-mang-d154289.html