Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Kiến nghị chính sách đặc thù để gỡ 'nút thắt'

Những quy định hiện hành đang là 'nút thắt' khiến việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội rất chậm. Dù chủ trương này đã được triển khai từ năm 2007, nhưng hiện mới có 14 trên tổng số 1.579 chung cư cũ hoàn thành việc cải tạo, xây mới. Trước thực trạng trên, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ gỡ 'nút thắt' cho vấn đề còn khá nan giải này.

Vướng mắc về cơ chế và giải phóng mặt bằng, dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể Viện Tư liệu phim (quận Ba Đình) bị đình trệ nhiều năm. Ảnh: Yên Khánh

Ì ạch cải tạo

Nhận tiền hỗ trợ, bàn giao căn hộ để triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Viện Tư liệu phim (phường Cống Vị, quận Ba Đình) từ 2 năm nay, ông Vũ Đình Thấn không khỏi sốt ruột vì dự án chưa xong việc giải phóng mặt bằng do một số hộ chưa chấp thuận phương án đền bù. “Chúng tôi chấp nhận cảnh thuê nhà tạm bợ và hy vọng dự án sớm triển khai. Tuy nhiên, với tình trạng này, không biết khi nào dự án mới động thổ...”, ông Vũ Đình Thấn chia sẻ. Trên thực tế, nhiều dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố cũng rơi vào tình cảnh khó khăn như: Dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư D3, D4 khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình); L1, L2 tại số 93 phố Láng Hạ (quận Đống Đa), khu tập thể Ba tầng (quận Hà Đông)...

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, vướng mắc chính khiến công tác cải tạo chung cư cũ ì ạch là do chưa cân đối lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Thực tế, xây dựng lại lượng lớn chung cư đang hư hỏng, xuống cấp, ngân sách nhà nước không kham nổi. Hà Nội đã huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, lợi ích và quy định hiện hành đang “vênh” nhau, khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Ông Dương Văn Mậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Vinaconex (thuộc Công ty TNHH một thành viên Vinaconex Đầu tư (Vinaconex Invest), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex) cho biết: Để bù đắp nguồn vốn bỏ ra và có lãi, việc đầu tư phải thỏa mãn 2 điều kiện: Tòa nhà xây dựng mới có tổng diện tích xây dựng tối thiểu gấp 3 lần diện tích của các tòa nhà chung cư cũ; toàn bộ diện tích mặt bằng tầng 1 phục vụ mục đích kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, quy định hiện hành khống chế chiều cao tại khu vực trung tâm nên nhà đầu tư không thể xây 15-18 tầng để có lãi như tính toán. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai Bùi Khắc Sơn thì cho biết, dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Ba tầng (quận Hà Đông), qua nhiều lần làm việc với các chủ sở hữu thì tình hình ngày càng có dấu hiệu leo thang, diễn biến phức tạp. Nhiều hộ cơi nới diện tích khác với giấy tờ gốc và đưa ra yêu cầu hệ số đền bù cao khiến việc thỏa thuận gặp khó khăn...

Nỗ lực gỡ vướng

Trao đổi với báo chí về tình hình cải tạo chung cư cũ liên quan đến trách nhiệm của ngành, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, từ cuối năm 2016, UBND thành phố đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ. Các nhà đầu tư đã mời, thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu lập quy hoạch; tiếp thu ý kiến góp ý của các cá nhân, tổ chức, sở, ngành liên quan. Đến nay đã có 5 khu: Tập thể Ba tầng tại quận Hà Đông, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Quỳnh Mai, Nghĩa Tân lập xong quy hoạch chi tiết 1/500 và đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt; 17 đồ án đã báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố ý tưởng quy hoạch...

Trước các vướng mắc trong quá trình thực hiện cải tạo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2016, UBND thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng cơ chế đặc thù và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhằm tìm giải pháp giúp thành phố. Sở Xây dựng đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như: Xem xét, sửa đổi quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Mới đây, ngày 9-12-2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 7020/QĐ-UBND và Quyết định số 7019/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ chuyên gia của thành phố và Tổ công tác giúp việc Tổ chuyên gia của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND thành phố, hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Tổ phó Tổ chuyên gia chia sẻ, thực tế quy hoạch không phải bất biến, nếu việc điều chỉnh nằm trong khuôn khổ pháp luật thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Sau khi nghiên cứu kỹ, Hà Nội sẽ báo cáo chi tiết về những khó khăn, vướng mắc để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy công tác cải tạo, xây mới, tạo diện mạo văn minh và cải thiện đời sống của người dân Thủ đô tại các chung cư cũ trên địa bàn.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/953020/cai-tao-chung-cu-cu-tai-ha-noi-kien-nghi-chinh-sach-dac-thu-de-go-nut-that