Cải tạo nhà hàng phá cảnh Mã Pì Lèng: Luật nào?

Đây không phải là câu chuyện riêng của tỉnh Hà Giang nữa mà đó là câu chuyện của ngành quản lý văn hóa, du lịch của Việt Nam'.

Sau nửa năm báo chí phản ánh về nhà hàng sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng, mới đây UBND tỉnh Hà Giang mới có quyết định chuyển đổi công năng nhà hàng này thành điểm dừng chân.

Về thiết kế cụ thể của điểm dừng chân này, UBND tỉnh Hà Giang sẽ lấy ý kiến tham vấn thêm của các nhà khoa học để lựa chọn quyết định.

Trước đó, trong văn bản của bà Vũ Thị Ngọc Ánh - chủ công trình nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng gửi tới UBND tỉnh Hà Giang cũng đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách.

Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.

Ngày 15/3, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không đồng tình với quyết định của UBND tỉnh Hà Giang.

Theo ông Hòa, trong luật đã quy định rất rõ với công trình không có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì trong vòng 60 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm, chủ công trình không đưa ra được giấy phép thì buộc phải tiến hành phá dỡ, trả nguyên hiện trạng. Nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.

Nhà hàng phá cảnh Mã Pì Lèng chuyển đổi thành điểm dừng chân là trái với quy định pháp luật!

Nhà hàng phá cảnh Mã Pì Lèng chuyển đổi thành điểm dừng chân là trái với quy định pháp luật!

"Nếu như nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng không có giấy phép mà lại vẫn cho tồn tại, cải tạo thành điểm dừng chân thì rõ ràng là trái quy định pháp luật. Ở đây có dấu hiệu của sự bao che cho một công trình gây bức xúc trong dư luận" - ông Hòa nói.

"Tại sao một công trình lớn như thế không có giấy phép mà chủ công trình sẵn sàng bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng? Sai phạm đã rõ nhưng giờ lại xin chuyển đổi công năng, cho tồn tại một công trình sai phạm như vậy thì những nghi ngờ của người dân về "bao che cho tồn tại" ở công trình này trong thời gian qua càng lộ rõ" - ông Hòa nói.

Vị ĐBQH cũng cho rằng, nếu UBND tỉnh Hà Giang quyết định cải tạo nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân thì phải đưa ra được bằng chứng chứng minh rằng điểm dừng chân đó có cần thiết hay không. Nếu chỉ vì công trình đã được xây dựng mà bây giờ không thể phá bỏ mà lại biến nó thành điểm dừng chân là điều không thể chấp nhận được.

ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ: "Điểm dừng chân được làm như thế nào? Trước đây UBND tỉnh Hà Giang cũng từng dự định làm một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, liệu rằng khi đó ý tưởng về điểm dừng chân này có phù hợp với nhà hàng hiện tại đang sai phạm hay không?

Tôi cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc để xem có khuất tất đằng sau sai phạm của nhà hàng này hay không, công tác xử lý sai phạm của tỉnh Hà Giang có đúng không?

Bên cạnh đó, các bộ ngành của Trung ương, đặc biệt là Bộ VHTT&DL cần phải thực tế để đưa ra ý kiến của mình bởi công trình này ảnh hưởng đến Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng - địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Đây không phải là câu chuyện riêng của tỉnh Hà Giang nữa mà đó là câu chuyện của ngành quản lý văn hóa, du lịch của Việt Nam".

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định của UBND tỉnh Hà Giang cải tạo nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, việc xây dựng điểm dừng chân ở Mã Pì Lèng là nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản và hưởng thụ, trải nghiệm các giá trị khoa học của khu Công viên địa chất và khu danh thắng Mã Pì Lèng.

Tuy nhiên, ông Bài lưu ý, UBND tỉnh Hà Giang cần phải chú trọng phần đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra như chất thải từ điểm dừng chân. Đồng thời, kiến trúc điểm dừng chân nên đi theo hướng kiến trúc xanh hay kiến trúc sinh thái.

Hồi tháng 10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phá dỡ toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế để cải tạo thành đất trồng cây xanh; phần còn lại (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) làm điểm dừng chân, ngắm cảnh phục vụ du khách.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Ánh phản đối đề xuất này vì cho rằng phá dỡ 6 tầng nhô ra phía sông Nho Quế sẽ ảnh hưởng đến kết cấu còn lại và gây ô nhiễm môi trường.

Sau đó, huyện Mèo Vạc đã yêu cầu chủ nhà hàng Paronama dừng kinh doanh để chờ kết luận của cơ quan quản lý.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cai-tao-nha-hang-pha-canh-ma-pi-leng-luat-nao-3398589/