'Cái tát' vào bệnh thành tích: Không 'tung hô' những thứ không có thật

Cuộc thi dẫn tới bệnh thành tích nặng nề nhất trong GD-ĐT hiện nay, khiến nhiều giáo viên sợ hãi nhất, chính là thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

Một giờ dạy trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận tại Trường THCS Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: ẢNH: T.MAI

[VIDEO] Học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái: Lời những người trong cuộc

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), cho biết năm nay ông sẽ kiên quyết nói “không” với những giờ dạy “trình diễn” trong cuộc thi giáo viên (GV) dạy giỏi cấp quận.

Ông Vũ nêu quan điểm: Hội thi GV dạy giỏi hằng năm là dịp để cho những người, bằng tình yêu nghề nghiệp thể hiện sự sáng tạo và trách nhiệm trong bài giảng. Để rồi cũng từ hội giảng này, các thầy cô sẽ ngày một gần hơn với mục tiêu hướng tới học sinh (HS), khơi dậy ở các em niềm say mê khám phá chính bản thân mình.

“Chúng tôi muốn mỗi bài giảng mà các thầy cô mang đến hội thi sẽ là một sáng tạo, được thử nghiệm và được trình bày với một kỹ năng hoàn hảo. Nhưng cũng rất sợ sau tiếng “trống hội” rộn rã là hàng dài của những tiết học buồn tẻ không thể giúp HS phát hiện và phát huy tố chất vốn có của bản thân. Mặc dù rất muốn được dự những tiết học chuẩn bị kỹ lưỡng, song chúng tôi cũng nói với các GV và nhà trường: Đã đến lúc không thể cứ tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học”, ông Vũ nói.

Học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái: Lời những người trong cuộc

Vậy ông làm cách nào để kiểm soát được rằng những tiết dạy trong hội thi không phải là những buổi “trình diễn”?

Năm nay, chúng tôi quyết tâm làm nên bị GV cho rằng hơi “nghiệt ngã” một chút. Nghĩa là hôm nay dạy thì hôm qua GV mới biết bài dạy là gì, họ chỉ có 1 ngày chuẩn bị để tránh phô trương, hình thức. Trong khi năm ngoái, thời gian chuẩn bị là 1 tuần. Tiêu chí cũng rất rõ, từ năm nay, nếu trong quá trình dạy, giám khảo phát hiện HS đã được học trước, được chuẩn bị kỹ lưỡng, GV sử dụng những phương tiện, những kỹ thuật dạy học mà thường nhật không mấy khi được áp dụng thì giờ dạy đó sẽ không được đánh giá cao.

Dự một số tiết sẽ thấy ngay điều đó, thực tế vẫn thấy GV bày ra nhiều đồ dùng dạy học không thực sự cần thiết với yêu cầu của bài học và không phải HS nào cũng tiếp cận cái đó.

Chúng tôi hướng đến những tiết dạy mà ở đó GV là người kiến tạo, HS là chủ thể khám phá. Ban giám khảo sẽ đánh giá rất cao những tiết dạy mà ở đó HS được hồn nhiên thể hiện cách hiểu, cách biết của mình. Những tiết dạy không hề được chuẩn bị công phu nhưng chứa định tình yêu, niềm tin, trách nhiệm và trí tuệ của người thầy. Những tiết dạy của niềm vui và hạnh phúc.

Thay đổi ấy có vấp phải sự phản ứng từ các nhà trường và GV không thưa ông khi họ lo ngại rằng GV mình đi thi ở cấp TP sẽ bị “mất điểm”?

Năm nay, chúng tôi đã tuyên truyền, thống nhất với giám khảo và GV dự thi của quận để họ không phải băn khoăn nhiều và khi hướng tới thực chất thì không “tung hô” những thứ không có thật. Nói chung, đa số GV đều ủng hộ. Nhưng cũng có những người không ủng hộ. Vì họ vẫn còn thói quen cũ, kiểu như ngày hội thì phải ăn mặc đẹp chứ không đẹp không được. Nói chung rất khó nhưng phải quyết tâm thay đổi.

Tuyết Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/cai-tat-vao-benh-thanh-tich-khong-tung-ho-nhung-thu-khong-co-that-1027439.html