Cải thiện chất lượng đàn trâu

Những năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều kế hoạch, dự án cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn trâu, góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc đàn trâu địa phương và giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ Nguyễn Thanh Lục cho biết, tầm vóc trâu địa phương trên địa bàn huyện khá nhỏ. Trâu 1 năm tuổi có trọng lượng bình quân khoảng 100kg. Trong khi đó, sau khi được hỗ trợ trâu giống và lai tạo, trâu lai 1 năm tuổi có trọng lượng bình quân từ 140 - 150kg. Không chỉ cải thiện được tầm vóc, việc hỗ trợ trâu giống còn giúp ngăn chặn tình trạng người dân để trâu giao phối cận huyết, đồng huyết. Nhờ đó, tỷ lệ sống của nghé sơ sinh cũng được cải thiện đáng kể, đạt trên 90%; còn khi chưa lai tạo, tỷ lệ nuôi sống của nghé sơ sinh khi chỉ đạt 60 - 70%.

Gia đình chị Đinh Thị Hang, ở xã Long Mai (Minh Long), chuẩn bị tiếp nhận một con trâu đực giống từ kế hoạch cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025.

Theo ông Lục, trong 10 năm trở lại đây, các hộ chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện Ba Tơ được hưởng lợi từ nhiều dự án, chương trình cải tiến tầm vóc đàn trâu của tỉnh và huyện. Ngoài trâu giống, các hộ dân còn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Các hộ dân không chỉ lai tạo cho đàn trâu của gia đình, mà còn lai tạo cho đàn trâu của các hộ chăn nuôi khác tại địa phương. Đến nay, trong tổng đàn trâu hơn 27 nghìn con trên địa bàn huyện, có khoảng 10 nghìn con trâu lai với tầm vóc, thể trạng vượt trội.

Hiệu quả mang lại từ các chương trình, dự án nâng cao tầm vóc đàn trâu, tỉnh tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch Cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Trong giai đoạn này, tỉnh hỗ trợ cho người dân khoảng 130 trâu đực giống đảm bảo chất lượng để thực hiện phối giống tạo ra khoảng 5.700 con trâu lai tại 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long.

“Để đảm bảo hiệu quả của việc hỗ trợ, địa phương lựa chọn hộ dân tham gia mô hình là những hộ có sẵn trâu cái trong chuồng và phải ở trong khu dân cư có từ 30 con trâu cái trở lên. Cùng với đó, hộ chăn nuôi phải cam kết với địa phương rằng, trong 5 năm, tiến hành vận động các hộ dân khác trong khu dân cư dùng trâu giống được hỗ trợ để lai tạo, phối giống ra khoảng 100 con nghé”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Minh Long Phạm Đăng Đàm chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, Sở đã yêu cầu Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và UBND các xã tuyên truyền sâu rộng, công khai, minh bạch kế hoạch Cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 đến tất cả nông dân trong xã. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình chăn nuôi của các hộ dân tham gia mô hình để kịp thời hỗ trợ người dân, không để con giống bị chết do các nguyên nhân chủ quan như thiếu thức ăn, đói rét trong mùa mưa. Nông dân tham gia mô hình phải tuyên truyền, vận động những hộ dân khác tiến hành lai tạo, cải thiện chất lượng đàn trâu và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật đã được hướng dẫn vào việc chăn nuôi, để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/13064/202303/cai-thien-chat-luong-dan-trau-3160152/