Cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, lao động ngành than

Những năm gần đây, mặc dù gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu do biến động của thị trường, nhưng ngành than vẫn phát huy truyền thống 'kỷ luật và đồng tâm', nỗ lực duy trì bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngành than đã dành hàng nghìn tỷ đồng ưu tiên đầu tư xây dựng nhà ở và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho công nhân.

Kiểm tra bữa ăn tự chọn phục vụ công nhân tại Công ty than Mạo Khê.

Kiểm tra bữa ăn tự chọn phục vụ công nhân tại Công ty than Mạo Khê.

Cải thiện điều kiện làm việc

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty than Mông Dương Tạ Văn Bền chia sẻ: Do khó khăn về điều kiện địa chất, khai thác ngày càng xuống sâu cho nên sản lượng than hằng năm của đơn vị chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Năm 2017, công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chủ yếu do tình trạng địa chất một số khu vực chuẩn bị khai thác và lò chợ đang khai thác biến động quá lớn phải bỏ diện; quá trình thi công khấu lò chợ gặp đá lại phải tháo giá, đào lò tránh. Công ty có chín công trường khai thác thì có tới 28 lần phải chuyển diện trong năm. Phía trên diện sản xuất của công ty là các vùng khai thác lộ thiên, khu vực đổ thải làm nước tích tụ thẩm thấu xuống lò nhiều dẫn đến phải huy động bơm nước liên tục, chi phí tốn kém và mất nhiều thời gian.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn, đồng thời cải thiện đáng kể điều kiện làm việc cho công nhân và người lao động, công ty đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa trong đào lò bằng máy Combai và khai thác bằng công nghệ giàn mềm ZRY áp dụng cho vỉa dốc, cũng như công nghệ chống neo, mang lại hiệu quả cao. Quản đốc Phân xưởng Khai thác 9 Đinh Công Đệ cho biết, trước đây, phân xưởng khai thác chủ yếu bằng công nghệ giá khung ZH1, nhưng từ khi đưa công nghệ giàn mềm ZRY vào khai thác, sản lượng duy trì ổn định đạt 190 tấn/ngày. Công nghệ giàn mềm ZRY so với công nghệ cũ mang lại hiệu quả hơn do có thiết kế nhỏ gọn, việc tháo dỡ và lắp đặt nhanh, đã tiết giảm thời gian, giảm sức lao động cho công nhân và có mức độ an toàn cao hơn. Đến nay, công nhân trong phân xưởng đã làm chủ các thiết bị giàn mềm ZRY và phát huy hiệu quả, phù hợp trong điều kiện diện khai thác than tại các vỉa dốc. Công đoàn công ty thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, quan tâm chăm lo tốt đời sống của thợ mỏ.

Với đặc thù khai thác than lộ thiên, bên cạnh việc bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Công ty cổ phần Than Hà Tu luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cải thiện điều kiện lao động cho công nhân. Năm 2017, công ty dành hơn 7 tỷ đồng đầu tư các công trình bảo vệ môi trường như: Dự án trồng cây cải tạo phục hồi tài nguyên môi trường; công trình gia cố kè chắn đất đá chống sạt lở các khu dân cư; dự án xử lý nước thải mỏ... Công đoàn và đơn vị chuyên môn duy trì phong trào xây dựng mô hình "nhà ăn ba tốt", trọng tâm là nâng cao chất lượng phục vụ bữa ăn giữa ca, bồi dưỡng người lao động bằng hiện vật. Công ty đã đầu tư nâng cấp các nhà ăn, đầu tư xe chuyên dùng đưa cơm hộp, nước lọc tinh khiết cho lái xe, lái máy và các bộ phận làm việc tại khai trường... Cùng với đó, công ty thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân và người lao động và tổ chức đi tham quan, nghỉ mát định kỳ, qua đó động viên và tạo sự phấn khởi hăng say thi đua lao động. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần than Hà Tu Ong Thế Minh chia sẻ: Công việc phù hợp, thu nhập ổn định, môi trường làm việc tốt là điều quan trọng đối với công nhân, người lao động. Vì vậy, Công đoàn công ty luôn phối hợp bộ phận chuyên môn để bố trí, sắp xếp lao động hợp lý, bảo đảm điều kiện cho thợ mỏ làm việc đạt năng suất cao, an toàn.

Từ nhiều năm nay, Công ty than Thống Nhất luôn xác định bảo vệ quyền lợi cho công nhân và người lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, công ty chủ động áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, tiết giảm sức lao động; cải thiện điều kiện sinh hoạt, tắm giặt, nâng cấp các khu nhà ở, tập thể; thực hiện tổ chức ăn ca, ăn tự chọn cho thợ lò; lắp đặt hệ thống dẫn nước uống xuống lò; hệ thống rửa mũi, bố trí xe đưa đón công nhân tại các bến; tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, cơ giới hóa điều kiện chở người và vật tư trong hầm lò... Năm 2017, công ty đã đưa công trình chung cư cho thợ lò vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư gần 32 tỷ đồng, gồm 80 căn hộ đầy đủ tiện nghi. Giám đốc Công ty than Thống Nhất Phạm Đức Khiêm cho biết, để bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất, công ty đã đưa công nghệ thông tin liên lạc vào trong hầm lò và trang bị hệ thống hướng dẫn bằng la-de thay cho máy thủy chuẩn, vừa thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành sát, đúng, bảo đảm chính xác cao trong kỹ thuật, vừa giảm chi phí phát sinh...

Quan tâm chăm lo đời sống thợ mỏ

Năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai thành công ba mục tiêu: Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, từng bước đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho công nhân và người lao động.

TKV và các đơn vị thành viên đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn về nhà ở cho công nhân, lao động. Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, Tập đoàn đã hỗ trợ cho vay một phần vốn ưu đãi, từ đó các doanh nghiệp trong ngành đã xây dựng nhiều khu nhà tập thể cho công nhân. Trong căn phòng chung cư, thợ lò bậc 3/7 Phan Văn Phương, Phân xưởng Đào lò 5 chia sẻ: "Phòng có bốn anh em đều cùng phân xưởng nhưng mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau. Trước đây, chúng tôi ở trọ bên ngoài khoảng 500 nghìn đồng/người/tháng chưa tính tiền điện, nước mà điều kiện sinh hoạt thì chật chội, thiếu thốn. Từ khi về chung cư mới đầy đủ tiện nghi, chúng tôi rất vui mừng và cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo công ty. Giờ, mỗi người chỉ phải trả 160 nghìn đồng/tháng tiền nhà cùng với tiền điện, nước thêm khoảng hơn 100 nghìn đồng nữa".

Chủ tịch Công đoàn Công ty than Mông Dương Nguyễn Công Tuân cho biết: "Mặc dù sản xuất khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì mức thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, đầu tư cơ giới hóa hệ thống đưa đón thợ mỏ trong lò, từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn tự chọn, bố trí nước chè, nước đậu giải khát sau mỗi ca làm việc. Trong năm 2017, công ty đã khánh thành và đưa vào sử dụng khu chung cư chín tầng hiện đại với 96 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 400 thợ lò. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chung cư của thợ lò, Phó Chánh Văn phòng Công ty than Mông Dương Lê Trọng Cường vui vẻ giới thiệu: Chung cư được trang bị cầu thang máy, bố trí ở bốn người/phòng, mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như: Giường, tủ, bàn ghế gỗ, bình tắm nóng lạnh, hệ thống wifi, truyền hình cáp... Ngoài ra, trong khuôn viên còn có sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... để công nhân vui chơi, tập luyện sau giờ làm việc. Bữa ăn của thợ mỏ cũng được cải thiện đáng kể. Đến nay, nhiều đơn vị khai thác than hầm lò đã tổ chức bữa ăn tự chọn với hơn 20 món; suất ăn kèm trái cây tráng miệng. Khẩu phần ăn ca của thợ lò từ 65 nghìn đến 110 nghìn đồng/suất. Sau mỗi ca sản xuất, một số đơn vị, công ty than như: Nam Mẫu, Mạo Khê, Vàng Danh, Quang Hanh, Khe Chàm... đều nấu chè để thợ lò giải nhiệt.

Đến một số công ty than thuộc TKV, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất đó là điều kiện và môi trường làm việc của thợ mỏ ngày càng được cải thiện và nâng lên. Các chế độ đối với người lao động do Nhà nước quy định, như: Chế độ ăn định lượng; trợ cấp thôi việc; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ, trợ cấp những trường hợp bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp... được bảo đảm. Những công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, bụi phổi, hằng năm đều được Bệnh viện Than - Khoáng sản Việt Nam điều trị miễn phí. Với chi phí mỗi ca rửa phổi khoảng 30 triệu đồng/người.

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động, nhưng hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành than và các đơn vị thuộc Tập đoàn đang phải đối mặt là diện khai thác ngày càng xuống sâu, áp lực mỏ lớn, điều kiện khai thác ngày càng bất lợi, dẫn tới các chi phí về thăm dò, khai thác, bảo đảm an toàn lao động tăng cao. Trong điều kiện các loại thuế, phí tài nguyên tại nước ta cao so với mặt bằng chung của khu vực, chi phí đầu vào cho sản xuất và khai thác cao hơn, khiến giá thành sản xuất than trong nước cao, giảm sức cạnh tranh và gặp nhiều bất lợi so với than nhập khẩu. Cùng với đó là tỷ lệ thợ lò bỏ việc vẫn diễn ra và việc thu hút thợ lò đến làm việc còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của việc thợ lò bỏ việc là do đặc thù môi trường làm việc trong hầm lò có nhiều rủi ro tiềm ẩn, không gian làm việc chật hẹp, dễ xảy ra tai nạn hơn các ngành nghề khác.

Khó khăn là vậy, nhưng trong năm 2018, TKV tiếp tục xác định mục tiêu chung là "An toàn - Đổi mới - Phát triển", phấn đấu sản xuất than nguyên khai 35,36 triệu tấn, tiêu thụ 36 triệu tấn, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 2.000 tỷ đồng; mức lương trung bình chung đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2018, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn khẳng định: Muốn hoàn thành được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh thì trước hết phải quan tâm, chăm lo tốt đến công nhân và người lao động. Theo đó, Tập đoàn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục nâng cao và cải thiện điều kiện làm việc, tạo ra một môi trường làm việc bảo đảm để bản thân công nhân và người lao động thấy rằng, đó là nơi đáng làm việc, đáng cống hiến hết mình. Đồng thời, có giải pháp trả mức lương xứng đáng cho thợ lò, phù hợp cống hiến của họ, chăm lo đời sống của thợ lò và gia đình ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, phải luôn tôn trọng và đặc biệt quan tâm việc ứng xử sao cho phù hợp với thợ lò và hài hòa mối quan hệ lao động trong đơn vị, từng bước xây dựng được văn hóa cộng đồng với những nét riêng cho thợ mỏ.

Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35804502-cai-thien-dieu-kien-lam-viec-cho-cong-nhan-lao-dong-nganh-than.html