Cải thiện môi trường kinh doanh: Có chuyển biến song… vẫn vướng

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 73.103 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so cùng kỳ năm trước. Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Dù quy về một cửa nhưng muốn qua cửa đó, cần phải bôi trơn các cửa ngách mới thông.

Tăng số DN ngừng hoạt động

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, cả nước có 13.000 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 42% về số DN và tăng 80% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng 10 đạt 11,7 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số DN tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng năm 2018 là 78.404 DN, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 24.467 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,7% và 53.937 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,6%.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lý giải, việc gia tăng số lượng DN ngừng hoạt động trong 10 tháng năm 2018 là do chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với DN cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Cụ thể, phần lớn DN quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại. Những hạn chế cố hữu này vẫn chưa được giải quyết dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp như thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường...

Đồng thời vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng DN như: Quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của DN. Nhiều DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho DN vẫn còn xảy ra.

Cụ thể, kết quả một khảo sát thuộc dự án “Hỗ trợ DN Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính” do VCCI thực hiện trong năm 2018 cho thấy tình trạng DN khó tiếp cận được vốn đến từ cả phía DN và các tổ chức tín dụng. Vì DN thiếu khả năng hoạch định chiến lược làm giảm độ tin cậy về tính khả thi của dự án đầu tư. Còn về phía các tổ chức tín dụng thì hồ sơ cho vay vốn còn phức tạp, lãi suất cho vay cao, đánh giá rủi ro chưa phù hợp.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù có sự cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chưa mang lại hiệu ứng tích cực cho DN. Thực tế nhiều nơi môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều. Nếu thực sự cải thiện được môi trường kinh doanh, thì năm 2020, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo công bố của Tổng cục Thống kê, đến nay Việt Nam mới có hơn 500.000 DN hoạt động kinh doanh được. Như vậy còn rất xa so với con số 1 triệu DN. Từ nay đến năm 2020, nếu số DN ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng cao so với DN hoạt động thì đây thực sự là điều đáng ngại.

Khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng trong bối cảnh phải chạy đua, phải tạo động lực mới cho phát triển, TS Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, song song với việc cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật về DN theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của DN, thì để bảo đảm trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cần được coi là một chính sách ưu tiên. (Ảnh minh họa)

Cần cải thiện môi trường kinh doanh

Hiện nay, việc bố trí nguồn lực hậu kiểm tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ phục vụ cho công tác hậu kiểm còn rất “mỏng”, chủ yếu là thực hiện kiêm nhiệm với các nhiệm vụ khác. Nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về quy định pháp lý cũng như trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập. “Vì vậy, cần bổ sung nguồn lực cho hoạt động hậu kiểm, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập”, bà Minh nói.

Trước thực trạng các DN ngừng hoạt động tăng, một câu hỏi đã được đặt ra, vì sao vẫn có quá nhiều DN có “tuổi thọ” thấp? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khách quan của tình trạng nhiều DN bị giải thể là do tác động của kinh tế thế giới, các DN phụ thuộc vào xuất khẩu gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác có ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống còn của DN, đó chính là môi trường kinh doanh. Hiện nay, môi trường kinh doanh một số địa phương, lĩnh vực vẫn chưa được cải thiện nhiều. Các điều kiện kinh doanh trói buộc, nhiều rào cản, sức ép về thuế và các loại chi phí khiến các DN phải lựa chọn giải pháp giải thể, hoặc ngừng hoạt động.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù quy về một cửa nhưng muốn qua cửa đó, cần phải bôi trơn các cửa ngách mới thông qua được. Không gõ cửa ngách vẫn tắc. Các Bộ, các ngành vẫn còn phiền hà, nhũng nhiễu, vẫn mất quá nhiều công sức để vận động nhưng kết quả chưa tương xứng, vẫn loay hoay tranh cãi nhau về việc dỡ bỏ điều kiện này điều kiện kia nên nỗ lực đổi mới thể chế vẫn chưa đạt được.

Để hỗ trợ DN, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cần được coi là một chính sách ưu tiên. Muốn vậy, phải tháo gỡ các rào cản để tăng khả năng tiếp cận vốn, lao động và chi phí thực hiện các nghĩa vụ của DN với Nhà nước.

Thế nhưng, thực tế dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, nhiều Bộ, ngành đã cam kết cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức “lời nói”, thực tế hành động lại chưa nhiều.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra đánh giá, giám sát đôn đốc các Bộ ngành triển khai cắt giảm thủ tục hành chính một cách hiệu quả, đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của DN, đồng thời, tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ đối với các chỉ số có thứ hạng và điểm số thấp, cải thiện không đáng kể trong những năm qua. Có như vậy mới tạo niềm tin và hỗ trợ DN phát triển bền vững.

Việt Khuê

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-co-chuyen-bien-song-van-vuong-126506.html