Cải thiện môi trường kinh doanh để 'giữ chân' nhà đầu tư

Không chỉ đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, nhiều nhà đầu tư quốc tế còn bày tỏ mong muốn được tiếp tục rót vốn vào Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên diễn ra sáng 19/3, ông Denzel Eades – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ của Chính phủ trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

"Nhiều doanh nghiệp Anh mong muốn được đầu tư tại Việt Nam và hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ủng hộ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" - ông Denzel Eades khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị (Ảnh: MPI)

Cũng đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, ông Joseph Uddo - Chủ tịch AmCham Hà Nội, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng: Năm 2024, đánh dấu mốc kỷ niệm 30 năm AmCham hiện diện tại Việt Nam và khởi đầu mối quan - hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ. Các thành viên AmCham đã có các dự án đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, thu hút hàng chục nghìn lao động trực tiếp, hàng trăm nghìn nhân viên gián tiếp và đóng góp một phần đáng kể trong xuất khẩu và nguồn thu thuế của Việt Nam.

“Hoa Kỳ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và các tập đoàn, công ty thành viên của Hiệp hội đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi và phát triển của Việt Nam” – Chủ tịch AmCham Hà Nội khẳng định.

Cũng đánh giá cao về môi trường đầu tư Việt Nam, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - cho rằng: Năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. Với mức tăng trưởng GDP Việt Nam tương đối tích cực, ở mức 5,05%, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới. Dự kiến năm 2024, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao.

“Một dấu ấn quan trọng nữa của Việt Nam về đối ngoại là đã nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và mới đây là Australia, đây đều là những thị trường quan trọng của thế giới. Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư” – ông Phạm Tấn Công thông tin và cho biết: Về đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký năm 2023 đạt mức kỷ lục là 36,6 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022), vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Về đầu tư trong nước, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 218 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, là minh chứng mạnh mẽ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Kiến nghị giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

Bên cạnh những đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam như sự thiếu thống nhất của chính sách thu hút đầu tư, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, vấn đề áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ và vấn đề thiếu điện cho sản xuất…

Liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu cụ thể: Việc quy định thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng từ năm 2024 đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam về việc các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay có thể trở nên gần như vô nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu tham dự Hội nghị

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%, do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.

“Nội dung dự thảo Nghị định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến từ ngày 19/12/2023 bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nội dung về ưu đãi hỗ trợ, phạm vi và phương pháp hỗ trợ thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ chưa rõ ràng nên chưa đủ để thu hút sự quan tâm và đồng tình từ các nhà đầu tư” – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ ra và cho rằng: Theo nội dung của dự thảo Nghị định này, đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên, gây ra lo ngại về việc số doanh nghiệp có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi.

Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bị thu hẹp lại do quy định này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam, đồng thời gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, ông Hong Sun đề nghị, Chính phủ Việt Nam cần phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, đại diện AmCham Hà Nội cho hay: Các thành viên Amcham phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt và các gánh nặng hành chính tốn thời gian. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của họ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

“Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại” – ông Joseph Uddo Chủ tịch AmCham Hà Nội nhấn mạnh và khuyến nghị, tất cả các luật và quy định mới nên được xem xét và hạn chế đưa ra các thủ tục hành chính mới.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-de-giu-chan-nha-dau-tu-309511.html