Cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đáng lo ngại, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (loại bụi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em). Chính quyền TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, hạn chế các tác hại đến sức khỏe của người dân.

12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

UBND TP Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho Hà Nội, bao gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp; khoảng 800 làng có nghề, trong đó 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770.000 xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, thời điểm Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ô nhiễm không khí do khói thải từ các hộ gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người khi những người nấu ăn và sưởi ấm bằng nhiên liệu sinh khối và than đá.

Khí thải từ ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: THANH NHÀN

Trong khi đó, do quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương chưa có điểm trung chuyển, phải sử dụng điểm tập kết rác thải ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Một số huyện gặp khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, vẫn còn tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định. Đặc biệt, tình trạng các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn, phát tán bụi ra môi trường khá phổ biến. Việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông (nhất là xe máy) cũng gặp nhiều khó khăn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để giảm ô nhiễm không khí, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như ban hành chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, bảo đảm không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã cũng đã có văn bản, kế hoạch liên quan để giảm đến mức thấp nhất tình trạng đốt rơm rạ, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Hà Nội cũng đang xây dựng cơ chế khuyến khích các hợp tác xã áp dụng mô hình sản xuất sạch, hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, mua máy cuốn ép rơm, giới thiệu mô hình hợp tác thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện, thị xã để ứng dụng, triển khai, định hướng, khuyến khích phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất, góp phần quan trọng giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội triển khai hiệu quả Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.

TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, người dân Hà Nội cần theo dõi các trang web cập nhật số liệu quan trắc về chỉ số ô nhiễm không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội hoặc một số ứng dụng uy tín khác. Trong những ngày có chỉ số ô nhiễm ở mức cao, đối với những người có bệnh nền liên quan đến hô hấp hoặc trẻ nhỏ cần ở trong nhà hoặc hạn chế đi ra ngoài. Các gia đình có điều kiện nên sở hữu máy lọc không khí. Khi ra ngoài, người dân cần trang bị kính, khẩu trang, đồng thời rửa mắt, súc miệng khi trở về nhà.

Các chuyên gia cũng kiến nghị những giải pháp như: Trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, bệnh viện ra ngoài khu vực nội đô; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm. Ngoài ra, để triển khai nhiều biện pháp đạt hiệu quả nhất, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong việc ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí, đồng thời, huy động sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của những tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, hạn chế tối đa ô nhiễm.

LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cai-thien-tinh-trang-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-771083