Cai thuốc lá: Người nghiện phải kiên trì, người thân cần theo sát

Khi biết rõ bản thân hoặc người nhà đã/đang đối mặt với nguy cơ bệnh tật, nhiều người lên kế hoạch bỏ thuốc lá. Song không chỉ người hút thuốc nỗ lực; bác sĩ, người nhà sẽ cùng đồng hành với họ trong 'cuộc chiến' vượt qua bản thân.

Tranh vẽ về tác hại thuốc lá của một học sinh Phong Điền

Tác hại cả người hút trực tiếp lẫn thụ động

Chồng bà T.V.H. ở TP. Huế vừa qua đời cách đây mấy tháng vì bị ung thư thực quản. Trước khi phát hiện ung thư, ông xã bà còn bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc nhiều năm qua. “Mọi thứ diễn biến quá nhanh. Những ngày cuối đời, tôi cầm tay ông tiếc nuối: “Giá như ông nghe tui, bỏ thuốc từ sớm chắc mọi sự không nên nỗi. Ông chảy nước mắt thì thào: Anh biết anh sai rồi!”. Kể đến đây, giọng bà H. như nghẹn lại. Bà bảo: “Nếu tui quyết liệt giúp ông ấy cai nghiệm thuốc lá có lẽ sức khỏe ông đã khác. Từ ngày ông mất, tôi ráo riết nhắc nhở con trai đầu, giờ nó không còn hút thuốc nữa”!

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong số này, hơn 7 triệu người tử vong do hút thuốc lá trực tiếp; 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động (64% là phụ nữ và 15% là trẻ em). Điều này đồng nghĩa, có gần 760.000 phụ nữ và 180.000 trẻ em chết vì hít khói thuốc lá thụ động mỗi năm. Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người, dự báo con số này có thể tăng lên 70.000 người trong thời gian tới.

Trong thuốc lá có khoảng 500 chất gây ung thư. Khói thuốc lá gây ra ung thư phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư tuyến tiền liệt, xơ vừa mạch máu, gây sảy thai ở phụ nữ… Theo ThS.BS. Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, thành viên Ban Phòng, chống tác hại thuốc lá BV Trung ương Huế, 90% ca bệnh COPD là do thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động hậu quả gấp 9-10 lần so với người hút thuốc lá trực tiếp. Thống kê của các chuyên gia y tế, 90% ca ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, trong khi nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%.

Lên chiến lược, đặt quyết tâm

“Tại Phòng Tư vấn cai nghiện thuốc lá ở BV Trung ương Huế chúng tôi tiếp nhận một số trường hợp, tiến hành đo nồng độ CO trong máu, thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định cụ thể tình trạng bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá. Tư vấn cách bỏ thuốc lá khá gian nan, ít người kiên trì thực hiện thành công trừ khi bản thân họ quyết tâm. Họ thường gặp phải hội chứng cai thuốc lá (cơn thèm thuốc). Các biểu hiện thường xảy ra như mệt mỏi, stress, thèm ăn, giảm nhịp tim… Do đó, có thể tìm cách giảm căng thẳng, vượt qua như thể dục, xem phim, nghe nhạc… Tránh uống các loại rượu, bia hay chất kích thích bởi nhưng thứ này có thể dẫn đến việc thèm thuốc lá”, BS. Trí nói.

Ông N.V.V. ở Quảng Điền hút thuốc lá lâu năm, mỗi ngày ông đốt trên dưới một bao thuốc. Rất nhiều người trong gia đình khuyên can, ông vẫn không bỏ được cho đến khi xuất hiện những cơn đau ngực. Đi khám, kết quả ông bị mắc bệnh động mạch vành. Khai thác tiền sử thói quen và sinh hoạt, bác sĩ yêu cầu ông phải bỏ thuốc bởi nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim cao… Đến lúc này, thói quen hút thuốc đã ăn sâu, vợ con ông phải hỗ trợ ông trong việc cai thuốc. Sau 3 tháng, ông chuyển từ giảm thuốc sang cai thuốc lá hẳn. Bà N.T.L., vợ ông V. chia sẻ: “Cả gia đình phải vào cuộc giúp ông, con cháu kéo ông vào các trò chơi, tôi đưa ông ấy ra công viên thể dục với mọi người. Trong nhà không để ông một mình hoặc rảnh rỗi, sợ ông nghĩ tới hút thuốc rồi cơn thèm trở lại. Cũng may ông ấy quyết tâm và bản thân đề xuất với cả nhà cùng giúp sức mới thành công”.

Một bác sĩ từng cai nghiện thuốc lá chia sẻ: “Thời điểm tôi bỏ thuốc lá chưa có các loại kẹo nhai hỗ trợ như bây giờ. Nhưng vì sợ hút thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe vợ con. Trước hết, phải đặt quyết tâm cao để tinh thần vững. Thấy tất cả những hình ảnh, vật dụng liên quan đến thuốc lá tôi đều bỏ qua. Thậm chí, những người bạn hay hút thuốc lá tôi cũng tạm tránh vì sợ mình không cầm lòng được khi thấy họ hút thuốc”.

TS. Trần Như Minh Hằng, Trưởng phòng khám Sức khỏe Tâm thần và Điều trị tâm lý – Bệnh viện Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế đưa ra lời khuyên: “Để cai nghiện thuốc lá, cần một chiến lược lâu dài. Ngoài ra còn có liệu pháp hành vi nhận thức, giáo dục cho bệnh nhân hiểu tác hại của thuốc lá, đưa họ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, kiểm soát chế độ ăn, tránh tăng cân khi bỏ thuốc. Đặc biệt sự động viên, quan tâm của người nhà sẽ giúp họ thêm quyết tâm, nỗ lực, ngăn chặn được việc tái nghiện”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng được triển khai tại các đơn vị y tế cơ sở. Mạng lưới truyền thông tuyến huyện, xã một số địa phương đều đến thăm hộ gia đình tư vấn cai nghiện thuốc lá. Trong năm 2021, đã có 5.970 lần mạng lưới đến thăm hộ gia đình, tư vấn về cai nghiện thuốc lá, 9.809 người được tư vấn và truyền thông về cai nghiện thuốc lá. Năm 2022, đã tổ chức 5.820 lần thăm hộ gia đình để tư vấn về cai nghiện thuốc lá, 8.523 người được tư vấn và truyền thông về cai nghiện thuốc lá. Hiện có 150 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức tư vấn cai nghiện thuốc lá nên người có nhu cầu sẽ được hỗ trợ về mặt y tế.

Bài, ảnh: LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/cai-thuoc-la-nguoi-nghien-phai-kien-tri-nguoi-than-can-theo-sat-135670.html