Cải tiến hay… 'cải lùi'?

'Không cải tiến mà cải lùi', đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động tại Hội thảo 'Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động, một số vấn đề và yêu cầu cải cách' do CIEM tổ chức sáng 4-12-2019 tại Hà Nội.

Chỉ cắt giảm cơ học

Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), đã chỉ ra những nội dung được coi là “cải cách” về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động thực chất chỉ là cắt giảm một cách cơ học. Bà Thảo nói: “Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chủ yếu chỉ là giảm yêu cầu về số lượng nhân sự và quy mô diện tích cơ sở vật chất, không có sự cắt bỏ nào mang tính đột phá, mặc dù theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều điều kiện bất hợp lý có thể cắt bỏ được”.

Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Dẫn chứng cho điều đó, bà Thảo phân tích điều kiện kinh doanh trước và sau khi cắt giảm: Khi chưa cắt giảm, điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện quy định: “Có ít nhất 5 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành; trong đó có ít nhất 3 người huấn luyện chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện và 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”. Còn sau khi cắt giảm, quy định thay đổi: “Có ít nhất 4 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ; trong đó có 1 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”.

Ở một dẫn chứng khác, bà Thảo chỉ ra sự thay đổi về quy mô diện tích mà không có sự cắt bỏ một cách thực sự để mang tính cải cách về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Quy định trước khi cắt giảm là “Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5-7,5m2/chỗ học”; sau khi cắt giảm là “Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5 m2/chỗ học”.

Chia phần để quản lý?

Về sự chồng chéo trong quản lý, bà Thảo nhận định: Hiện các cơ quan quản lý Nhà nước đang có sự chia phần để quản lý. Nếu trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép chỉ tại một đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH thì nay phải xin giấy phép của 10 bộ gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông… mặc dù cùng một nội dung công việc. Điều đáng nói hơn, dù là cùng nội dung về kiểm định an toàn lao động, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau, khiến doanh nghiệp phải học các lớp huấn luyện của đủ các bộ rồi mới được cấp chứng chỉ về kiểm định an toàn lao động. Trong khi chi phí đào tạo, doanh nghiệp phải trả tới 10 triệu đồng/người. “Rất lãng phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lao động”, bà Thảo xót xa.

Trước những minh chứng đó, ông Nguyễn Đình Cung bình luận: Thực tế việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động không thể gọi là “cải tiến” mà là “cải lùi”. Bởi việc cắt giảm chỉ là sự thay đổi về cơ học, không tính đến chuyện cần thiết hay không cần thiết, hợp lý hay không hợp lý, thậm chí việc thay đổi điều kiện kinh doanh không cho thấy dựa trên cơ sở khoa học nào. Ông Cung nói: “Trong thời kỳ CMCN 4.0 hiện nay, những loại hình đào tạo online đang trở nên phổ biến, việc áp dụng những quy định đó là bất hợp lý. Nếu cứ áp dụng những quy định như vậy sẽ không có mô hình kinh doanh mới, không có sự đổi mới sáng tạo, đồng thời kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, làm tốn chi phí của doanh nghiệp và ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có công cụ mới để quản lý”.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, với sự bức xúc trước công tác quản lý hiện nay trong trong lĩnh vực lao động, những doanh nghiệp làm ăn chân chính nếu thực hiện đúng theo quy hiện hành thì phải chịu chi phí rất cao và cơ quan quản lý Nhà nước đang “hành” doanh nghiệp.

Nhìn trực diện đã thấy bất hợp lý

Về việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực lao động cũng như các lĩnh vực khác, ông Cung thẳng thắn nêu một thực tế: Doanh nghiệp Mỹ và châu Âu ít khi vào Việt Nam vì việc tuân thủ luật pháp với họ ở đây là quá khó, là thách thức lớn.

Ông Cung phân tích: Chúng ta đừng vội mừng khi có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bởi càng nhiều FTA thì càng có nhiều ràng buộc về các quy định của pháp luật. Doanh nghiệp xuất khẩu khi không đáp ứng được hay vi phạm các quy định đó thì càng giảm cơ hội xuất khẩu. Ở Singapore, công chức trước khi đưa ra một quy định trong luật phải suy nghĩ tới 3 lần, phải “nhìn trước, nhìn sau, nhìn ngang”, trong khi ở Việt Nam, nếu chỉ “nhìn trực diện” các quy định đã thấy nhiều bất hợp lý.

Liên quan tới vấn đề này, bà Thảo ví dụ: Trong Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH quy định danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn đã quy định các danh mục máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trong đó có 18 nhóm sản phẩm thì 11 nhóm sản phẩm, hàng hóa thực hiện kiểm tra nhà nước trước thông quan. “Trong danh mục này có thang máy và thang cuốn. Làm sao chúng ta kiểm tra những hàng hóa này về độ an toàn khi chưa vận hành, lắp đặt. Vấn đề không phải là doanh nghiệp bị phạt vài triệu đồng mà nếu vi phạm thời gian thông quan thì lần nhập khẩu hàng hóa tiếp theo sẽ bị đưa vào luồng đỏ, không cho đưa hàng vào kho bảo quản dẫn tới chi phí lưu hàng tại cảng sẽ đội lên rất nhiều”, bà Thảo nói.

Ông Nguyễn Đình Cung: Thực tế việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chỉ là sự thay đổi về cơ học, không tính đến chuyện cần thiết hay không cần thiết, hợp lý hay không hợp lý, không cho thấy dựa trên cơ sở khoa học nào.

Một ví dụ khác được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định là phi thực tế: Nội dung quy chuẩn và quy trình kiểm định bình khí nén có quy định kiểm định mặt trong bình khí nén. Làm sao có thể chui vào bên trong bồn khí gas để kiểm tra mặt trong được? Tương tự, kiểm định điều hòa tổng cho tòa nhà bắt buộc phải rút toàn bộ dung môi ra thì tòa nhà phải tắt điều hòa, thông gió trong 3-5 ngày.

Một vấn đề khác, Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định mọi cơ sở sử dụng lao động đều phải có tổ chức y tế lao động hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế. “Hiện cả nước có khoảng trên 800.000 doanh nghiệp, đó là chưa kể 5 triệu hộ kinh doanh. Nếu chỉ 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký thì việc ký hợp đồng với các cơ sở y tế cũng khiến việc quản lý hồ sơ là con số khổng lồ, gây tốn kém, chưa kể hiệu quả có thực chất hay không. Do đó, theo nhiều chuyên gia, chỉ nên quy định một số ngành nghề còn những cơ sở có quy mô nhỏ, ngành nghề nguy cơ thấp như văn phòng, thương mại, dịch vụ phổ thông… không bắt buộc phải ký loại hợp đồng với cơ sở y tế.

Nhằm cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động, bà Thảo kiến nghị: Tiếp tục cắt bỏ, cải tiến thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh; thống nhất đầu mối về an toàn lao động; cắt giảm các mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện kiểm tra an toàn lao động đối với hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn trước khi đưa vào vận hành, lưu thông thay vì trước thông quan...

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cai-tien-hay-cai-lui-558101-558101.html