Cải tổ chế độ hưu trí: Vấn đề gây sóng gió nước Pháp

Thời gian vừa qua, làn sóng biểu tình phản đối kế hoạch cải tổ chế độ hưu trí tại Pháp diễn ra rầm rộ. Theo báo chí Pháp, cuộc phản kháng xã hội lần này đang gây ra rất nhiều rắc rối cho chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.

Chính quyền có thể phải trả giá đắt

Trong bài xã luận mang tiêu đề “Cái giá đắng chát,” Le Figaro viết không ai có thể dự báo cuộc đọ sức giữa chính phủ và những người phản đối cải tổ chế độ hưu bổng sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Thực tế cho thấy tỉ lệ người tham gia đình công không hề nhỏ, nhất là trong lĩnh vực công.

Mục tiêu cải tổ của Tổng thống Macron là chế độ hưu bổng phải công bằng, đơn giản và hiệu quả hơn. Theo Le Figaro, kết quả rất có thể sẽ theo hướng ngược lại: chính sách mới có thể bất công, khó hiểu và không hiệu quả. Mục tiêu ngân sách được cân đối vào năm 2025 dường như sẽ không thể đạt được, thậm chí gánh nặng tài chính cho nhà nước sẽ càng tăng lên.

Thực tế cho thấy cải cách chế độ hưu bổng luôn đẩy nước Pháp vào cảnh rối ren. Tờ báo thiên hữu Le Figaro dự báo, vì thiếu phương pháp, chính quyền của Tổng thống Macron cũng không thoát khỏi quy luật nói trên. Lần này, cái giá phải trả có thể sẽ lớn chưa từng có!

Một phần nước Pháp bị tê liệt do phong trào đấu tranh chống công cuộc cải cách hưu trí của chính phủ. Le Monde nhận định ý kiến công chúng sẽ giữ vai trò then chốt xác định thắng thua trong cuộc đọ sức giữa người dân trên đường phố với chính quyền. Theo nhiều thăm dò ý kiến, hiện giờ người dân Pháp ủng hộ phong trào phản kháng, nhưng cũng cho rằng một cuộc cải cách hưu trí là cần thiết.

Hiện mọi cánh cửa vẫn đang để ngỏ! Tỉ lệ dân chúng ủng hộ phong trào đình công giảm sẽ càng đẩy mạnh quyết tâm cải cách đến cùng của chính phủ. Nếu ngày càng có nhiều người ủng hộ phong trào phản kháng, chính quyền Macron sẽ phải chịu sức ép rất lớn giống như năm 1995 khi chính phủ Alain Jupe cuối cùng đã phải “đầu hàng” trước phong trào khản kháng xã hội.

Có đến 76% người Pháp ủng hộ cải cách, và 61% cho rằng nên chấm dứt các “chế độ hưu ưu đãi” hiện nay. Tuy nhiên chỉ có một số nhỏ phản đối cuộc đình công do các nghiệp đoàn ngành giao thông khởi xướng để bảo vệ chính những “chế độ hưu đặc biệt” trên. Vì sao lại có nghịch lý này, trong khi ai được, ai mất vẫn chưa rõ vì chưa có kế hoạch cụ thể, và cải cách hưu bổng vốn là cam kết tranh cử của ông Macron? Theo báo L’Obs, đó là do Tổng thống Macron đang nghiêng sang cánh hữu, thay vì chiều theo cử tri dân chủ xã hội mà ông cho rằng luôn trung thành với mình. Tuần báo này cho rằng giảm bất bình đẳng xã hội, gia tăng bảo vệ môi trường là cách duy nhất để dập lửa và tái chinh phục lòng dân.

Đối với báo Le Point, việc cải cách chế độ hưu bổng là cần thiết. Nếu vào năm 1980, chỉ có 2 người về hưu so với 10 người làm việc, thì nay tỉ lệ này là 3/10, và đến năm 2060 là 6/10. Sự bất bình đẳng rất rõ giữa 42 chế độ hưu khác nhau, do các ưu tiên cho lĩnh vực công và các chế độ đặc biệt- vốn đang chiếm 5,5 tỷ euro tiền của người đóng thuế mỗi năm. Tuy nhiên, chính phủ thiếu phối hợp, không nhất quán nên mới để xảy ra cớ sự.

Hầu hết báo chí nước ngoài cũng đều cho rằng Tổng thống Macron phải xem lại phương pháp cải tổ. Tuy nhiên, tờ báo La Republica của Italy nhận xét rằng người Pháp luôn phàn nàn về nghèo khó, thất nghiệp… nhưng bên ngoài nhìn vào lại thấy Pháp có hệ thống phúc lợi tuyệt vời. Pháp được xem là một trong những thành trì cuối cùng của Nhà nước phúc lợi, hơn cả các nước Bắc Âu mà nay không còn là mô hình để noi theo.

Làn sóng biểu tình đang làm náo loạn nước Pháp. Ảnh tư liệu

Biểu tình tiếp nối biểu tình

Vài chục nghìn cảnh sát được huy động khắp nơi trên toàn nước Pháp để bảo đảm an ninh cho 245 cuộc tuần hành biểu tình trong ngày 5-12, đồng thời đối phó với các hành động đập phá bạo lực như đã từng xảy ra trong những ngày xuống đường của phong trào Áo vàng thời gian qua. Báo Le Monde cho biết chỉ riêng tại Paris, trung tâm phong trào đấu tranh chống cải tổ hưu trí do các nghiệp đoàn và nhiều hiệp hội của giới trẻ tổ chức, có 6.000 cảnh sát và hiến binh được huy động với rất nhiều phương tiện cơ giới.

Ngày 7-12, cảnh sát Paris đã có vụ chạm trán nhỏ với các nhà hoạt động của phong trào Áo vàng tham gia làn sóng biểu tình chống lại việc chính phủ cải cách chế độ hưu trí, trong khi những nhóm biểu tình khác chặn đường cao tốc và tàu hòa, làm gián đoạn hoạt động đi lại vào cuối tuần trên khắp cả nước.

Hàng nghìn người biểu tình mặc áo vàng đã tuần hành từ trụ sở của Bộ Tài chính trên bờ sông Seine tới phía Đông Nam của Paris, kêu gọi chính phủ đáp ứng những yêu cầu từ cả năm nay của họ về công bằng kinh tế- và vấn đề cải tổ chế độ hưu trí cũng được thêm vào danh sách những điều khiến họ bất bình. Phần lớn những người biểu tình đều ôn hòa, tuy nhiên một số người đã ném đồ vật hoặc xô đẩy lực lượng cảnh sát chống bạo động, khiến cảnh sát phải dùng tới hơi cay.

Emmanuel Buquet, một người thất nghiệp 51 tuổi đến từ Rouen, nói rằng các cuộc biểu tình lớn đang mang lại lực đẩy mới cho phong trào Áo vàng đang thoái trào. Ông nói với hàng tin AP: "Phong trào Áo vàng đang trở lại đường phố. Mọi chuyện đang ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi chẳng nhận được gì kể từ năm ngoái, chỉ có vụn bánh mì. Các cải cách ngày càng mạnh mẽ".

Trong một xã hội đã quá quen với các cuộc đình công, nhiều người ủng hộ biểu tình, tuy nhiên tình cảm đó chắc chắn sẽ phai mờ đi nếu các phương tiện giao thông tại Pháp tiếp tục ngừng hoạt động trong tuần tới.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-to-che-do-huu-tri-van-de-gay-song-gio-nuoc-phap-172864.html