Cạm bẫy lừa đảo trên không gian mạng

Đầu tháng 5/2023, bà N.T.Q. (trú tại xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông) bất ngờ nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên của ngân hàng hiện đang tạm giữ các loại giấy tờ tùy thân của bà Q.

Bà Q. mừng rỡ xác nhận những giấy tờ đó chính là của mình đánh rơi cách đây chưa lâu. Bên kia đầu dây, “nhân viên ngân hàng” cho biết, để nhận lại được số giấy tờ này, bà Q. phải cung cấp đầy đủ số tài khoản ngân hàng, số thẻ ATM và số CCCD để xác minh có phải chủ tài khoản bị mất hay không. Bà làm theo, người này tiếp tục yêu cầu cung cấp mã OTP trên điện thoại để họ chuyển thử tiền xem tôi có đúng là chủ tài khoản hay không, sau đó sẽ chuyển trả lại tiền.

Ngi ngờ bị lừa đảo, bà Q. đã không cung cấp mã OTP. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, điện thoại của bà liên tục báo tin nhắn về số tài khoản trong ngân hàng của mình bị trừ tổng cộng hơn 35 triệu đồng. Bà Q. đã cấp tốc báo ngân hàng khóa tài khoản, đồng thời làm đơn trình báo lên Công an.

Lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng điện tử trên điện thoại di động kết hợp phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến người dân trên địa bàn.

Lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng điện tử trên điện thoại di động kết hợp phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến người dân trên địa bàn.

Theo Trung tá Nguyễn Du, Trưởng Công an huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, tiếp nhận đơn đơn vị đã huy động lực lượng vào cuộc điều tra. Thông tin về đối tượng khá mù mịt. Tuy nhiên, cùng sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Đắk Rlấp đã xác định được được đối tượng gây án là N.V.Đ. (SN 1996, trú tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nên đã tiến hành bắt giữ.

Tại Cơ quan điều tra, N.V.Đ. khai nhận, sau khi lên mạng xã hội tìm hiểu thu thập thông tin những người bị mất giấy tờ tùy thân đăng tải tìm kiếm và gọi điện thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi yêu cầu chủ tài khoản cung cấp thông tin, nếu chủ tài khoản không đồng ý cung cấp mã OTP, Đ. sẽ liên kết tài khoản ngân hàng của chủ tài khoản với tài khoản CH Play rồi thực hiện các lệnh mua ứng dụng để bị hại nhận được các tin nhắn trừ tiền. Nếu bị hại không xác nhận trên ứng dụng thì sẽ có tin nhắn cộng lại số tiền đã bị trừ.

Bằng cách này, Đ. khiến cho bị hại tin tưởng mình là nhân viên ngân hàng thật vì có thể trừ tiền rồi trả lại tiền trong tài khoản ngân hàng nên đã đồng ý cung cấp thông tin. Có được thông tin, Đ. sẽ chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bị hại bằng cách liên kết với ví ZaloPay rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bị hại. Đ. đã lừa đảo, chiếm đoạt của 55 người với số tiền lên đến gần 6 tỷ đồng.

Bà L.T.H. (trú tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) thì vẫn chưa hết sốc. Theo bà H., đầu tháng 5/2023, có một người tự nhận là nhân viên công ty bảo hiểm điện thoại đến số di động của bà, thông báo bà liên quan đến một vụ án tuyệt mật của Bộ Công an, yêu cầu bà không được tiết lộ nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình. Đối tượng nói bà H. mang hồ sơ đến công ty để xác nhận thông tin và hứa bồi thường nếu thông tin trên là sai. Để tăng thêm uy tín, nhân viên bảo hiểm nối máy cho bà H., gặp một cán bộ của Bộ Công an trao đổi rõ ràng.

Muốn chứng minh không liên quan gì đến vụ án, bà H. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng mạo danh. Vị cán bộ giả này đã gửi một đường link qua tin nhắn điện thoại của bà H. để điền thông tin cá nhân theo hướng dẫn. Khi vừa hoàn tất các bước thì số tiền hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản của bà H. cũng “bay” theo…

Theo Thiếu tá Võ Ngọc Hùng Sơn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Nông, hiện nay, người dân mới tiếp cận điện thoại thông minh, sử dụng dịch vụ chuyển phát tiền nhanh qua hệ thống Banking, ứng dụng luân chuyển tiền ZaloPay... rất phổ biến. Việc đăng ký mở mới, sử dụng các loại tài khoản ngân hàng, ví điện tử, chứng khoán, tiền ảo… còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng sự sơ hở, thiếu hiểu biết của người dân thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội ẩn danh, sim số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng giả mạo…

“Người dân cần cảnh giác với các các đường link giả mạo, giả tin nhắn nhà mạng… Các trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo Cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết”, Thiếu tá Sơn khuyến cáo.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/cam-bay-lua-dao-tren-khong-gian-mang-i694862/