Cám cảnh sống cũng như chết

Từ một cú đánh, người đàn ông trụ cột bỗng trở nên tàn phế, sống phụ thuộc hoàn toàn vào vợ con. Lúc ngẩn ngơ, khi điên loạn, anh sống cũng như chết.

Suốt phiên tòa xét xử phúc thẩm, chị Nguyễn Hồng Oanh (sinh năm 1968, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) nhấp nhổm trên hàng ghế dự khán. Thỉnh thoảng được tòa gọi, chị chân đất sấp ngửa chạy lại gần hội đông xét xử. Để đến được tòa, chị phải gửi người chồng tâm thần, bại liệt nhờ cha mẹ chăm sóc. Thế nhưng mong ước của chị chỉ đơn giản là nhận được chút bồi thường để tiếp tục lo cho chồng.

Cháu chồng quấy rối thím dâu

Nguyễn Trọng Khương (sinh năm 1988) gọi anh Trần Trung Chánh (sinh năm 1968, chồng chị Oanh, cùng huyện Vũng Liêm) là chú họ. Chiều 15.7.2012, sau khi uống rượu say, Khương ra đường đón xe xuống chợ Vũng Liêm thì gặp chị Oanh nên xin quá giang. Dù chị Oanh không đồng ý nhưng Khương vẫn leo lên xe. Dọc đường, Khương dùng tay sờ vào ngực chị Oanh và bị chị phản ứng. Không chịu xuống xe, Khương buộc chị Oanh phải chở mình đến chợ nếu không sẽ bóp cổ chị. Nói xong, Khương chồm người, choàng tay câu cổ chị Oanh khiến cả người và xe ngã xuống đường xây sát nhẹ. Nghe tiếng chị Oanh kêu, anh Chánh ra đỡ vợ vào nhà, còn Khương đi sang bên kia đường và nhờ người khác chở về.

Các anh của Khương thấy em trai chảy máu đầu thì hỏi nguyên do. Không hiểu vì sao bị thương nhưng trên đường về khi còn cách nhà anh Chánh một đoạn, Khương buột miệng bảo “chú Chánh đánh”. Trong lúc anh Chánh đang nói chuyện với người thân của Khương thì Khương bất ngờ lấy một đoạn gỗ vuông cạnh dài gần 1m, từ phía sau đánh mạnh vào đầu anh Chánh. Bị dập não và tụ máu, sau nhiều lần phẫu thuật anh Chánh thoát chết nhưng mang thương tật 45%. Không chỉ mất hoàn toàn khả năng lao động khi bị liệt ngồi một chỗ, anh còn bị bệnh lý tâm thần do hậu quả của việc bị Khương đánh.

Tháng 8.2013, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Khương mức án 16 năm tù về tội “giết người”, buộc Khương tiếp tục bồi thường cho anh Chánh 228,5 triệu đồng ngoài số tiền 20 triệu đồng gia đình bị cáo đã bồi thường trước đó. Bị cáo có trách nhiệm bồi thường tiền mất thu nhập hàng tháng là 4,5 triệu đồng cho đến khi anh Chánh hồi phục hoàn toàn.

Giờ anh chỉ biết đếm ngón tay như một đứa trẻ

Nhắc đến người chồng tàn tật, chị Oanh chẳng còn đủ nước mắt để khóc. Thẫn thờ nhìn vào mấy tấm hình vát một bên đầu của chồng, chị nghèn nghẹn tâm sự.

Anh Chánh giờ ngờ nghệch với một phần đầu không có xương sọ

Hơn một năm trước, anh vẫn còn khỏe mạnh. Để có tiền nuôi ba đứa con ăn học, ngoài xưởng mộc ở nhà, anh còn làm thợ ở hai, ba nơi khác. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc con cái, cơm nước, thỉnh thoảng chị Oanh đi làm mướn vài ngày kiếm thêm tiền phụ chồng. Nhờ biết tích cóp, cuộc sống của vợ chồng chị cũng ổn. Niềm vui có con dâu chưa được bao lâu thì tai ương ập đến. Tiền bạc, ruộng vườn không có, ngân hàng không đồng ý cho vay. Sốt ruột vì chồng phải phẫu thuật gấp, chị đành vay nặng lãi để nộp viện phí.

Những tưởng phép màu đã đến khi bác sĩ thông báo anh có cơ hội sống. Nào ngờ di chứng của cú đánh đã khiến anh không thể vận động, tỉnh cũng như mê. Nhìn người chồng to khỏe ngày nào giờ chỉ biết đếm ngón tay như một đứa trẻ, chị chết lặng với niềm vui chưa kịp bắt đầu.

“Sau ngày đó, anh không tự đi lại, không thể vệ sinh cho bản thân, thỉnh thoảng lại lên cơn bất tử. Tôi nhờ họ hàng bên chồng giúp chăm sóc ảnh để đi làm, nhưng riết rồi không ai ghé qua nữa. Không đi làm thì chẳng có tiền, hai đứa nhỏ nhà tôi phải nghỉ học. Con chị đi làm mướn, thằng nhỏ bán vé số kiếm tiền đưa mẹ nuôi cha”.

Đưa bàn tay nổi gân ôm khuôn mặt khắc khổ, chị Oanh nén tái tê: “Có bữa không có đồ ăn, tôi trộn đường với cơm đút cho ảnh cho qua bữa. Nói là không biết nhưng thấy ảnh ứa nước mắt, tôi chỉ biết khóc theo. Giờ ảnh sống mà chẳng khác nào đã chết”.

Hương Giang

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/xa-hoi/cam-canh-song-cung-nhu-chet/