Cầm cố chứng minh thư bị phạt tiền, các chuyên gia nói gì?

Bộ Công an vừa đề xuất xử phạt đến 6 triệu đồng đối với những trường hợp có hành vi cầm cố, thế chấp chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân.

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình để thay thế Nghị định 167/2013 đang đề cập đến vấn đề cầm cố, thế chấp, cho thuê, thuê chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân (CMND/CCCD) sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thực tế cho thấy rằng, tại nhiều cửa hàng cầm đồ ngoài việc cầm cố các loại tài sản vật chất đến các giấy tờ có giá trị. Còn chấp nhận cho vay qua CMND/CCCD đối với người có nhu cầu.

Người vay chỉ cần để lại CMND/CCCD là đã có thể vay một khoản tiền nhất định. Tùy thuộc vào mức độ "quen biết", địa vị của người đi vay, số tiền vay được có thể lên đến cả chục triệu đồng.

Để tối ưu việc quản lý giấy tờ của công dân, Bộ Công an mới đây nhất đã đưa ra đề xuất phạt nặng đối với nhưng trường hợp cầm cố, thế chấp CMND/CCCD.

 Đặt CMND/CCCD để vay tiền có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Đặt CMND/CCCD để vay tiền có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Việc này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, một số đồng tình với đề xuất của Bộ Công an. Trong khi số khác lại cho rằng không hợp lý, vì CMND/CCCD là tài sản cá nhân của họ.

"Phải tìm hiểu rõ và đặt ra tính khả thi khi áp dụng"

PGS. TS Trịnh Hòa Bình, nhà Xã hội học bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất dự thảo mới của Bộ Công an.

Theo ông Bình, mặc dù CMND/CCCD là tài sản cá nhân, nhưng nó là chứng chỉ xác nhận nhân thân của một cá nhân nên không thể quy đổi ra tiền được. Bởi để định giá thì rất khó, hoặc có thể nói nó là vô giá. Chắc chắn CMND/CCCD không phải là tài sản theo phương diện mua bán.

"Từ trước đến nay chúng ta chưa thực sự coi trọng giá trị của các giấy tờ như CMND/CCCD hay thậm chí thẻ học sinh, thẻ sinh viên... nên nhiều người hay mang đi cầm cố, thế chấp.

Việc cầm cố, thế chấp các loại giấy tờ để vay tiền không chỉ làm giảm giá trị của chúng, mà còn là một thói quen xấu mà chúng ta đã duy trì rất lâu.

Trong bối cảnh mới, khi CCCD có gắn chip ra đời thì cơ quan chức năng cần có chế tài quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm, để bảo vệ tài sản này của công dân được an toàn. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho cơ quan chức năng, trong việc quản lý giấy tờ của công dân. Vì để xác định được đâu là trường hợp cầm cố, thế chấp, đâu là trường hợp rơi, mất, để quên... là rất khó khó khăn. Nhưng mỗi một công dân đều nên tự giác bảo quản các giấy tờ của mình cho tốt, còn nếu vi phạm, bị xử lý là chuyện đương nhiên" - PGS. TS Trịnh Hòa Bình nói.

Về mức phạt đề xuất từ 4 đến 6 triệu đồng, theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, khi đưa ra các mức phạt như vậy, cơ quan chứng năng phải tìm hiểu rõ và đặt ra tính khả thi khi áp dụng.

Là giao dịch trái pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình để thay thế Nghị định 167/2013.

Dự thảo đưa ra quy định xử phạt 4 - 6 triệu đồng đối với nhóm hành vi sau: Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND/CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND/CCCD.

Trong khi đó, Nghị định 167/2013 (đang có hiệu lực) quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên cầm cố, thế chấp là các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự trong giao dịch dân sự. Theo quy định của pháp luật thì đối tượng để cầm cố, thế chấp phải là tài sản.

Tài sản có những thuộc tính cơ bản của nó theo quy định của bộ luật dân sự, chủ tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Luật sư Cường cho rằng, Bộ luật dân sự cũng quy định tài sản bao gồm vật, tiền, quyền tài sản và giấy tờ có giá. Dù là loại tài sản gì thì chủ sở hữu của nó cũng có quyền quản lý, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Tài sản mang đi cầm cố là sẽ giao tài sản cho người khác (người nhận cầm cố) quản lý, người nhận cầm cố sẽ quản lý tài sản đó trong thời gian cầm cố. Nếu hết thời hạn cầm cố mà người cầm cố vi phạm nghĩa vụ dân sự (ví dụ vay tiền nhưng đến hạn không trả được nợ) thì người nhận cầm cố có thể định đoạt tài sản đó. Tuy nhiên, nếu cho rằng mang CMND/CCCD đi đặt để lấy tiền đó là một hình thức cầm cố thì không đúng bản chất của pháp luật.

"Khi hết thời hạn vay, bên vay không trả được nợ thì bên nhận cầm cố cũng không thể làm gì đối với CMND/CCCD đó, không có quyền sử dụng và cũng không thể định đoạt được. Tương tự như vậy, nếu mang đặt CMND/CCCD để vay tiền thì chỉ được cho là đặt làm tin" - luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cũng chỉ rõ, nếu gọi là thế chấp thì cũng không đúng bởi vì theo quy định của bộ luật dân sự thế chấp là chuyển giấy tờ có giá, giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu tài sản cho người nhận thế chấp. Trong khi đó CMND/CCCD không phải là giấy tờ có giá, cũng không phải là giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu tài sản. Nếu các bên vi phạm nghĩa vụ thì cũng không thể xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật

Vậy, trong dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 167 lần này cần phải làm rõ các khái niệm để sử dụng cho đúng. CMND/CCCD là giấy tờ ghi nhận quyền nhân thân cá nhân, là cơ sở để xác định công dân này với công dân khác.

"Bản chất thì CMND/CCCD không phải là tài sản. Bởi vậy các giao dịch có sử dụng chứng minh thư nhân dân sẽ không được pháp luật thừa nhận. CMND/CCCD chỉ do người có thông tin trong đó mới được phép sử dụng, người nào sử dụng CMND/CCCD của người khác là giả mạo" - luật sư Cường nói và cho biết, nếu sử dụng CMND/CCCD của người khác vào các giao dịch dân sự, có yếu tố liên quan đến tài sản, thì người mạo danh người khác có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, để quản lý CMND/CCCD thì cơ quan chức năng có thể đưa ra các chế tài hành chính đối với hành vi không bảo quản CMND/CCCD, hoặc mang CMND/CCCD đi đặt, thực hiện các giao dịch trái pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật Chính Pháp.

Các giao dịch mà có nhận CMND/CCCD làm biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự giống như tài sản cầm cố, thế chấp thì đây là các giao dịch dân sự vô hiệu đối với biện pháp đảm bảo.

Nếu sử dụng CMND/CCCD để thực hiện các giao dịch trái pháp luật, dẫn đến việc chuyển giao quyền quản lý các giấy tờ này, thì người quản lý cũng không có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt.

Việc cố ý làm rách, làm hỏng, hủy hoại CMND/CCCD hoặc chúng đi thực hiện các hành vi trái pháp luật thì có thể áp dụng các chế tài hành chính với mức phạt phù hợp.

Trường hợp sử dụng CMND/CCCD trái phép, hoặc hủy hoại chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước thì có thể áp dụng mức chế tài xử phạt hành chính, mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng như mức chế tài trong dự thảo cũng là một nội dung hợp lý.

Tuy nhiên không thể gọi các giao dịch đối với CMND/CCCD là cầm cố, thế chấp bởi chúng không phải là tài sản, bản chất không phải là giao dịch dân sự hợp pháp.

Người dân đương phải gánh chịu nhiều rủi ro

Luật sư Vũ Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, khi thực hiện những giao dịch vay, mượn tiền, tài sản bằn CMND/CCCD, người dân đương nhiên phải tự gánh chịu những rủi ro xảy ra khi quá trình thế chấp, cầm cố mà cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu xuất trình theo quy định của pháp luật.

Nếu không xuất trình được sẽ phải chịu các chế tài khác đối với hành vi không xuất trình CMND/CCCD theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc không thực hiện được các giao dịch khác mà CMND/CCCD là yêu cầu bắt buộc phải xuất trình.

Hiện nay, chỉ có hành vi sử dụng CCCD/CMND để thực hiện các hành vi trái pháp luật mới bị cấm và xử phạt, quy định như vậy là hợp lý và phù hợp với quy định của BLDS, BLHS hiện hành.

Mặt khác, nhận định việc cấp lại CMND/CCCD là đơn giản, khiến việc sử dụng CMND/CCCD làm vật cầm cố, thế chấp bùng phát và có thể được cấp lại nhanh chóng là không chính xác. Bởi, nếu người nào đang sử dụng CMND/CCCD mà khai báo với cơ quan công an là mất để được cấp lại, nếu bị phát hiện, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội khai báo gian dối” quy định tại điều 382 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Mời quý độc giả xem tiếp video: Căn cước công dân gắn chíp

Nguồn: VTV

Hiểu Lam - NG.V.Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/cam-co-chung-minh-thu-bi-phat-tien-cac-chuyen-gia-noi-gi-1546862.html