Cảm động những bữa cơm có thịt ở mái ấm chùa Đức Sơn

Trong tình yêu thương bao la của các sư cô chùa Đức Sơn, hàng trăm đứa trẻ bất hạnh đã được nuôi nấng và trưởng thành. Trong số đó có những em tưởng chừng như đã bị cuộc đời chối bỏ.

Những người mẹ mặc áo nâu sòng

Nằm tọa lạc tại địa phận xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy cách thành phố Huế chừng 7km, chùa Đức Sơn lâu nay được biết đến là một địa chỉ “đặc biệt” của Thừa Thiên – Huế. Hơn 30 năm qua, đây là nơi cưu mang, nuôi nấng của hàng trăm đứa trẻ bất hạnh. Trong số đó có những em tưởng chừng đã bị cuộc đời chối bỏ nay đã lớn lên và trưởng thành.

Hơn 30 năm qua, chùa Đức Sơn là nơi cưu mang, nuôi nấng hàng trăm đứa trẻ bất hạnh. Ảnh: Lê Chung

Kể với chúng tôi về nghiệp duyên này, sư cô trụ trì chùa Đức Sơn Thích Nữ Minh Tú bùi ngùi nhớ lại. Trước đây, chùa Đức Sơn vốn chỉ là một Niệm Phật Đường nhỏ từ huyện Nam Đông chuyển về. Năm 1986, từ khi các sư cô cưu mang và chăm sóc cho một bé sơ sinh bị bỏ rơi ở cửa chùa mà đến nay đây đã trở thành Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thiện nguyện, là mái ấm tình thương của hàng trăm đứa trẻ bất hạnh.

Các em được nhận nuôi ở chùa Đức Sơn đều có những hoàn cảnh khá đặc biệt. Có em bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, có em bố mẹ mất sớm, bố mẹ bị tâm thần hoặc không có bố hoặc mẹ – người còn lại mất khả năng nuôi dưỡng… Thời gian đỉnh điểm, chùa Đức Sơn từng nhận nuôi đến 205 em. Vì số lượng trẻ khá lớn trong khi chùa chỉ có 18 sư cô nên việc đảm bảo ăn mặc, sức khỏe và học hành hàng ngày của các em cũng gặp không ít khó khăn, vất vả.

Sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tú ân cần bên bữa ăn của những đứa con đặc biệt của mình. Ảnh: Lê Chung

Nhớ lại những ngày đầu tập “làm mẹ” của những con người muốn trút hết bụi trần cũng thật lắm gian nan. Từ những bữa cơm trộn sắn đến những buổi chằm nón để có tiền mua sữa cho các em. Thế rồi, bằng tình yêu thương, những người mẹ mặc áo nâu sòng cùng đàn con cũng vượt qua tất cả. Đến nay, sau hơn 30 năm đã có hơn 300 em lớn lên và trưởng thành từ mái ấm của chùa.

Được biết, hiện tại chùa Đức Sơn cũng đang trực tiếp cưu mang hơn 135 em nhỏ với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Từ những em chưa đầy tháng tuổi đến các em đi học nghề, đại học và cao học. Tại đây, các em được nuôi dạy như một gia đình lớn, được đến trường để học con chữ. Mọi chi phí cho các hoạt động này chủ yếu là nhờ vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện.

Cùng với đó, giúp đỡ các sư cô ở chùa hàng ngày còn có các cô bảo mẫu và các bạn sinh viên tình nguyện. Tuy vậy nhà chùa cũng đã và đang phát triển thêm cơ sở vườn rau sạch, quán cơm chay và se nhang,.. không chỉ giúp cải thiện cuộc sống thường ngày mà còn chỉ dạy cho các em biết cách lao động, biết học điều hay lẽ phải, làm người có ích cho xã hội.

Mỗi đứa trẻ được cưu mang ở chùa Đức Sơn đều mang trong mình những hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Lê Chung

Sư cô Minh Tú cho hay, mong muốn lớn nhất của chùa là cố gắng làm sao để mỗi em sau này khi ra đời đều có tri thức, có nghề nghiệp, đều được nên người.

“Các ni sư, sư cô ở chùa như phân, đất và nước. Còn các em như loài hoa biết nói, biết cười. Chính tình yêu thương và sự che chở của mọi người như ánh mặt trời chiếu rọi để cho những mầm cây vươn lên và nở hoa”, sư cô Minh Tú chia sẻ.

Lấy yêu thương khỏa lấp thiệt thòi

Dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của các em tại chùa Đức Sơn, các sư cô cho biết, tuy ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cùng sự nỗ lực trong chùa mà cuộc sống của các em đã vơi bớt phần nào vất vả. Các em nuôi dưỡng ở chùa được các sư cô căn cứ vào độ tuổi, giới tính và tình hình bệnh tật mà bố trí chỗ ở phù hợp. Nam, nữ hay trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật đều có dãy nhà riêng của mình.

Khu nhà ở được bố trí riêng cho nhóm trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dạy trẻ chùa Đức Sơn. Ảnh: Lê Chung

Theo các sư cô, hầu hết các em khi đến đây đều không có họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh rõ ràng nên được chùa đặt theo họ của Đức Phật. Bé trai thường đặt họ là “Cù Thiện”, còn bé gái được đặt họ là “Kiều Thiện” những mong các em luôn có được cái tâm thiện lương. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các ni sư buộc các em cũng phải tu tập theo chùa.

Biết các em đang ở tuổi ăn, tuổi lớn nên trong những bữa ăn hàng ngày ngoài đầy ắp tình yêu thương, nhà chùa vẫn luôn cố gắng làm sao cho có thịt, có cá để các em có đầy đủ chất dinh dưỡng, có đủ điều kiện phát triển về thể chất. Chăm lo học ở trường, về đến chùa các em còn được cho học phù đạo, học võ, sinh hoạt vui chơi như những bạn bè đồng trang lứa. Những em có năng khiếu còn được nhà chùa cho đi học nhạc, máy tính.

Vừa chăm sóc cho các em nhỏ tuổi hơn, em Hồ Thị Lài (18 tuổi) vừa chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Lài cho biết, cũng như rất đông các bạn ở chùa Đức Sơn, em không may bị bố mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng và được các sư cô cưu mang, nuôi dưỡng. Tuy thiếu thốn tình thân, nhưng từ nhỏ đối với em các sư cô không khác những người mẹ hiền.

Thiệt thòi về tình cảm nên các em tại chùa Đức Sơn rất thương yêu và biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Ảnh: Lê Chung

“Ở đây các sư cô luôn quan tâm tụi em từng bữa ăn, giấc ngủ, chia sẻ mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống. Năm nay em chuẩn bị thi đại học, biết em ước mơ làm bác sỹ nên các sư cô cũng là người định hướng, tư vấn để em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mình”, Lài tươi cười kể cho chúng tôi nghe.

Sư cô Thích Nữ Liên Bình, một người đã gắn bó với chùa Đức Sơn khá nhiều năm tâm sự, tuy có khó khăn về điều kiện vật chất nhưng cái khó nhất ở chùa vẫn là việc làm sao có thể dạy dỗ cho các em đến nơi đến chốn để thành người tử tế. Bởi các em thuộc nhiều lứa tuổi nên mỗi người cũng có những suy nghĩ, tính cách khác nhau.

“Biết các em vốn dĩ chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm nhưng nhà chùa không bao giờ che giấu đi điều đó mà luôn cho các em biết, đối diện để vượt lên hoàn cảnh của chính mình. Rất may mắn là các em ở đây đều hiểu, ngoan và rất nghe lời. Các em cũng sống rất tình cảm, biết thương yêu, chăm sóc lẫn nhau. Biết lấy tình yêu thương từ bạn bè, anh chị em và các ni sư để khỏa lấp đi những thiệt thòi trong cuộc sống”, sư cô Liên Bình cho hay.

Nhiều em tại Trung tâm nuôi dạy trẻ chùa Đức Sơn bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng đã được các sư cô mở rộng vòng tay thương yêu, chăm sóc. Ảnh: Lê Chung

Sư cô Liên Bình cũng chia sẻ thêm một thông tin vui là thực tế cho đến nay có rất nhiều em được nuôi dưỡng ở chùa Đức Sơn đã trưởng thành và thành công trong cuộc sống. Trong số đó có những em trước đây tưởng chừng như đã bị cuộc đời chối bỏ. Nhiều em hiện tại vẫn thường xuyên quay lại thăm chùa và có những hành động thiện nguyện để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh khác.

Chia tay chùa Đức Sơn, những câu nói đầy trăn trở của sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Tú vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi. Với cái tâm của mình, các sư cô ở chùa luôn mong cho các em được “ăn thật” để ấm no, được “học thật” để có tri thức và “sống thật” để có nhiều hạnh phúc.

“Sau này lớn lên và trưởng thành, các sư cô cũng mong các em đã yêu hãy yêu thật để gia đình của các em không phải tan vỡ và sẽ không còn những mảnh đời bất hạnh như các em bây giờ”, sư cô Minh Tú trải lòng.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/cam-dong-nhung-bua-com-co-thit-o-mai-am-chua-duc-son-363713.html