Cấm học kèm, bố mẹ Trung Quốc nhờ AI dạy con

Các công ty công nghệ nội địa như iFlytek, Baidu… kiếm tiền từ những bậc cha mẹ sợ con mình tụt lại so với các bạn cùng trang lứa nếu không học kèm.

Lulu (11 tuổi) từng đứng đầu lớp tại một trường tiểu học hàng đầu ở thành phố Tương Dương, Trung Quốc. Nhưng năm ngoái, điểm số của cô bé bắt đầu tụt dốc bởi chính phủ cấm dạy kèm sau giờ học.

Mẹ của Lulu, Yang Hongyi, đã tìm cách khác để nâng cao điểm số con gái mình. Bà mua một chiếc tablet học tập, hỗ trợ AI của iFlytek, có giá 8.999 nhân dân tệ (1.255 USD). “Không ai muốn con mình bị tụt lại phía sau khi còn quá nhỏ như thế”, Yang nói với Rest of World.

Thị trường tablet AI hàng chục tỷ USD

Trên thực tế, ở Trung Quốc, các công ty công nghệ như iFlytek và Baidu là những cái tên nổi bật của một thị trường mới nổi, tận dụng AI để tạo ra những chiếc máy tính bảng được thiết kế riêng cho việc học tập.

iFlytek T20 Pro, mẫu mà Yang mua cho con gái cô, trông giống như một chiếc iPad nhưng chạy phiên bản Android đã được tùy biến. Các phần mềm trong máy đều bị khóa để trẻ không thể tải game hay sử dụng các hình thức giải trí khác.

Mẫu iFlytek T20 có phần mềm OCR để quét và chấm điểm các bài tự luận. Ảnh: iFlytek.

Thay vào đó, tablet đi kèm với một loạt app tận dụng Xinghuo, AI mô hình ngôn ngữ lớn của iFlytek. App này bao gồm một chatbot trò chuyện với học sinh bằng tiếng Anh, một công cụ đố vui giúp phân tích kết quả bài kiểm tra và phần mềm OCR (nhận dạng ký tự quang học) có thể quét và chấm điểm các bài thi tự luận viết tay giống như giáo viên.

Theo công ty nghiên cứu Frost & Sullivan, thị trường thiết bị giáo dục ở Trung Quốc tăng trưởng bởi làn sóng máy tính bảng mới, trang bị sẵn AI và dự đoán trị giá 20 tỷ USD vào năm 2026. Các thiết bị giáo dục cá nhân, như từ điển di động, đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Nhưng phải đến cơn sốt AI mới thực sự vực dậy ngành công nghiệp này nhờ hàng loạt công ty công nghệ nhảy vào. Baidu, một trong những hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc, ra mắt một dòng máy tính bảng được xây dựng dựa trên chatbot AI Ernie. Ngay cả livestreamer đình đám Austin Li cũng bán tablet học tập cho phụ huynh trên Douyin.

Song, yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu mua máy tính bảng giáo dục là việc chính phủ siết dạy thêm. Hệ thống học kèm ngoài giờ của Trung Quốc là một ngành kinh doanh khổng lồ với 137 triệu học sinh theo học các lớp học ngoài giờ vào năm 2016.

Để giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh, chính phủ đã yêu cầu thanh tra 124.000 lớp học trực tiếp và 263 lớp online, đồng thời thu hồi giấy phép của 96% trung tâm và 87,1% website dạy kèm trực tuyến.

Các máy tính bảng AI còn có chatbot giải đáp mọi câu hỏi và công cụ đố vui. Ảnh: MoneyControl.

Nhưng trong khi nguồn cung gia sư ngày càng giảm, nhu cầu dạy kèm lại cao hơn bao giờ hết. Nói với Rest of World, Chen Hengyi, giáo viên tiểu học ở Vũ Hán, cho biết hầu hết học sinh trên trung bình trong lớp của anh vẫn đang học thêm. Nhu cầu này khiến giá thuê gia sư tăng vọt, buộc một số phụ huynh phải chuyển sang các giải pháp thay thế học kèm như máy tính bảng AI.

Áp lực bố mẹ phải mua máy tính bảng AI cho con

Một nghiên cứu của iResearch cho thấy 56,3% phụ huynh sẵn sàng chi 10%–30% ngân sách giáo dục cho các thiết bị học tập thông minh, trong khi 15,7% bố mẹ có thể dành hơn 40% vì giảm tiền dạy kèm.

Hiệu quả kinh doanh của IFlytek cũng phản ánh rõ xu hướng này. Theo báo cáo tài chính của công ty trong quý II/2023, các thiết bị và dịch vụ giáo dục chiếm 29,14% doanh thu của công ty, với tỷ suất lợi nhuận gộp là 48,64%. Con số khiến giáo dục trở thành mảng kinh doanh lớn nhất và sinh lời nhiều nhất trong số 4 ngành của iFlytek.

Có 2 đứa con trai, Terry Hong (ngụ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) đã mua 2 chiếc tablet khác nhau cho mỗi đứa. “Tôi đã mua một chiếc máy tính bảng iFlytek AI cho đứa lớn và cũng đứng đầu lớp, vì iFlytek tốt hơn cho việc luyện thi. Còn con trai nhỏ thì mua một chiếc máy tính bảng BBK AI vì dành cho những đứa trẻ còn cần cố gắng”, Hong nói.

Melody Liu, một phụ huynh người Trung Quốc ở Nhật Bản, đã mua một chiếc máy tính bảng iFlytek trong một lần về nước cho 2 đứa con 5 và 7 tuổi. thi vào chương trình giáo dục K-12 của đại lục.

Liu nói với Rest of World: “Học sinh Trung Quốc luôn học những tài liệu nâng cao hơn các nước khác dù học cùng cấp. Nếu các con tôi theo kịp chương trình Trung Quốc, việc học ở Nhật Bản sẽ thuận buồm xuôi gió”.

Bất chấp xu hướng tablet AI, nhiều chuyên gia giáo dục cho biết những công cụ này sẽ không có nhiều hiệu quả trong việc nâng cao kết quả học tập. "Những máy tính bảng này không cung cấp nhiều tài nguyên học tập có sẵn trực tuyến", Kelly Zhang, cựu nhân viên của công ty giáo dục AI Squirrel AI, cho biết.

Tính hiệu quả của các loại máy tính bảng có sẵn AI này vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Ảnh: Deposit Photo.

"Nhiều học sinh vẫn còn thiếu tính tập trung, động lực học, nên không thể tận dụng tối đa những chiếc máy tính bảng này", Edward Wang, từng làm việc tại trung tâm luyện thi hàng đầu Gankao, chia sẻ. Với hơn 6 năm kinh nghiệm làm gia sư, Wang cho biết dữ liệu cho thấy hầu hết lớp học online có tỷ lệ truy cập dưới 20% và tỷ lệ hoàn thành dưới 10%.

Mẹ của Lulu, Yang Hongyi phàn nàn rằng tính năng quét các bài tập tự luận chỉ hoạt động trong khoảng một nửa thời gian đầu và để sót rất nhiều lỗi. "Mặc dù khá thích phần mềm AI, tôi vẫn có cảm giác như nó được tạo ra vội vàng và không kiểm soát chất lượng kỹ lưỡng", cô nói.

Phụ huynh đôi khi cũng bị áp lực phải mua tablet AI do nhà trường yêu cầu. Nói với Rest of World, một số phụ huynh cho biết giáo viên và cán bộ trường buộc họ mua máy tính bảng cho con bằng cách kết hợp nó trong giảng dạy hàng ngày.

Đại lý bán hàng iFlytek giấu tên còn tiết lộ rằng một số trường học đã phá vỡ quy trình bán hàng thông thường bằng cách thu thêm "phí đăng ký" khi dùng tablet trong học phí đóng mỗi học kỳ.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/cam-hoc-kem-bo-me-trung-quoc-nho-ai-day-con-post1460871.html