Cấm Huawei không chặn được mối họa bị lộ tin tình báo

Các nước nhỏ đều có nguy cơ bị các nước lớn hơn do thám nếu sử dụng các nhà cung ứng viễn thông nước ngoài, nhưng việc 'đoạn tuyệt' với các công ty Trung Quốc như Huawei cũng không xóa sạch được mối đe dọa bị do thám, theo nhận định của cựu Ngoại trưởng Singapore.

Ông George Yeo là Ngoại trưởng Singapore từ năm 2004 đến 2011 và 5 năm trước đó là Bộ trưởng Thương mại-Công nghệ. Hiện ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Kerry Logistics Network. Trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông nói sự gợi ý (của Mỹ) rằng thiết bị của Huawei sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc do thám khách hàng chỉ là ý kiến một chiều. Ông cảnh báo: “Lo ngại mạng 5G liên quan đến lộ thông tin là mối lo ngại hợp pháp, và mỗi quốc gia cần phải có sự cẩn trọng. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ và các nước khác cũng đang cố gắng xâm nhập hệ thống của bạn. Nếu bạn là một nước nhỏ thì rất khó khăn vì bạn không có đủ các khả năng đối phó”.

Ông Yeo kể khi còn làm việc trong chính phủ, Singapore từng đề nghị công ty điện thoại Blackberry xây một trung tâm dữ liệu ở Đảo quốc Sư tử, để nguồn dữ liệu không phải đi qua Canada. Ông nói: “Trong lĩnh vực tình báo, không được tin bất kỳ ai và hãy tự cảnh giác”.

Vị cựu ngoại trưởng nói: “Mỹ rất lo ngại Huawei không chỉ vì Huawei có thể gây hại, mà việc sử dụng thiết bị của Huawei còn khiến tình báo Mỹ khó xâm nhập hệ thống của các nước khác. Huawei đã nói về hệ thống theo dõi Prism của Mỹ, thậm chí nghe lén các cuộc điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nếu bạn sử dụng hệ thống Huawei, người Mỹ rất khó làm tất cả các chuyện này. Vì thế chúng ta có thể hiểu tại sao Mỹ không ưa Huawei”.

 Huawei phủ nhận thiết bị viễn thông cho phép Trung Quốc do thám khách hàng. Ảnh: EPA

Huawei phủ nhận thiết bị viễn thông cho phép Trung Quốc do thám khách hàng. Ảnh: EPA

Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nước đồng minh cấm Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, và kết luận Huawei không là “đối tác tin cậy”, thiết bị của Huawei có thể được Chính phủ Trung Quốc dùng vào hoạt động tình báo. Mỹ cũng dọa xem xét lại việc chia sẻ tin tình báo với các nước đồng minh.

Nhưng Huawei liên tục phủ nhận không hề là mối đe dọa, và không bao giờ để Bắc Kinh kiểm soát dữ liệu của khách hàng. Hồi đầu tháng 3, Huawei đã kiện Chính phủ Mỹ về vấn đề này. Tháng 2/2019, chủ tịch Quách Bình của Huawei đã phủ nhận công ty ông có “cửa sau” trên các thiết bị, tạo điều kiện dễ dàng cho hoạt động tình báo.

Canada, Úc và New Zealand đã cấm Huawei, trong khi khối Liên hiệp châu Âu (EU) nói sẽ không ngăn chặn Huawei, nhưng khối sẽ tăng cường chia sẻ thông tin để xử lý nguy cơ an ninh mạng liên quan công nghệ mạng không dây thế hệ mới 5G.

Cựu Ngoại trưởng George Yeo của Singapore. Ảnh: SCMP

Ông Yeo nói: “ Châu Âu không nghe theo Mỹ, Anh và Đức có giải pháp riêng, và ngày càng có nhiều nước noi theo Anh, Đức”.

Ông cũng nói giải pháp cụ thể cho các nước nhỏ hơn là xác định nguy cơ bị phơi trần trước sự do thám hơn là cấm nhà cung ứng thiết bị viễn thông nào đó: “Giải pháp sẽ là không nói “Tôi cấm Huawei”, nhưng là tìm ra những chi tiết chính xác khiến bạn sợ, những gì gây ra tổn thất và từ đó tìm cách che chắn. Tất cả các quốc gia nên bắt đầu làm điều đó không chỉ đối với Huawei, mà còn với mọi hệ thống viễn thông mà họ cho phép vào nước họ. Không chỉ Huawei là mối họa tình báo, mà tất cả các cường quốc đều là mối họa tình báo cho các nươc nhỏ”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cam-huawei-khong-chan-duoc-moi-hoa-bi-lo-tin-tinh-bao-160869.html