Cảm hứng điện ảnh từ những câu chuyện chưa bao giờ cũ

Nguyễn Huy Thiệp (1950- 2021) là một trong những tác giả quan trọng và nổi bật nhất của văn chương Việt Nam đương đại. Tác phẩm của ông không chỉ tạo được sức hút lớn với nhiều thế hệ độc giả mà còn truyền cảm hứng cho những người làm nghệ thuật. Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như: Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Tâm hồn mẹ, Thương nhớ đồng quê… đã được chuyển thể thành phim, mang lại ấn tượng đặc biệt cho khán giả.

Tác phẩm điện ảnh “Thương nhớ đồng quê” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Vừa qua, Tuần phim chuyển thể của Nguyễn Huy Thiệp đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm tưởng nhớ tác giả truyện ngắn xuất sắc mới qua đời.

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường có nhiều lớp ý nghĩa với chiều sâu của ngôn từ, lời thoại ngắn gọn nhưng đắt giá và các chi tiết có ý nghĩa biểu đạt lớn. Điều này luôn tạo “đất” cho biên kịch, đạo diễn lấy cảm hứng sáng tạo. Là độc giả yêu thích tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và trong một lần đọc truyện ngắn Những người thợ xẻ, đạo diễn Vương Đức đã “thai nghén” một kịch bản phim bởi “truyện có tính điện ảnh cao, từ cốt truyện, các nhân vật, tính xung đột trong truyện”. Còn đạo diễn Đặng Nhật Minh thì chia sẻ, “Văn của anh Thiệp có đặc điểm mà điện ảnh cần, là không lộ những thông điệp của mình, không có nhân vật nói tuyên ngôn. Anh chỉ kể, cũng giống như phim, để hình ảnh thể hiện. Đó là chất điện ảnh trong văn Nguyễn Huy Thiệp. Được làm phim của Nguyễn Huy Thiệp là cơ duyên may mắn trong cuộc đời làm phim của tôi”.

Truyện ngắn Tâm hồn mẹ cũng gây ấn tượng với đạo diễn Phạm Nhuệ Giang ngay từ khi truyện mới ra mắt, và sau gần 20 năm, chị đã đưa được tác phẩm lên màn ảnh. Chị chia sẻ, truyện của Nguyễn Huy Thiệp gần với điện ảnh trong lời thoại của các nhân vật, có những câu thoại ngắn gọn, gợi lên cho người đọc, người xem cảm giác về đủ “loại người”: Chân thực, tử tế hoặc “nham nhở”... Bên cạnh đó, nhân vật trong truyện thường phức tạp, đa chiều. Nhiều vấn đề nhà văn đã nhìn nhận và thể hiện đến nay vẫn không cũ như sự tha hóa đạo đức, các vấn đề bảo tồn văn hóa... Sự tiết chế về không gian, những va chạm trong tính cách và kết thúc truyện là sự ấm áp trong tình người cũng là điểm mạnh trong các tác phẩm của ông.

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp có nhiều tầng, nhiều lớp và đời sống của nó phần nào được tiếp nối trong những tác phẩm điện ảnh. TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Văn học, Trường Đại học HKXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Đọc tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy văn của ông rất thản nhiên, trung hòa, nhưng đằng sau là nhiều ngầm ẩn. Đó là cơ hội cho những tác phẩm độc lập khác khai thác những điều ông chưa nói rõ ra trên văn bản... Xem những bộ được chuyển thể hoặc lấy ý tưởng từ văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ thấy cuộc đối thoại rộng hơn, sâu hơn, sắc nét hơn với những điều ông để lại trong truyện của mình. Đó đều là những văn bản đa tầng, khơi gợi sự khám phá người xem, người đọc”.

DƯƠNG SÁNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/%C4%91ien-anh/artmid/484/articleid/39559/cam-hung-dien-anh-tu-nhung-cau-chuyen-chua-bao-gio-cu