Cảm hứng thịnh vượng từ... cội nguồn

Một thời kỳ lịch sử đầy bi thương nhưng các bậc tiền bối vẫn biết cách dựng nghiệp lớn…

Đầu thế kỷ XX, khi bình định xong cục diện “địa chính trị - kinh tế” ở nước ta, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa. Đây là xung lực bẻ gãy kết cấu xã hội cũ “Vua - Làng xã - Gia đình” và tứ dân “sĩ, nông, công, thương”.

Lớp người nhạy bén

Công nghiệp đại công trường được người Pháp mang tới, đô thị hóa bắt đầu làm xuất hiện các giai tầng xã hội mới. Bên cạnh giai cấp công nhân, nông dân và tiểu tư sản, còn một giai cấp tuy chiếm số lượng ít ỏi nhưng họ tinh hoa, nhạy bén để sau này cùng chung sức gánh vác giang sơn, đó là tư sản dân tộc.

Lịch sử đã ghi nhận Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà ở miền Bắc; miền Nam có Đỗ Hữu Phương, Lý Tường Quan, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu… là những đại diện tiêu biểu của tầng lớp doanh gia có tư duy làm ăn mới nhưng vẫn mang trong mình lòng yêu nước sâu sắc trong hoàn cảnh đặc biệt - 1 thế kỷ Tây thuộc.

Vì tạo dựng sự nghiệp trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, nên giá trị mà họ để lại không chỉ là vật chất, mà còn chứng minh khí chất tuyệt vời của người Việt - đủ khả năng hội nhập, bang giao, tiếp thu, ý chí tự cường và có thể đứng ngang hàng với bất cứ dân tộc nào dù “gắn mác” đi khai phá văn minh.

Khi cái tên Bạch Thái Bưởi bắt đầu xuất hiện trên thương trường như một thế lực - doanh nhân ngoại bang bắt đầu có thái độ không mấy thiện cảm. Tại một Hội nghị kinh tài, Thống sứ Bắc Kỳ Réne Robin đe dọa “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”, ông đáp lại “Nước này có Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.

Câu nói trên có giá trị tinh thần lớn lao bởi nó diễn ra trong bối cảnh thuộc địa, người Pháp và chính quyền phong kiến bắt tay nhau cai trị, mọi rủi ro có thể xảy đến với bất kỳ ai có tư tưởng yêu nước thương dân.

Các nhà tư sản dân tộc đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình.

Nhưng những gì diễn ra sau đó lại chứng minh Bạch Thái Bưởi là người nói được làm được. Ông từ cạnh tranh với các hãng tàu Pháp, Hoa, dần dần tiến tới thôn tính đối thủ, trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ”, mở rộng kinh doanh ra tới Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Philippines và toàn Đông Dương.

Điều đó cho thấy gì?

Đó là ý chí lớn, tư duy lớn, điều kiện tiên quyết mà người làm kinh doanh trong thời buổi hội nhập cần phải có để không hạn chế chính mình trong không gian chật hẹp. Sau này triết lý kinh doanh phương Tây du nhập, nhiều người Việt biết đến công thức “Muốn “go global” thoạt đầu phải “go mindset”. Nhưng cách đây hơn 100 năm Bạch Thái Bưởi đã làm được điều đó.

Ngành khai mỏ lúc bấy giờ đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của Pháp, để một người bản địa cùng nhảy vào cạnh tranh dường như là không thể. Nhưng nếu có thể, làm sao để cạnh tranh với nền công nghiệp chính quốc hàng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật?

Doanh nhân họ Bạch lại cho thấy tầm nhìn rất hiện đại về việc dùng người. Ông nhận thấy nội lực bản địa không thể sánh lại ngoại quốc. Bằng nhiều cách ông tuyển dụng nhân sự tại các trường kỹ thuật tại Pháp, ứng dụng công nghệ Pháp để cạnh tranh với người Pháp. Ngành khai khoáng sau này trở thành một trong 3 điểm sáng rực rỡ của đế chế Bạch Thái Bưởi.

Thái độ nhạy bén và biết phát huy lợi thế “sân nhà” giúp Bạch Thái Bưởi có thể hiên ngang tồn tại trong nền công nghiệp phụ thuộc nặng nề. Đáng tiếc, đó cũng là điểm yếu, mà hầu hết doanh nhân Việt Nam hiện nay đang mắc phải.

"Chất" dân tộc và lòng yêu nước

Nhiều người nghiên cứu về giai cấp tư sản dân tộc, cũng rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại có hai đặc sắc của tầng lớp này được công nhận, đó là lòng yêu nước và lôi cuốn lòng yêu nước trong kinh doanh. Thế nên họ - dù có nét giống tư sản nhưng được ngưỡng vọng gắn vào hai chữ “dân tộc” đầy thiêng liêng.

Các nhà tư sản dân tộc đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình. Nếu không yêu nước, họ không đủ dũng cảm cạnh tranh và chiến thắng trước đối thủ ngoại bang. Nếu nhân dân không yêu mến, họ cũng khó tồn tại trong hoàn cảnh đặc biệt như thế!

Đa số các nhà tư sản nổi tiếng kể trên ở miền Nam đều đã kết thúc sự nghiệp trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ duy nhất ông Trương Văn Bền còn duy trì sự nghiệp đến năm 1956 với nhãn hiệu “Xà bông Cô Ba” nổi tiếng.

Gia đình ông Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ (người hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng, được biết đến là người kinh doanh phát đạt và giàu có bậc nhất Hà thành những năm 1940) trong ngày mở đầu Tuần lễ Vàng tại Nhà Hát lớn Hà Nội 17/9/1945. Hàng trước từ trái sang: ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, thân mẫu ông Trịnh Văn Bô.

Gia đình ông Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ (người hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng, được biết đến là người kinh doanh phát đạt và giàu có bậc nhất Hà thành những năm 1940) trong ngày mở đầu Tuần lễ Vàng tại Nhà Hát lớn Hà Nội 17/9/1945. Hàng trước từ trái sang: ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, thân mẫu ông Trịnh Văn Bô.

Ở miền Bắc, Trừ Bạch Thái Bưởi mất năm 1932 - giai đoạn thoái trào cách mạng, các nhà tư sản dân tộc còn lại đã trở thành những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, tận hiến sản nghiệp của mình cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Như Nguyễn Trãi từng viết “…tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có”. Nếu Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền tiêu biểu trong nửa đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô viết tiếp trang sử kinh doanh trong phần còn lại của thế kỷ đặc biệt này.

Tư sản dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển trong những năm đầu thế kỷ XX, đến nay gia sản của họ hầu như không còn, song lý tưởng để lại là những bài học kinh doanh rất quý báu. Rằng, khi nào doanh nhân kết hợp được 2 yếu tố “tài năng + yêu nước” thì khi đó chắc chắn vừa thành công vừa thành nhân.

Kỷ nguyên hội nhập mở ra, Việt Nam cần có đội ngũ “doanh nhân dân tộc” và thực tế cũng đã có nhiều gương mặt sáng rạng như Vingroup, Vietjet, Vinamilk, Thaco… hoàn toàn đủ tâm, tầm và tài để tiếp nối mạch nguồn doanh nhân yêu nước.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cam-hung-thinh-vuong-tu-coi-nguon-160857.html