Cam kết chính trị từ chất vấn

Quốc hội sẽ bước vào 3 ngày sôi động mà công luận trông đợi với 4 nhóm vấn đề được chất vấn tại nghị trường. Đó cũng là một trong những điểm nhấn của bất kể kỳ họp nào.

Bốn nhóm vấn đề đã được chốt lại theo thỏa thuận đa số. Trong đó, có các nhóm vấn đề về tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, tòa án.

Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc NHNN, Bộ trưởng TT&TT và Chánh án TANDTC (trái qua phải) sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4.

Còn đó nhiều vấn đề cũ

Về lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn các đại biểu. Lĩnh vực ngân hàng sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời. Đặc biệt, vấn đề mua ngân hàng với giá 0 đồng sẽ được các ĐB chất vấn về hiệu quả và những vấn đề liên quan.

Hai lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có sự tham gia trả lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Đối với lĩnh vực thông tin truyền thông, các ĐB sẽ chất vấn về việc xây dựng Chính phủ điện tử, công tác quản lý báo chí, truyền thông, những thông tin xấu, độc hại, phản cảm. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sẽ trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các bộ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng, VH-TT-&DL, GD&ĐT sẽ tham gia trả lời làm rõ các vấn đề ĐB nêu.

Đối với lĩnh vực tòa án, các ĐB sẽ chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nâng cao trình độ cán bộ, công chức ngành tòa án để đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp. Lĩnh vực này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trực tiếp trả lời chất vấn. Để làm rõ thêm các vấn đề ĐB nêu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, viện trưởng VKSND Tối cao, các bộ trưởng các bộ Công an, Nội vụ, Tư pháp sẽ tham gia trả lời làm rõ thêm các vấn đề.

Đây hiển nhiên là những vấn đề rất nóng trong thời gian qua khi các đại án liên quan đến ngân hàng đã được đưa ra xét xử. Rồi nợ công đã không làm đại biểu và cử tri an tâm. Lĩnh vực thông tin, truyền thông rõ ràng cũng đang tồn tại nhiều vấn đề về cơ chế chế công khai, minh bạch. Những thông tin được coi là xấu, độc hại, sai sự thật vẫn phát tán và dường như cơ quan quản lý vẫn không tìm được giải pháp căn cơ. Hoặc vì giải pháp đó quá đơn giản hoặc vì giải pháp ấy có khả năng sẽ phá vỡ những bức tường vốn được dựng lên vì những mục đích khác.

Chánh án TAND Tối cao được đưa vào danh sách chất vấn kỳ này cho thấy việc đảm bảo công lý, thượng tôn pháp luật trong hệ thống tư pháp đã được quan tâm đúng mực. Dẫu sự hợp lý khi Chánh án, người đứng đầu hệ thống tư pháp, được đưa ra chất vấn vẫn là điều cần suy nghĩ, nhưng giải tỏa cho cử tri những vấn đề thiết thân trong mối quan hệ với pháp luật cũng có thể được coi là lý do chấp nhận được.

Cơ sở để giám sát

Chất vấn có thêm phần tranh luận chắc chắn sẽ làm cho vấn đề được nhìn nhận cách toàn diện hơn và bảnh lĩnh, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ tham gia trả lời sẽ được khắc họa rõ nét hơn.

Thời gian hai phút cho mỗi đại biểu đặt câu hỏi đòi buộc các đại biểu phải đi thẳng vào vấn đề và tìm được cách thể hiện câu hỏi súc tích nhất, rõ ràng nhất và cũng phải… hấp dẫn nhất. Cá tính của mỗi đại biểu là khác nhau, nhưng điểm chung của chất vấn chính là đưa ra những vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc trong 4 lĩnh vực. Gần 500 đại biểu, vốn đa phần đóng cả hai vai hành pháp và tư pháp, hiển nhiên sẽ là những người hiểu rõ trách nhiệm không chỉ của những bộ trưởng được coi là “tư lệnh ngành”, mà còn phải hiểu rõ được chính trách nhiệm của mình.

Các thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời và tham gia trả lời cũng thế, họ luôn phải lấy hiệu quả công việc và tầm nhìn chiến lược để có câu trả lời chính xác nhất, đầy đủ nhất trong thời gian được dành cho. Dẫu biết rằng trong mấy chục phút hỏi và trả lời, nhiều vấn đề không dễ giải quyết ngay, nhưng giải pháp và cam kết mà các thành viên Chính phủ đưa ra sẽ trở thành nền tảng, căn cứ cho một khâu hết sức quan trọng của đại biểu. Đó là giám sát hậu chất vấn.

Bởi sẽ là vô nghĩa nếu các phiên chất vấn chỉ là hỏi – đáp giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ. Sẽ là rất vô nghĩa nếu những giải pháp hay cam kết của các thành viên Chính phủ không được triển khai trong thực tế, dù quá trình triển khai này cần phải có thời gian. Sẽ chẳng là gì nếu những vấn đề được đưa ra chất vấn mà đại biểu không đeo bám và thúc đẩy như chức năng giám sát đã được quy định trong luật.

Quốc hội, như thông lệ, sẽ ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Cơ sở pháp lý quan trọng này sẽ không thể phát huy tác dụng thúc đẩy sự phát triển nếu như các đại biểu chỉ chất vấn rồi… để đó và các thành viên Chính phủ cũng chỉ trả lời cho… xong nhiệm vụ.

Bởi về bản chất, giám sát hậu chất vấn phải được xem là thước đo chỉ số tín nhiệm của các ĐBQH, của cử tri với các thành viên Chính phủ. Chỉ khi đó, những cam kết chính trị tại Quốc hội mới trở thành động lực thật sự đẩy đất nước đi lên.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: Bộ Tài chính cần siết lại kỷ luật

Tại kỳ chất vấn này, tôi sẽ đặt vấn đề với Bộ Tài chính về việc siết lại kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, các cơ quan chức năng thuộc ngành thuế.

Ví dụ, chuyển giá đã bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và có những quy định rất ngặt nghèo, nhưng vẫn có một số doanh nghiệp FDI “luồn lách”. Câu chuyện chuyển giá đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng khâu xử lý tại thời điểm này vẫn chưa triệt để. Phải chăng đội ngũ thanh tra, kiểm tra, theo dõi xử lý, giải quyết liên quan đến các doanh nghiệp này chưa làm hết trách nhiệm. Trước tiên, tôi đề nghị Bộ Tài chính phải rà soát lại bộ máy, sau đó mới kiểm tra lại các trình tự thủ tục để sửa đổi cho phù hợp.

TS Bùi Trinh, Chuyên gia kinh tế: Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nữa

Trong các vấn đề chất vấn tôi quan tâm nhất đến vấn đề tăng trưởng của nền kinh tế. Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nữa bởi tăng trưởng GDP cao hay thấp không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Cách tính GDP dựa trên quản lý cầu là được đưa ra trong bối cảnh thế giới khủng hoảng thừa những năm 30 của thế kỉ trước và cho tới bây giờ Việt Nam vẫn áp dụng. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hiện nay không giống như vậy, do đó, chúng ta cũng không thể áp dụng cách tính này. Nền kinh tế sản xuất của chúng ta còn yếu, chính vì vậy, việc Nhà nước quá chú trọng vào quản lý cầu là chưa thực sự hợp lý.

Đại Dương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cam-ket-chinh-tri-tu-chat-van-120146.html