Cam kết điều hành ổn định kinh tế vĩ mô: Cần nhưng chưa đủ

Việt Nam cần nhiều hơn khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam và cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt.

Khuyến nghị trên vừa được Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư” ngày 17/10, tại Hà Nội.

Hội thảo do CIEM phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức, nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý III/2018 cũng như cập nhật triển vọng cả năm 2018. Đồng thời, kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.

Nhiều thách thức trong điều hành kinh tế

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, tốc độ tăng GDP đạt 6,88% trong quý III/2018 và 6,98% trong 9 tháng, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó. Áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2018 sẽ giảm đáng kể. Xuất khẩu và giải ngân đầu tư nước ngoài tăng khá ổn định, giúp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990 - 2006.

Theo Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), bối cảnh thương mại và thị trường thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách lãi suất của Mỹ sẽ đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Hội thảo Kinh tế Việt Nam với chủ đề tiếp tục khơi dòng cải cách. (Ảnh: Bảo Anh)

Một số nhà đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc có thể cân nhắc chuyển dịch đầu tư tới Việt Nam như một lựa chọn để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giảm thiểu được thiệt hại do căng thẳng thương mại. Dù vậy, diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại có thể khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vấp phải những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc; Việt Nam có thể phải chịu nhiều sức ép hơn do sự “đổ bộ” của hàng hóa Trung Quốc và tác động có thể phức tạp hơn ở thị trường tài chính…

Ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM dự báo, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV/2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Thứ nhất, căng thẳng Mỹ - Trung còn diễn biến khó lường do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như độ nhất quán chính sách của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ. Thứ hai, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và sự biến động của dòng vốn đầu tư. Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá. Thứ tư, tiến triển trong quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) có thể củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết song không đủ. Việt Nam cần nhiều hơn khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam và cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt”, Báo cáo của CIEM khuyến nghị.

Việt Nam cần tập trung vào đổi mới sáng tạo

Chia sẻ đánh giá bên lề Hội thảo về việc Việt Nam bị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh tụt 3 bậc trên bảng đánh giá quốc tế về cạnh tranh toàn cầu, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, phương pháp đánh giá của WEF kể từ năm 2018 đã có sự thay đổi, không dựa vào trọng số và các yếu tố đều được xem xét đồng bộ như nhau.

WEF cho rằng nền kinh tế sắp tới sẽ tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo mà đây lại là điểm yếu của Việt Nam. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Trước đây, WEF thường xét các yếu tố căn bản của một quốc gia chiếm khoảng 60% điểm số, 20 - 30% còn lại là yếu tố thúc đẩy đến hiệu quả và khoảng 10% điểm số cho nhóm công nghệ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các khía cạnh đều được xem xét như nhau và theo hướng đề cao công nghệ.

“WEF cho rằng nền kinh tế sắp tới sẽ tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo mà đây lại là điểm yếu của Việt Nam. Trong 1 năm trở lại đây, theo tôi quan sát, không có một sự thay đổi nào đáng kể”, ông Cung nói.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc WEF đánh tụt ba bậc của Việt Nam trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh có thể là một lời cảnh báo đối với Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Ông Cung lưu ý, không có cách gì khác để cải thiện sức sáng tạo ngoài tạo dựng sự cạnh tranh, doanh nghiệp muốn tồn tại thì buộc phải đổi mới sáng tạo. “Hiện nay, khi doanh nghiệp vẫn "sống" được bằng quan hệ, bằng cơ chế xin cho, hẳn nhiên, tính sáng tạo bị triệt tiêu”, ông Cung phân tích.

Bảo Trang

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/cam-ket-dieu-hanh-on-dinh-kinh-te-vi-mo-can-nhung-chua-du-79789.html