Cẩm nang về 'quái thú vô hình' Predator

'Predator' là thương hiệu điện ảnh có tuổi đời hơn 30 năm, xoay quanh loài sinh vật đáng sợ chuyên đi săn lùng con người. Chuỗi tác phẩm sắp sửa được nối dài bằng 'The Predator'.

Trailer bộ phim 'Quái thú vô hình'

Bộ phim thứ tư của thương hiệu phim quái vật nổi tiếng "Predator".

Nguồn gốc:

Khán giả hay gọi các quái thú vô hình là Predator như tựa đề bộ phim đầu tiên, nhưng loài sinh vật thực chất có tên Yautja, với nguồn gốc đến từ hành tinh Yautja Prime. Đây là chủng tộc tân tiến, sở hữu công nghệ vượt trội hơn nhân loại gấp nhiều lần. Các Predator/Yautja đã bí mật giết hại con người trên Trái đất trong các cuộc đi săn trong suốt hàng nghìn năm qua.

Theo như loạt phim crossover Alien vs Predator, chính Predator đã tạo ra các Xenomorph đáng sợ để săn lùng và coi đó như nghi thức để trưởng thành. Tuy nhiên, điều này xem ra đã bị bỏ qua ở loạt Alien và loạt tiền truyện Prometheus/Covenant của đạo diễn Ridley Scott.

Sức mạnh phi thường:

Có hình dáng gần giống con người nhưng Predator thực tế sở hữu sức khỏe vượt trội, cũng như gương mặt đáng sợ có thể mở rộng như nhiều loài bò sát. Mỗi khi bị thương, chúng luôn hồi phục rất nhanh, thậm chí có thể đứng vững trước làn đạn dày đặc. Ngoài ra, các loài virus hay bức xạ hạt nhân không có cơ hội thâm nhập vào cơ thể Yautja.

Con người thực sự đáng thương nếu đứng trước Predator bởi chúng hoàn toàn có thể xé đôi cơ thể chỉ bằng tay không. Loài sinh vật còn có khả năng leo trèo vượt trội, cũng như khả năng nhận biết thân nhiệt từ xa. Điều đó càng khiến cho những cuộc đi săn mang tính chất “một chiều”.

Công nghệ tiến bộ:

Đáng sợ là vậy, Predator/Yautja còn luôn mang theo đủ loại vũ khí với công nghệ hiện đại khi đi săn. Có thể kể tới áo giáp tàng hình, súng năng lượng, gươm, giáo mác, dao găm… Tất cả đều được cấu thành từ thứ kim loại không tồn tại trên Trái đất. Thậm chí, ngay cả máu acid của loài Xenomorph cũng chẳng thể khiến đám vũ khí tan chảy.

Riêng chiếc mũ giáp của Predator còn mang chức năng phát hiện con mồi bằng tia tầm nhiệt, cũng như phân tích đủ loại ngôn ngữ để chuyển thông tin về phi thuyền mẹ. Nói cách khác, Predator nay chẳng khác gì “hổ mọc thêm cánh”.

Bản tính khát máu:

Predator/Yautja liên tục di chuyển khắp dải Ngân hà để tìm kiếm đối thủ xứng tầm, hoặc đưa đám con mồi đến một hành tinh không người để biến họ thành “trò chơi” như ở tập Predators (2010). Bắt được ai đó, chúng thường chặt đầu, chân tay, hoặc lột da để làm chiến lợi phẩm.

Kiểu săn mồi ưa thích của Predator là lẩn trốn trên các lùm cây. Chúng từ từ tiếp cận rồi dùng móc kéo lên để xé xác mục tiêu. Hoặc cũng có lúc Predator áp dụng cách đơn giản hơn là dùng súng để bắn tỉa từng con mồi.

Song, loài sinh vật luôn tự cho bản thân là những chiến binh kiêu hãnh với hàng loạt quy tắc danh dự: không giết phụ nữ, trẻ em, người không có khả năng kháng cự... Dĩ nhiên vẫn có ngoại lệ như loài Bad Bloods luôn tàn sát mọi vật cản trên đường đi.

Biểu tượng của thập niên 1980:

Tại thời kỳ mà các nhà làm phim không ngán nhãn R, Predator (1987) gây sốt và thu gần 100 triệu USD, tức cao hơn gấp 5 lần so với kinh phí đầu tư ban đầu. Thương hiệu từ đó được nối dài bởi Predator 2 (1992), Predators (2010), loạt crossover Alien vs Predator, tới đây là The Predator, cũng như vô số xuất phẩm ăn theo.

Có một điều thú vị rằng Predator rất hay xuất hiện trong các tác phẩm dạng crossover. Bên cạnh AvP trên màn ảnh, ở các trang truyện tranh, chúng từng đối đầu với Người Dơi và Siêu Nhân của DC. Với The Predator, đây là tác phẩm điện ảnh thứ tư của thương hiệu chính, và dự kiến khởi chiếu từ 14/9.

Ngọc Nhi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cam-nang-ve-quai-thu-vo-hinh-predator-post876159.html