Cẩm Phong anh hùng

'Hàng chục máy bay của Mỹ nhào lộn, gầm rú trên không, xé nát bầu trời Cẩm Phong. Chúng đã trút xuống cả trăm quả bom, đạn, rốc két nhằm vào các mục tiêu trọng điểm là cầu Ngán, cầu Tử Niêm, bến phà Cửa Hà. Tuy nhiên, lưới lửa phòng không mặt đất của quân dân xã Cẩm Phong cùng lực lượng quân sự địa phương đã chờ sẵn. Súng 12,7mm trên đỉnh núi Cửa Hà liên tục nhả đạn bủa vây khiến những con quỷ sắt trên trời không thể đạt được mục tiêu phá hoại. Một máy bay của chúng đã bị bắn trọng thương…'. Những ký ức hào hùng một thời khói lửa đang được các thế hệ hôm nay nhắc lại.

Nhớ một thời khói lửa

Khi tôi lớn lên và bắt đầu nhớ chuyện, quê hương không còn tiếng bom đạn chiến tranh. Ký ức tuổi thơ về những ngày khốc liệt đó tôi được nghe qua lời kể của ông bà và các cô, các chú.

- “Lúc có báo động máy bay Mỹ đến, bà giao cho đứa lớn cõng đứa bé, đứa bé hơn thì cho ngồi vào thúng gánh cùng đồ đạc, vật dụng cần thiết. Thế rồi cả nhà cứ thế kéo nhau chạy vào hang núi tránh bom. Khi bọn chúng bay đi lại quay về nhà sinh hoạt như bình thường. Nhưng bà và các con bà chả đứa nào sợ. Chúng còn đòi đứng lại để xem bộ đội bắn máy bay”. Bà tôi kể về chiến tranh như một câu chuyện vui.

- “Chú thường trốn bà và cùng mấy đứa bạn hàng xóm ra bến phà Cửa Hà xem bắn máy bay. Chú nhìn thấy máy bay rất to màu xám ngay trước mắt. Chúng trút bom. Đạn ở dưới bắn lên đỏ rực ven sông Mã. Máy bay phải bay lên cao tránh đạn. Mỗi lần như vậy, cả lũ lại nhảy lên vỗ tay reo hò ầm ĩ”. Chú tôi kể tiếp ký ức về những ngày chiến tranh. Lớn lên, chú nhập ngũ vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

Những hố bom tròn tròn phía trước và sau nhà đã thành ao nuôi cá và trồng rau muống. Nhưng với tuổi thơ tôi, nó như những con mắt chiến tranh còn lại để chúng tôi nhìn về những ngày khói lửa anh hùng mà cha ông chúng tôi đã sống và chiến đấu bảo vệ quê hương.

Lịch sử còn ghi lại, hồi đó, nhiệm vụ của quân và dân xã Cẩm Phong (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) là phối hợp cùng với các lực lượng bảo vệ an toàn, duy trì thông suốt tuyến Quốc lộ 217 từ cầu Ngán, xã Cẩm Ngọc đến bến phà Cẩm Thủy (Bến phà Cửa Hà) và Đường 83 (Tỉnh lộ 519), nay là đường Hồ Chí Minh. Đây là những tuyến đường trọng điểm để chuyên chở vũ khí, xe tăng, thiết giáp… và bộ đội vào chiến trường miền Nam. Xã đã thành lập một trung đội dân quân cùng với dân quân các xã: Cẩm Ngọc, Cẩm Sơn, Cẩm Giang, Cẩm Tú và lực lượng Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Thủy phối hợp tác chiến, tạo nên lưới lửa phòng không bao vây, đánh đuổi nhiều đợt máy bay địch ném bom phá hoại cầu Ngán, cầu Tử Niêm và bến phà Cửa Hà. Trong thời gian từ tháng 11-1965 đến tháng 7-1966, Mỹ đã ném xuống địa bàn huyện Cẩm Thủy, đặc biệt là tuyến mục tiêu trọng điểm này hàng trăm tấn bom, đạn, rốc két.

 Đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ an toàn, thông suốt những tuyến đường huyết mạch, xã Cẩm Phong còn đóng góp, huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Huy động ngày công lao động của nhân dân để làm đường, bốc xếp lương thực, vũ khí. Nhiều gia đình nhường nhà, hiến đất để làm kho chứa lương thực, thực phẩm, thuốc men và cho bộ đội dừng chân trên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Xã đã làm tròn trách nhiệm của hậu phương lớn bằng việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Phương châm đưa ra là “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phong trào “thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” được hưởng ứng mạnh mẽ. Địa bàn xã có thời gian là nơi lưu quân lên đến hàng trung đoàn. Cuối năm 1972, xã Cẩm Phong là nơi bộ đội bộ binh cơ giới, các binh chủng công binh, tăng-thiết giáp, pháo hạng nặng về địa phương tập kết trước khi vượt sông Mã đi tiếp vào Nam chiến đấu. Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong Nguyễn Ngọc Sơn cho chúng tôi biết như vậy.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Cẩm Phong, vừa qua Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” cho xã này.

Lấp hố bom xây dựng cuộc sống mới

Ngày 24-3 vừa qua, Lễ đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nướcvà công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa “Công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới 2018” của Cẩm Phong đã được tổ chức long trọng với sự tham dự của đông đảo bà con. Tôi đứng trong đám đông những người dự lễ đó. Từ nơi đây, nhìn ngọn núi Cửa Hà cao sừng sững, hiên ngang giữa đất trời, soi bóng bên dòng sông Mã trong xanh. Vị trí này, một thời đã khiến cho những “con ma”, “thần sấm” trên không của Mỹ bạt vía kinh hồn. Theo những người già kể lại, “phố Cửa Hà” là tên có từ thời Pháp gọi địa danh của Cẩm Phong. Do vùng đất bán sơn địa này có vị trí chiến lược quan trọng, có thể vừa phòng thủ vừa tấn công nên được quan tâm đầu tư. Suốt từ thời đó, địa danh này luôn mang dáng vẻ sầm uất, giàu có bậc nhất trong huyện.

Bến phà Cẩm Thủy, núi Cửa Hà - nơi xưa kia từng là trận địa phòng không bắn trả máy bay Mỹ.

Bên chân núi Cửa Hà, bến phà xưa đã được thay thế bằng cây cầu lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng, nối đôi bờ sông Mã, nối con đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Những người con xa quê ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay rõ rệt trên mảnh đất quê hương. Những con đường đất đá khấp khểnh, lầy lội xưa kia đã được thay thế bằng đường nhựa, bê tông và cứng hóa. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang. Trong những cửa hàng, siêu thị mini, hàng hóa chất đầy, biển hiệu, đèn điện sáng trưng không khác gì thành phố. Trên những cánh đồng, hệ thống kênh mương được bê tông hóa, lúa, rau màu đang lên xanh mơn mởn, hứa hẹn vụ mùa ấm no. Tại trang trại, đàn trâu bò, lợn, gia cầm đã được chăn nuôi với quy mô tập trung và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hình ảnh này khác hẳn với cung cách chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún xưa kia. “100% số hộ dân đã được dùng điện lưới. Điện đi đến đâu, văn minh đến đấy. Mạng lưới internet đã phủ khắp xã. Bà con đã được tiếp cận với cả thế giới chỉ qua click chuột”, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong Nguyễn Ngọc Sơn thông tin tại buổi lễ.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong Nguyễn Ngọc Sơn thuộc thế hệ 7X, có vóc dáng cao cao trẻ trung, mang dáng dấp của một cán bộ xã hiện đại, năng nổ và quyết đoán. Trong dáng dấp đó là những tư duy tích cực, nhạy bén trước thời cuộc. Anh rất tự hào khi giới thiệu về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của quê hương với bà con và các vị khách. Không chỉ phát triển nông nghiệp, mà các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại cũng rất phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa… được quan tâm đầu tư đúng mức. Cả xã có 3 trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia. “Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo chỉ còn 2,7%”. Cẩm Phong luôn phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu và chăm chỉ, cần cù trong lao động, sản xuất. Dù đang sống trong thời bình nhưng công tác quốc phòng và an ninh luôn được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định và được giữ vững. Công tác quân sự địa phương thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, củng cố lực lượng dân quân nòng cốt, quân dự bị động viên, huấn luyện chính trị, quân sự, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu.

Xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới 2018 khi đạt cả 19/19 tiêu chí đề ra. Đó là dấu ấn quan trọng ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến xây dựng, bảo vệ quê hương của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Cẩm Phong.

“Phố Cửa Hà” với chiến tranh đã lùi xa, hôm nay, tất cả chỉ còn là ký ức. Những người con xa quê như tôi hôm nay trở về tìm ký ức tuổi thơ, được chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Không còn thấy dấu vết của vất vả nhọc nhằn, của đau thương một thuở đạn bom; những hố bom đã được lấp lại, mùi hương của cuộc sống mới dậy lên đã thay thế cho mùi khét lẹt của thuốc súng hôm qua. Quê hương đã in hằn trong tâm trí, trong máu thịt của chúng tôi với núi Cửa Hà, với dòng sông Mã, cầu Tử Niêm, chùa Bình Vôi, nhà thờ Phong Ý... Trên bến sông quê vẫn còn phảng phất đâu đây hình bóng những ngày gánh nước, tắm giặt, câu cá, lội nước ven bờ. Tiếng cười nói dường như vẫn còn lan tỏa trên sóng nước trong veo. Cảm giác thả mình vào dòng sông mát lành mỗi chiều hè như vẫn còn nguyên. Quê hương đã ôm ấp, nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ của chúng tôi bay đi muôn nơi. Nhìn vào Cẩm Phong hôm nay, cứ ngỡ như chưa từng qua khói lửa đạn bom...

Bài và ảnh: KIM THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cam-phong-anh-hung-571086