Cảm phục nghị lực kiên cường của cô giáo dạy Toán bị mất một chân do tai nạn

Tai nạn cướp đi một chân của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Tâm (31 tuổi) nhưng không vì thế mà cô đầu hàng trước số phận. Bục giảng hàng ngày cô vẫn đứng lớp, các hoạt động văn thể mĩ của trường cô luôn tham gia và giúp những hoàn cảnh khiếm khuyết như cô có thêm nghị lực sống.

Tỉnh dậy thấy chân trái đã không còn

Năm 2008, sau khi ra trường, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Tâm (31 tuổi) được phân công giảng dạy tại trường THPT Tân Thành A, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Một năm sau, khi đang trên đường đến nhà học trò vận động các em đến lớp, cô bị tai nạn thương tâm. Vụ tai nạn đã khiến một bên chân của cô bị dập nát. Sau khi tỉnh dậy, cô Tâm đau đớn phát hiện mình đã bị mất chân trái.

Sốc và không chấp nhận thực tế là cảm xúc đầu tiên ập đến với mình. Từ một người lành lặn, mình trở thành một người khuyết tật” – cô Tâm chia sẻ với PV Vietnamnet.

Chết lặng, cô xót xa cho tương lai mịt mờ phía trước. Cô băn khoăn liệu rằng các em học sinh có chấp nhận, cảm thông với hình ảnh cô giáo cụt chân trên bục giảng? Thế nhưng trái với suy nghĩ tiêu cực lúc ấy, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò luôn dành hết tình yêu thương cho cô Tâm.

Chứng kiến cảnh con bị thương nặng nề, người mẹ già đã sốc nặng, ngất xỉu. Sau khi tỉnh lại, bà nén nước mắt động viên con dũng cảm bước tiếp.

Biết tin cô giáo bị tai nạn, học trò luôn tìm cách liên lạc, thăm nom. Có hôm các em đứng ở cửa phòng bệnh từ sáng sớm, tay xách con cá, hộp sữa, bó rau… Sau giờ học, các em lại nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe cô, kể cho cô nghe về chuyện trường lớp, về những câu chuyện vui các em gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Lòng cô Tâm xúc động nghẹn ngào.

Những ngày trên giường bệnh cô Tâm mới thực sự cảm nhận hết được tình cảm mọi người dành cho cô. Nhờ đó mà cô có thêm động lực để tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở với bục giảng, giáo án và các em học sinh.

Tình cảm của gia đình, đồng nghiệp, học sinh đã giúp cô Tâm vượt qua cú sốc sau vụ tai nạn - Ảnh: Internet

Cô Tâm bồi hồi kể lại: Tình thương của gia đình, đồng nghiệp và học trò đã giúp mình thoát ra khỏi những suy sụp và tuyệt vọng ban đầu.

Tình thương đó làm mình cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc. Nó giúp mình không nghĩ nhiều về khiếm khuyết của mình nữa, mà tự nhủ với bản thân phải cố gắng để không phụ tấm lòng mọi người đã dành cho mình”.

“Sống như những đóa hoa”

Sau khi bình phục, về với trường lớp, cô Tâm được phân công làm công việc hành chính. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, vì quá nhớ bục giảng và học trò, cô xin phép đứng lớp.

Những ngày đầu trở lại bục giảng không hề dễ dàng với cô giáo trẻ. Thời điểm này, một phụ huynh trong lớp học cô phụ trách đã gửi đơn yêu cầu nhà trường đổi giáo viên. Dù rất buồn nhưng cô vẫn quyết tâm đi dạy, chia sẻ cho học sinh về lòng đam mê nghề giáo, khát khao được truyền đạt kiến thức Toán học đến với các em. Hết tiết học, thay mặt cả lớp, một em học sinh đã gửi tới cô lá thư xin lỗi và mong cô tiếp tục dạy dỗ.

Dần dà, cô Tâm bắt đầu quen với cuộc sống thiếu một chân. Không chỉ tham gia công tác giảng dạy, cô còn tích cực góp mặt trong các hoạt động văn nghệ, thể thao của trường lớp cùng đồng nghiệp và các em học sinh. Hình ảnh cô giáo trẻ chỉ còn một chân nhưng uyển chuyển trong các điệu múa khiến mọi người cảm phục, trân quý.

Cô Tâm tham gia múa trong một tiết mục văn nghệ ở trường - Ảnh: Internet

Một thời gian sau, khi biết hoàn cảnh đi lại khó khăn của cô Tâm, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện để cô chuyển công tác về trường THPT Thiên Hộ Dương, cách nhà cô chỉ 5 – 10 phút đi xe.

Cuộc sống dần đi vào quỹ đạo sau biến cố, cô Tâm bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về những số phận không may mắn như mình. Suy nghĩ thôi thúc, năm 2015, cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm. Đây là nơi hội ngộ của các thành viên thuộc nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, xuất thân khác nhau nhưng cùng chung tấm lòng muốn sẻ chia, phục vụ cộng đồng.

Không giàu có về tiền bạc nhưng cô rất giàu tình thương. Để gây quỹ thực hiện các hoạt động từ thiện, cô và mọi người đã đi bán hoa trong các ngày lễ 8/3, 20/10, 20/11…

Khi mình làm những hoạt động thiện nguyện này, bạn bè cũng biết tới và đóng góp. Quỹ của nhóm không có nhiều nhưng mọi người làm trên tinh thần có bao nhiêu giúp bấy nhiêu” – cô Tâm cho biết.

Nhóm tìm đến những cụ giả neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để sẻ chia, giúp đỡ. Cô Tâm nhận ra một điều, đôi khi không phải là những món quà vật chất mà chính tấm lòng, sự quan tâm của mọi người đã giúp những mảnh đời bất hạnh có thêm niềm tin vào tương lai.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, cô Tâm cho biết khó khăn đã vơi đi phần nào. Nhờ số tiền bồi thường sau tai nạn cô đã mua được đôi chân giả và chiếc xe tay ga. Tuy nhiên, vì không còn tiền để gắn thêm 2 bánh phụ nên nhiều lúc trời mưa, đường đông, cô dễ bị ngã. Mỗi lần hư là một lần cô lên Sài Gòn sửa lại, rất tốn kém. May mắn thay, một mạnh thường quân đã hỗ trợ lắp thêm 2 bánh xe để cô đi lại cho an toàn.

Ước mong lớn nhất của cô giáo trẻ bây giờ chính là truyền cảm hứng cho những người kém may mắn như mình có thêm nghị lực để sống tiếp, làm nhiều việc có ích cho đời.

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cam-phuc-nghi-luc-kien-cuong-cua-co-giao-day-toan-bi-mat-mot-chan-do-tai-nan-132196.html