Cảm phục phút sinh tử của những 'người hùng' giúp dân vượt lũ dữ

Những ngày qua, hình ảnh anh Súa, Trưởng công an xã hy sinh cứu người; hình ảnh chàng thanh niên dân tộc quên thân cứu người mắc kẹt giữa dòng lũ hung dữ tại Thanh Hóa đã làm lay động lòng người.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã liên tục xảy ra mưa to kéo dài, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở nhiều địa phương, nhất là trên địa bàn các huyện miền núi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân.

Những ngôi nhà đổ nát, tan hoang trong cơn lũ tại Thanh Hóa.

Những ngôi nhà đổ nát, tan hoang trong cơn lũ tại Thanh Hóa.

Hy sinh khi giúp dân chạy lũ

Đi dọc các huyện miền núi từ huyện Quan Sơn đến Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi chứng kiến nhiều bản làng bị vùi lấp, nhiều tuyến đường bị hàng nghìn khối đất đá đổ ập xuống, khiến cảnh tượng hoang tàn, xác xơ. Ngoài những tiếng khóc, tiếng gào thét, những đôi mắt thất thần vì mệt mỏi của người dân bị mất nhà, mất người thân, còn có nhiều câu chuyện cảm động của những chiến sỹ cảnh sát, bộ đội và người dân đang nỗ lực, quên mình để giúp bà con vượt lũ.

Anh Thao Văn Súa, Trưởng công an xã Nhi Sơn đã hy sinh khi đang giúp dân chạy lũ.

Những ngày qua, người dân Mường Lát không chỉ đau buồn vì thiệt hại do thiên tai, họ còn đau buồn vì có một “người hùng” của bản làng đã vì họ mà hy sinh. Đó là, anh Thao Văn Súa (sinh năm 1986), Trưởng công an xã Nhi Sơn. Trong khi đi kiểm tra, hỗ trợ, kêu gọi bà con xã Nhi Sơn nhanh chóng di dời khỏi vùng tâm lũ thì bất ngờ đất đá từ trên sườn núi sạt xuống, vùi lấp, khiến anh Súa tử vong.

Chưa hết bàng hoàng và đau đớn, chị Thao Thị Dợ (vợ anh Súa) nói trong nước mắt: “Chiều qua anh ấy đang còn ở đây, khoảng 7 giờ tối, anh dặn dò tôi ở nhà để đến mấy hộ ven chân núi xem tình hình thế nào, động viên họ di tản ra nơi khác. Không ngờ rằng, cả đêm anh ấy không về, giờ anh ấy chết thế này thì 4 mẹ con tôi biết sống ra sao”.

Lũ bất ngờ ập xuống khiến người dân không kịp trở tay.

Cảm kích trước sự hy sinh quên mình của anh Súa, ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn cho biết: "Ngay từ tối ngày 2/8, anh Súa đã đến từng nhà vừa tuyên truyền vận động, vừa trực tiếp tham gia sơ tán người và di dời tài sản của người dân trong bản đến nhà văn hóa và trường Tiểu học Nhi Sơn để tránh lũ. Đến khoảng 17 giờ 30 chiều 3/8, công việc cơ bản hoàn thành, chỉ còn vài hộ ở xa".

"Đến tối, trời mưa rất to, lũ lớn từ thượng nguồn đổ về, không bỏ cuộc, anh Súa vẫn tiếp tục đến vận động họ sớm di dời đến nơi an toàn. Khi đến khu vực trường Tiểu học Nhi Sơn thì bất ngờ bị lũ tràn về cuốn trôi và bị đất đá sạt lở vùi lấp. Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, mãi đến sáng 4/8, lực lượng chức năng và người dân mới tìm thấy thi thể anh bị vùi trong đất đá", ông Xích xúc động nói.

Sự hy sinh của anh Súa đã bao trùm thêm không khí đau thương, mất mát của người dân bản Pá Hộc.

Liều chết cứu người mặc kẹt giữa dòng nước lũ

Không chỉ có anh Súa mà hàng nghìn chiến sỹ bộ đội, công an, lực lượng chức năng cũng đang dầm mưa, vượt núi để mang lương thực vào cứu trợ người dân. Trong số đó, câu chuyện về anh Phạm Bá Huy (SN 1993), bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, một người dân tộc thiểu số đã dũng cảm nhảy xuống nước sông Luồng cuồn cuộn chảy xiết để cứu ông Lương Văn Chon (bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) cũng đã khiến nhiều người cảm phục.

Anh Phạm Bá Huy đã dũng cảm nhảy xuống dòng sông Luồng cứu người mắc kẹt trong lũ

Khi phát hiện ông Lương Văn Chon bị nước lũ cuối trôi, mặc kẹt trên ngọn cây giữa dòng suối cuồn cuộn nước lũ, lực lượng chức năng đã tìm cách để tiếp cận, ứng cứu nạn nhân. Lúc đó, anh Huy đã xung phong đu dây thừng, vượt dòng lũ dữ để cứu ông Chon.

Anh Huy đã buộc dây cáp ngang người nạn nhân để người bên kia kéo ông Chon vào bờ. Khi ông Chon cập bờ an toàn, dây cáp đứt, anh Huy bị mặc kẹt trên ngọn cây. Qua 4 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng vẫn không có phương án đưa anh Huy vào bờ. Cuối cùng, để tự cứu mình, anh đã tự nhảy xuống sông bơi vào bờ thoát thân trước sự "nín thở" theo dõi của hàng trăm người dân.

Hành động dũng cảm của Phạm Bá Huy đã lay động lòng người cả nước và sự cảm kích của người dân xã Na Mèo.

Quyết không để dân vùng lũ bị đói

Đợt mưa lũ vừa qua, đã khiến hàng trăm người dân các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa lâm vào cảnh mất nhà, mất người thân, trắng tay. Mưa lũ đã làm 16 bản của các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Na Mèo, Sơn Hà, Tam Lư, Trung Tiến, Trung Thượng bị cô lập, chia cắt, 25 nhà dân ở xã Na Mèo, Sơn Thủy bị sập hoàn toàn.

Nhiều tuyến đường chính lên huyện Mường Lát bị sạt lở nghiêm trọng, hiện vẫn chưa được khắc phục.

UBND huyện Quan Sơn đã và đang chỉ đạo lực lượng công an, quân đội, biên phòng giúp dân sơ tán, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức tìm kiếm người mất tích. Hiện nay, các lực lượng chức năng của huyện, tỉnh đang đi dọc hai bờ sông Luồng tìm kiếm 11 người còn mất tích, đồng thời tiếp cận các bản bị cô lập; bố trí chỗ ở cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã chỉ đạo cho địa phương tiến hành di dân, phòng chống lũ ống, lũ quét. Lực lượng quân đội, biên phòng và các lực lượng chức năng trong huyện Quan Sơn tích cực tìm kiếm nạn nhân đang bị mất tích dọc hai bờ sông Luồng.

Đặc biệt, yêu cầu các huyện tổng hợp nhu cầu và cấp lương thực, thực phẩm cho người dân các bản bị cô lập. Tập trung nguồn lực hỗ trợ cho người dân bản Xa Ná, xã Na Mèo vừa bị lũ cuốn trôi nhà, quyết không để người dân vùng lũ bị đói.

Sở GT-VT bố trí phương tiện nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 217, đoạn qua huyện Quan Sơn, tránh ùn tắc giao thông…

Kim Oanh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cam-phuc-phut-sinh-tu-cua-nhung-nguoi-hung-giup-dan-vuot-lu-du-155362.html