Cảm phục tấm lòng cô gái giành giật đứa trẻ suýt bị chôn sống

Sinh năm 1990 nhưng lúc mới 15 tuổi, đang là học sinh lớp 9, cô bé ấy đã làm được điều phi thường. Cô bé ấy là Y Byen ở làng Piơm, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Giành giật đứa trẻ suýt bị chôn sống

Gặp Y Byen, tôi hơi bất ngờ bởi 9X không chỉ có khuôn mặt khả ái, nụ cười tỏa nắng mà nét nhân hậu toát lên từ lời nói, cử chỉ. “Y Song là con trai lớn của mình. Nó sinh năm 2004. Lúc đó mình mới 15 tuổi thôi”, Y Byen vừa nói vừa cười, ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc.

Hạnh phúc ngập tràn trên gương mặt 3 mẹ con Y Byen

Đó là năm 2004, trong một lần Y Byen theo mẹ sang làng Tơ Măn, xã Đê Ar, huyện Mang Yang bán quần áo cũ, tình cờ nghe người dân kể câu chuyện đau lòng về một người mẹ trẻ, vì nghèo nên sinh tại nhà, chồng cô đỡ đẻ. Nhưng khi đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời thì người mẹ kiệt sức, qua đời.

Theo tập tục của đồng bào Bahnar, nếu đứa bé mới sinh mà mẹ chết thì đứa con sẽ phải chôn theo mẹ. Nếu không, linh hồn người mẹ sẽ không thể siêu thoát, cứ quanh quẩn trong làng, theo đứa trẻ.

Y Byen nghe thế buồn lắm, nói với mẹ muốn đến xin dân làng cho mình mang đứa trẻ về nuôi, và được mẹ đồng ý.

“Mình đến gặp họ hàng và cha đứa bé, họ cũng thương con thương cháu, nhưng theo tập tục, họ không dám trái. Họ nói mẹ cháu chết rồi giờ không chôn theo thì trước sau gì mẹ nó cũng về bắt nó theo thôi. Mình nghe vậy, cố gắng thuyết phục họ, nói cháu còn khỏe lắm. Mình sẽ làm mẹ, sẽ thương nó như con mình đẻ ra”, Y Byen kể.

Sau một hồi lâu thuyết phục, cuối cùng, cha đứa bé và 2 bên họ hàng, dân làng cũng gật đầu đồng ý. Người cha dẫn Y Byen lại gần quan tài (không đậy nắp, phong tục người Bhanar), chỉ cháu bé đang nằm trên bụng mẹ rồi chùng giọng nói: “Y Byen đưa nó về nuôi đi”.

Y Byen bế cháu bé ra, không quên nói vài lời với người mẹ xấu số, rằng cô sẽ nuôi con chị nên người, sẽ thương nó như con ruột. Sau đó, cô lấy chiếc áo quấn cậu bé lại, ôm vào lòng trong niềm xúc động. Hai mẹ con xin đưa cháu bé ra khỏi làng, đứa trẻ đỏ hỏn cứ cầm chặt ngón tay Y Byen suốt chặng đường dài mà không khóc.

“Trên đường về nhà, mỗi khi qua một đoạn đường khó, chiếc xe rung lên bần bật làm cháu bé thức giấc, đứa bé lại khóc thét lên. Lúc ấy mình ôm cháu vào ngực rồi dỗ dành: “Mẹ đây! Mẹ đây!”

Kể về 2 đứa con, Y Byen lúc cười rạng rỡ, lúc lại lăn dài nước mắt vì thương con

“Mang cháu về nhà, ông ngoại đặt tên cho con là Y Song, theo tiếng Bahnar có nghĩa là trời cho. Nhà mình lúc đó rất nghèo, nhiều lúc phải uống nước cơm chống đói. Người làng biết chuyện lâu lâu lại mang cho con hộp sữa. Thấy bà mẹ nào trong làng mới sinh con là mình lại ẵm Y Song đến, xin cho con bú. May sao trời thương, Y Song cứ lớn dần, ngoan và chẳng ốm đau gì nhiều”, Y Byen nói.

Một lần, sau buổi học ở lớp, Y Song chạy về, vừa khóc vừa nói với mẹ, các bạn trong lớp nói con không phải con của mẹ. Người mẹ trẻ thấy vậy cũng vừa khóc theo, vừa vuốt ve con bảo: “Y Song là con trai của mẹ đấy. Mẹ thương con như thế, sao không phải con của mẹ được”. Lúc này, Y Song mới thôi khóc.

Mặc dù vừa phải lo học hành, vừa bươn chải đi làm thêm, kiếm tiền nuôi Y Song, nhưng Y Byen vẫn tốt nghiệp trung học loại khá. Sau đó thi đậu vào trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai rồi trở thành ca sỹ. Năm 2011, Y Byen thi đậu viên chức vào Nhà hát Đam San tỉnh Gia Lai.

Quên hạnh phúc riêng tư

Năm Y Song lên 11 tuổi, tức cách đây 3 năm, vào một buổi sáng, khi Y Byen lên cơ quan làm việc, cô nghe đồng nghiệp nói rằng vừa có bà lao công chuyên làm nghề dọn dẹp trong nhà dòng gọi điện thoại đến, thông báo có đứa trẻ sơ sinh bị vứt ngoài nghĩa địa. Y Byen nghe vậy, liền gọi về cho ba, nói muốn mang cháu về nuôi.

Y Song đã lớn, rất thương em và đã biết phụ mẹ chăm sóc em

“Cả ba lẫn mẹ nghe vậy đồng ý liền. Mình tức tốc chạy đến để gặp bé. Mình vẫn còn nhớ như in lúc ẵm cháu lên, cháu mới bắt đầu khóc oe oe, bàn tay nhỏ xíu cứ nắm chặt ngón tay mình. Mình vừa nựng cháu vừa nói: “Mẹ đây, mẹ của con đây”. Nghe mình dỗ thì cháu nín, không khóc nữa”, Y Byen kể và cho biết, cháu bé sinh thiếu tháng, lại bị nhiễm trùng rốn nên phải nằm trong bệnh viện cả tháng trời và thở oxy. Cháu bé sau đó được đặt tên là Y Sơn, nghĩa là núi rừng.

“Mình chưa từng lập gia đình, chưa sinh con, nhưng bản năng làm mẹ của mình trỗi dậy lúc nào không biết. Nhờ vậy mà mình chăm sóc con bằng cả tình thương lẫn trách nhiệm. Hạnh phúc nhất là lần đầu nghe con bập bẹ 2 tiếng “mẹ, mẹ”. Lúc đó, mình nổi hết da gà, xống mũi mình cay cay, toàn thân như vừa có luồng điện chạy từ đầu xuống chân”, Y Byen kể.

Tình yêu con trẻ đã khiến Y Byen đã quên hết những niềm vui, những nhu cầu của một cô gái tuổi trăng tròn. Với mức lương của một người làm nghệ thuật không đủ để cô chăm lo tốt cho 2 cậu con trai đang ngày một lớn nên hàng ngày, khi hết giờ làm, cô lại hố hả chạy về, vừa tất bật lo chăm sóc 2 con trai, vừa làm việc nhà, chăm cho đàn heo, gà. Rồi mỗi khi có lời mời đi hát ở đám cưới, đám tiệc, hội nghị… cô lien nhận lời, để kiếm thêm thu nhập, lo cho con. “Miễn sao đồng tiền kiếm được do sức lao động của mình thôi”, Y Byen nói.

Ánh mắt trong veo của Y Sơn

Ông Y Byem, cha của Y Byen kể, lúc mang Y Song về, gia đình còn nghèo lắm, phải bán dần đàn gà, heo đi để lấy tiền mua sữa. Y Byen càng vất vả hơn. “Nó vất vả, thương lắm. Đi làm về lại chăm 2 đứa con, rồi làm hết việc nhà. Thương lắm. Nhưng phải ráng thôi. Của cải có thể làm lại, nhưng sinh mạng một con người chỉ có một, khi mất đi rồi không thể làm lại được” ông Y Byem nói.

“Y Byen có dự định khi nào lập gia đình không?”, nghe tôi ngập ngừng hỏi, nét mặt cô thoáng buồn. Một lát, cô nói: “Từ khi mang Y Song về, rồi thêm Y Sơn, Y Byen không dám nghĩ tới chuyện ấy. Nhiều lúc đi hát đám cưới, thấy cô dâu, chú rể nắm tay nhau hạnh phúc, mình cũng chạnh lòng. Lúc đó mình cũng ao ước một lần được mặc áo cô dâu, có một người đàn ông bầu bạn, sớm tối chia sẻ những khó khăn, vui buồn. Nhưng rồi lại băn khoăn, phần không biết người ta có thật lòng không, phần vì sợ lấy mình về, họ không thương 2 đứa con. Rồi tâm trạng đó cũng qua nhanh, nghĩ đến Y Song, Y Sơn là quên hết. Y Song giờ đã học lớp 7, ngoan và thương em, thương mẹ, thương ông bà. Còn Y Sơn lên 3, rất kháu khỉnh và lém lỉnh".

Chia tay cô gái xinh đẹp, nết na Y Byen, lòng tôi ngổn ngang cảm xúc. Một cô gái chân yếu tay mềm nhưng thật bản lĩnh, kiên cường. Hành động và tấm lòng của Y Byen đã thức tỉnh mỗi chúng ta!

Sau giờ làm việc ở cơ quan, Y Byen trở về nhà với vai trò là “bà mẹ 2 con”, tất bật với những công việc thường ngày của một nông dân

Mới đây, Y Byen được Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đích thân đến tận nhà thăm hỏi, động viên. Ông Trang nhấn mạnh, Y Byen là một tấm gương sáng cho thanh niên học hỏi, phấn đấu. Đồng thời, ông đề nghị các ban ngành quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để Y Byen hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và đặc biệt là chăm sóc hai cháu nhỏ có điều kiện học hành nên người.

MINH ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cam-phuc-tam-long-co-gai-gianh-giat-dua-tre-suyt-bi-chon-song-post221139.html