Cấm rủ người khác đi uống rượu bia: Vợ kiện bạn chồng?

Việc rủ người khác đi uống bia sẽ bị cấm hoàn toàn khiến nhiều bà vợ vui mừng vì không phải cãi nhau khi mỗi lần chồng đi uống với bạn.

Tại kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Tại khoản 1 Điều 5, luật này quy định rõ: Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Trong đó, xúi giục, kích động, lôi kéo có thể hiểu bao gồm: Rủ rê, thuyết phục, thách đố nhau uống rượu, bia...

Trước khi luật được áp dụng, nhiều bà vợ đã bày tỏ sự phấn khởi và mong luật sớm được áp dụng để hạn chế việc chồng suốt ngày đi uống rượu bia khiến vợ chồng có nhiều mâu thuẫn.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Mậu Lương, Hà Đông, Hà Nội) nói: "Uống rượu uống bia trong những ngày Tết, tiệc tùng không thể không tránh khỏi nhưng phải uống thế nào để đảm bảo an toàn thì là điều ai cũng quan tâm, nhất là với người vợ.

Trong những buổi tiệc tùng, tôi không thể cấm chồng không được uống hay giao lưu với bạn bè nhưng nếu mật độ được bạn bè rủ đi thường xuyên thì người vợ nào cũng cảm thấy khó chịu.

Việc cấm xúi giục lôi kéo ép buộc người khác uống rượu bia đã giúp nhiều người vợ cảm thấy không bị khó xử khi chồng mình bị bạn bè rủ rê đi chè chén. Tuy nhiên nếu chồng vẫn cố tình hoặc bạn bè vẫn cố ý rủ trong khi luật được áp dụng thì vợ có thể quay clip hoặc thậm chí ghi âm lời rủ rê của bạn bè làm bằng chứng chứng minh cho việc vi phạm điều cấm trong luật đã quy định".

Cũng chia sẻ về vấn đề này, chị Dương Thị Mai (Hoàng Cầu, Hà Nội) tâm sự: "Vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau vì chuyện chồng đi uống rượu uống bia với bạn bè. Một tuần bạn bè của chồng rủ đi vài lần. Có thời gian tôi rất ghét người bạn đó của chồng bởi rủ chồng mình đi rượu chè quá nhiều.

Thậm chí ngoài thái độ không vui vẻ ra tôi cũng có lần nhắn tin nói nặng người bạn đó để hạn chế việc rủ chồng đi uống rượu bia. Mỗi lần đi uống rượu về chồng tôi đều trong trạng thái say khướt khiến tôi càng tức giận. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu chỉ tỏ thái độ thôi thì chưa khiến họ sợ, có thể tôi sẽ dọa kiện để họ hạn chế việc rủ rê chồng người khác đi rượu chè.

Thường nếu kiện người khác thì bản thân mình phải đưa ra được bằng chứng, nếu không ghi âm hoặc quay được clip thì rất khó để chứng minh họ rủ rê chồng mình.

Tôi nghĩ tôi sẽ cài phần mềm tự động ghi âm cuộc gọi trên máy của chồng. Mỗi khi người đó gọi điện rủ rê đi uống rượu bia, phần mềm ghi âm cuộc gọi sẽ tự động ghi lại cuộc nói chuyện đó lại".

Không giống suy nghĩ của những bà vợ, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng sẽ rất khó thực hiện bởi rất khó để chứng minh có rủ rê hay lôi kéo đi uống rượu bia hay không.

"Nếu vợ cố tình tìm hiểu, cố tình tìm bằng chứng cho việc rủ rê đi uống rượu bia thì cánh đàn ông họ lại càng làm ngược lại. Đâu nhất thiết họ phải lôi kéo chè chén, nếu thích đi thì chỉ cần ra ám hiệu hoặc ám chỉ điều gì đó là người kia đã hiểu và ra quán nhậu với nhau. Nếu đã không muốn đi thì có rủ rê cũng không đi. Điều đó thuộc về tính cách của mỗi người", anh Hùng phân tích.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia lái xe có tỷ lệ người lái xe máy chiếm từ 70-90% số vụ, trong đó, tỷ lệ nam giới gây ra là 80-90%. Thời điểm xảy ra tai nạn liên quan đến uống rượu, bia thường vào buổi tối (18-24 giờ) và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say.

Mặt khác, dù luật chính thức có hiệu lực nhưng cũng chưa quy định cụ thể thế nào là hành vi ép buộc, xúi giục, lôi kéo uống rượu, bia… Đây là vấn đề các ngành chức năng liên quan cần quan tâm, kịp thời bổ sung các quy định cụ thể để các quy định của luật này có thể đi vào cuộc sống

Việc ban hành luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu Hiền

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/cam-ru-nguoi-khac-di-uong-ruou-bia-vo-kien-ban-chong-3393978/