Cầm tay nhau trên khói sóng biên thùy

Cách đây một thập kỷ, không ai nghĩ miền biên viễn dọc sông Quây Sơn, nơi có thác Bản Giốc lại có thể trở thành một điểm hẹn du lịch văn hóa đông vui náo nhiệt như bây giờ. Cao Bằng đã thành công với 2 lần tổ chức lễ hội du lịch thác Bản Giốc vào mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm với khói sóng bay tỏa trên mặt nước, hòa lẫn vào không khí lễ hội giàu bản sắc núi rừng của Cao Bằng.

Thác Bản Giốc trong mùa lễ hội. Ảnh: Lê Đồng

Sau khi phân giới cắm mốc, thác Bản Giốc được phân định rõ các phần thuộc về lãnh thổ của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, về mặt cảnh quan, cả khu vực này từ hai bên biên giới đều nhìn rõ trong tầm mắt, gồm thác nước chính 3 tầng đổ xuống phía trên sông Quây Sơn. Phần thác phụ là một nhánh nhỏ của sông Quây Sơn nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Vào mùa mưa, nước sông xanh biếc màu lục, đổ xuống thung lũng ầm ầm tung bọt trắng xóa, rồi bọt nước bốc lên cao hàng trăm mét. Phía Trung Quốc có một sườn núi giáp với thác nước. Quốc gia này gọi tên thác Bản Giốc là thác Đức Thiên, ca ngợi cảnh quan nơi này là đệ nhất kỳ quan, thường xuyên tổ chức đưa khách du lịch tới tham quan. Họ xây các lầu vọng cảnh dọc sườn núi, từ đây có thể phóng tầm mắt suốt chiều dài sông Quây Sơn và các dãy núi trùng điệp trên biên giới.

Trên thế giới hiện có rất ít các thác nước nằm trên đường biên giới, trong đó, thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất. Năm 2018 là năm đặt dấu ấn khu vực này, thác Bản Giốc được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. Tiềm năng được cộng thêm, thế mạnh được bồi đắp, Cao Bằng đã tận dụng lợi thế để kéo gần lại miền biên viễn xa xôi, tạo điểm nhấn rõ nét về du lịch, văn hóa, thể hiện quan điểm hợp tác cùng phát triển tại các khu vực có biên giới chung của Chính phủ hai nước; đồng thời cũng tạo ra cú hích cho địa phương gìn giữ vốn văn hóa lâu đời của người bản địa, niềm tin về chủ quyền và hòa bình, hữu nghị với quốc gia láng giềng.

Mỗi kỳ lễ hội, khách du lịch từ khắp nơi đổ về đây khá đông. Tại khu vực này, ngôi chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc trên đỉnh núi, in bóng xuống thác Bản Giốc, soi tỏ dòng Quây Sơn vừa được tu sửa lại cho khách chiêm bái, tham quan. Trong chùa có đền thờ vị anh hùng Nùng Chí Cao, tựa vào núi Phia Nhằm, hướng ra mặt thác. Ngôi chùa hộ thần cho cả vùng, cộng thêm cho thác Bản Giốc nét linh thiêng, nghiêm cẩn và cũng hút khách du lịch đến đây đông hơn. Dịch vụ du lịch cũng phát triển hơn so với vẻ quạnh vắng trước kia. Phiên chợ cạnh cột mốc 53 cũ thời Pháp – Thanh đã tồn tại cùng với lịch sử, dành cho khách du lịch tham quan cũng mặc nhiên trở thành nét riêng của biên thùy; là nơi muốn đến, mua những đồ lưu niệm đặc trưng riêng có mà thương nhân cả hai bên biên giới thường mua bán trao đổi ở ngay trên đường biên giới.

Lễ hội thác Bản Giốc với phần lễ ý nghĩa, phần hội sôi động náo nhiệt. Phần được chờ đợi là hội chợ ẩm thực gồm các món ăn truyền thống của địa phương, khu trưng bày các sản phẩm của địa phương phục vụ du lịch do nông dân sản xuất. Một số sản phẩm là tác phẩm của nghệ nhân dân gian chế tác. Ngoài ra, một số trò chơi mới hấp dẫn như đua xe đạp, đua thuyền trên sông Quây Sơn tạo nên sự hứng thú cho khách du lịch và người dân địa phương.

Một số trò chơi dân gian, uống rượu - hát đố, hát Then, đàn tính được người chơi tham gia rất tự nhiên. Thanh niên người Tày, Nùng ở Cao Bằng có một trò chơi rất khó và gần như thất truyền là trò “lày cỏ”. Tại lễ hội, khá ngạc nhiên là khu vực chơi trò chơi này rất đông người địa phương và khách du lịch quan tâm. Đây là một cách đố theo dân gian. Người chơi vừa đố, vừa ra các ký hiệu ngón tay, khi đếm hô to câu đố dõng dạc khí thế. Người nào thua tự đứng lên cho người khác thay. Ông Nùng Văn Sênh, ở Trùng Khánh, Cao Bằng cho hay, ngày còn trẻ, ông và đám thanh niên trong làng chơi “lày cỏ” ngày này qua ngày khác không chán. Lúc chơi thì tụ tập đông vui, uống rượu, hát Then, nếp sống lành mạnh ấm áp trong các bản làng, không có chuyện bất hòa và gây gổ giữa thanh niên địa phương với nhau.

Văn hóa là sợi dây kết nối không chỉ các địa phương, mà còn đóng vai trò là sợi chỉ đỏ gắn kết giữa các quốc gia với nhau. Dựa vào yếu tố văn hóa ở thác Bản Giốc với tiềm năng có sẵn, Cao Bằng tạo dựng được bước khởi đầu có hiệu quả đưa tỉnh miền núi biên giới phía Bắc này thành địa phương mạnh về kinh tế, giàu văn hóa và đặc sắc về du lịch.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cam-tay-nhau-tren-khoi-song-bien-thuy/