Cấm tra tấn trong luật nhân quyền quốc tế

Vấn đề phòng, chống tra tấn đã được chú ý từ sớm và đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, ngày 28-11-2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Tra tấn, theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình năm 1984 (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn), là bất kỳ hành vi nào gây ra đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần mà chủ ý áp dụng với một người, nhằm rút ra từ người đó hay một người thứ ba thông tin hay lời tự thú, hay để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba gây ra hay bị nghi ngờ gây ra, hoặc để hăm dọa hay cưỡng bức người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất cứ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử nào đó; do một công chức hay một người nào khác hành động với tư cách hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức, tiến hành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tra tấn (và hành vi “thứ cấp” của nó là trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình) là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính đạo đức, văn hóa. Ở góc độ đạo đức, văn hóa, Liên hợp quốc lên án tra tấn như là một trong những hành vi vô nhân đạo và đê hèn nhất mà con người phạm phải với đồng loại, bởi tra tấn phủ nhận phẩm giá, hủy hoại cả thể chất và tâm hồn của nạn nhân - những người ở trong hoàn cảnh không thể chống cự. Ở góc độ pháp lý, theo luật nhân quyền quốc tế, tra tấn là một trong những hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bị chỉ trích gay gắt nhất; còn theo luật hình sự quốc tế, hành vi tra tấn thực hiện một cách có hệ thống và mang tính phổ biến tùy theo bối cảnh có thể cấu thành các tội diệt chủng, tội phạm chiến tranh hay tội phạm chống nhân loại, tức là những dạng tội phạm quốc tế mà thủ phạm có thể bị truy tố và xét xử theo Quy chế Rôm (1998).

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi tra tấn, việc cấm tra tấn được quy định trong rất nhiều văn kiện của luật nhân quyền và luật hình sự quốc tế từ trước đến nay, trong đó bao gồm Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Điều 5), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 7), và đặc biệt là Công ước chống tra tấn năm 1984... Theo các văn kiện này, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối, trong mọi hoàn cảnh kể cả thời bình, thời chiến hay trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Bất cứ lý do nào biện minh cho hành vi tra tấn đều không thể chấp nhận. Đặc biệt, quy định cấm tra tấn được coi là một quy phạm của luật tập quán quốc tế, và như vậy có hiệu lực ràng buộc với mọi quốc gia, kể cả những nước chưa tham gia bất cứ điều ước quốc tế nào có liên quan.

Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc đề cập đến những trách nhiệm cụ thể của các quốc gia trong việc phòng chống tội ác tra tấn, có thể tóm tắt như sau:

- Hình sự hóa hành vi tra tấn, quy định những hình phạt thích đáng với hành vi tra tấn (Điều 4).
- Điều tra, truy tố và xét xử nhanh chóng, hiệu quả những hành vi tra tấn trong các hoàn cảnh khác nhau (các Điều 7,8,9,12).
- Phối hợp, hỗ trợ các quốc gia khác trong việc dẫn độ và xét xử tội phạm (Điều 7,8,9).
- Không trục xuất, trả về, dẫn độ một người đến những quốc gia khác mà có lý do tin chắc là người đó có thể bị tra tấn (Điều 3).
- Giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn, bao gồm việc đưa vấn đề cấm tra tấn vào các luật lệ về chức năng, nhiệm vụ của các đối tượng có liên quan như cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức...(Điều 10).
- Rà soát, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các luật lệ có liên quan và các cơ sở giam giữ để bảo đảm hành vi tra tấn không xảy ra (Điều 11).
- Bảo đảm các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, các quyền khiếu nại, tố cáo và quyền được bồi thường của nạn nhân tra tấn, quyền được bảo vệ của nhân chứng và nạn nhân (các Điều 13,14).
- Không sử dụng lời khai lấy được từ sự tra tấn làm chứng cứ trong mọi giai đoạn tố tụng (Điều 15).
Trên thực tế, các quy định kể trên đồng thời cũng là những biện pháp phòng chống tra tấn mà các quốc gia có trách nhiệm áp dụng.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cam-tra-tan-trong-luat-nhan-quyen-quoc-te-183070.html