Cấm trường đại học đào tạo cao đẳng là phạm luật?

Luật Giáo dục Đại học (ĐH) không cấm trường ĐH đào tạo trình độ cao đẳng (CĐ), Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho phép cơ sở Giáo dục ĐH được hoạt động GDNN. Vì thế, lãnh đạo nhiều trường ĐH đề nghị vẫn được đào tạo CĐ.

Học sinh lớp 12 được tư vấn và trải nghiệm công việc trước khi chọn nghề. Ảnh: Trần Oanh

Mong chờ thông báo mới

Mấy ngày nay, câu chuyện trường ĐH không được đào tạo trình độ CĐ tiếp tục khiến nhiều trường như "ngồi trên đống lửa". Trước đó ngày 17/7/2019, Tổng cục GDNN gửi công văn yêu cầu 45 trường ĐH không tuyển sinh các ngành trình độ CĐ. Nhưng chỉ 12 ngày sau (29/7/2019), sau khi bị các trường phản ứng, Tổng cục GDNN lại có văn bản để các trường ĐH tiếp tục tuyển sinh ngành, nghề trình độ CĐ năm học 2019 - 2020. Tuy nhiên, sau năm 2020, việc không được tiếp tục tuyển sinh CĐ, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quy định này đã vi phạm Luật Giáo dục ĐH.

Trường đại học nên thực hiện mục tiêu chính của mình

Theo tôi, tất cả các trường ĐH đều đủ điều kiện để đào tạo trình độ CĐ. Tuy nhiên, các trường ĐH không đào tạo CĐ sẽ có tác dụng tích cực. Vì các trường có thể dành nguồn lực cho mục tiêu chính là đào tạo trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ) và thực hiện nghiên cứu khoa học. Còn về phía các trường CĐ, nguồn tuyển sinh có thể cao hơn. Nhưng, thực tế hiện nay, có nhiều trường CĐ cố nâng cấp để được lên thành trường ĐH. Sau đó, chính những trường ĐH đó lại muốn tiếp tục được đào tạo CĐ để thu hút học sinh. Với cách làm đó, ảnh hưởng đến việc quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cần phải giải bài toán này.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội Nguyễn Khắc Kiểm

Theo Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT Lê Trường Tùng, Luật Giáo dục ĐH mới không có điều nào cấm trường ĐH đào tạo CĐ. Những gì luật không cấm, trường ĐH được phép làm. Thực tế, trên thế giới, các quốc gia Australia, Malaysia, Singapore, trong trường ĐH đào tạo cả CĐ.

Lãnh đạo các trường ĐH thiên về ứng dụng, mới nâng cấp đều cho biết không đồng tình với đề nghị dừng tuyển sinh CĐ. Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp nêu rõ: Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, Tổng cục GDNN chưa có văn bản yêu cầu các trường ĐH không tuyển CĐ năm học 2020 - 2021. Một số trường ĐH lớn như Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh không tuyển sinh CĐ là do nhu cầu của họ. Nhưng các trường đặc thù, mới từ CĐ lên ĐH, ĐH ở địa phương vẫn rất cần đào tạo trình độ này.

Hơn nữa, mỗi năm khối DN đang cần 5.000 - 7.000 nhân lực dệt may nhưng các trường chỉ đáp ứng được 2.500 - 3.000, nếu phải dừng đào tạo CĐ là không ổn. Mặt khác, Điều 19 Luật GDNN quy định, các cơ sở giáo dục ĐH được hoạt động GDNN. Vì thế, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Phạm Văn Bổng cho biết, năm 2020, trường vẫn tuyển sinh trình độ CĐ bình thường. Trong trường hợp Tổng cục GDNN yêu cầu dừng tuyển sinh CĐ, nhà trường sẽ có công văn đề nghị được tuyển sinh trình độ này, bởi đang thực hiện các dự án của Nhật Bản, chủ yếu ở lĩnh vực nghề.

Bất lợi cho nhà trường, học sinh

Theo quy định của Luật GDNN, các trường ĐH được phép hoạt động GDNN đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; nếu không đào tạo CĐ nữa sẽ rất lãng phí. Về phía học sinh muốn vào trường ĐH học CĐ, sau khi tốt nghiệp sẽ liên thông thuận lợi hơn.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, các trường ĐH ứng dụng, ĐH địa phương được đào tạo CĐ, thậm chí trình độ thấp hơn. Vì thế, nếu Tổng cục GDNN yêu cầu trường ĐH dừng đào tạo CĐ là không hợp lý. Ông Khuyến đề nghị Tổng cục GDNN xem xét, không phá đi sự liền mạch cơ cấu. Các trường ĐH đào tạo CĐ là đúng sở trường bởi họ đi lên từ CĐ chuyên nghiệp. Còn, các trường CĐ bên Tổng cục GDNN đi lên từ trung cấp nghề. Khi hai mạch đào tạo CĐ khác nhau, người học liên thông ĐH rất khó. Nhất là khi, Tổng cục GDNN hướng các trường CĐ đào tạo nghề theo module; phía Bộ GD&ĐT, các trường ĐH đào tạo trình độ CĐ chuyên nghiệp theo hệ thống tín chỉ.

“Các trường ĐH khác có cơ sở dạy nghề bảo đảm, với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, đào tạo có chất lượng. Nếu Tổng cục GDNN ra một văn bản gạt hết các trường ĐH đào tạo CĐ sẽ không hay bởi có cơ sở gây dựng được thương hiệu từ rất lâu” - PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nêu quan điểm.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cam-truong-dai-hoc-dao-tao-cao-dang-la-pham-luat-361071.html