Cảm xúc 'Thương nhớ sông Bôi'

Nhiều người viết cứ cố khoe chữ nghĩa lồ lộ, nhiều khi vần cực vần, nhiều khi cứ lê thê mãi lắm hình tượng xếp sắp rối rắm, tù mù kế bên nhau đánh đố trong cái gọi là cách tân thơ hậu hiện đại... nhưng rồi người đọc có mấy ai rung động? Đấy đâu gọi là thơ hay đạt đến sự cốt lõi nhất của thơ: Sự chưng cất đến dung dị mà tràn trề xúc cảm của ngôn từ!

Nhà báo, nhà thơ Bùi Đức Khiêm trình bày nỗi nhớ nơi sinh thành ra mình (sông Bôi, thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) bắt đầu với một hình ảnh giản dị đến cảm động:

Tôi sinh ra ở đây cái làng nhỏ tựa lưng vào vách núi...

Có lẽ chả sự khiêm nhường nào hơn thế lại vẽ ra được hình ảnh nên thơ như một bức tranh mộc mạc, chân thành. Câu thơ là một lời nói chân quê, mà đã gợi tình, gọi tình. Đó là cái tình xuất xứ, nguồn cội...

Người ta nói văn tức là người. Quá đúng! Tôi biết rồi chơi với Bùi Đức Khiêm từ đầu những năm 80 thế kỷ trước. Hồi đó Khiêm là Phó trưởng phòng Phóng viên Báo Thương nghiệp (sau là Báo Thương mại rồi Công Thương) còn tôi phụ trách phòng Hành chính Tổng công ty Muối cùng Bộ. Chúng tôi có những chuyến đi thực tế đồng muối ở Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh khi đó… nên ít nhiều cũng hiểu nhau. Tôi nhớ trong các chuyến đi đó còn có một số nhà văn, nhà báo nổi danh như: Chu Lai, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Ba…

Giữa thập niên 80, tôi đi Đức. Thường vào cuối mỗi năm, Khiêm hay email "đặt hàng" tôi viết về cuộc sống, mưu sinh hoặc không khí đón năm mới của người lao động Việt Nam ở xứ người, mà cụ thể là ở Đức nơi tôi đang gắn bó, cho tờ Báo Tết Thương mại.

Những năm 90, rồi những năm 2000, mỗi lần về nước tôi thường ghé Báo Thương mại chơi. Lúc này, Bùi Đức Khiêm đã là Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập. Khiêm thường rủ tôi, kéo thêm mấy anh chị em phóng viên đi uống bia hơi Hà Nội hay ăn cơm "bụi" ở quán Vinh Thu trên đường Lý Thường Kiệt, gần trụ sở của Báo. Tôi hiểu thêm: Khiêm là người cởi mở và thân tình với cấp dưới của mình!

Ngoài nghiệp báo, Bùi Đức Khiêm còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và có hai tập thơ đã xuất bản: ...Và em và Cái lược của gà trống (viết cho thiếu nhi). Tôi thích thơ viết cho thiếu nhi của Khiêm hơn, bởi ngôn từ trong trẻo, ngộ nghĩnh, giàu hình ảnh, gần gũi và có tính giáo dục cao với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng…

Nghĩ vậy, nhưng tôi chưa một lần viết về thơ của Khiêm. Viết khen bạn bè thân thiết chẳng hề dễ, không cẩn thận có người lại hiểu sai đi: Các ông chơi với nhau rồi cứ vống lên(!). Nhưng với bài thơ "Thương nhớ sông Bôi" tôi không thể không bày tỏ đôi điều cảm xúc riêng. Hóa ra cũng không chỉ riêng tôi, sau khi tác giả đăng tải trên Facebook cá nhân tôi thấy có rất nhiều người like (thích), trong đó có các bạn văn thơ có tiếng như: Trần Mai Hưởng, Hải Đường, Nguyễn Việt Chiến, Vũ Từ Trang…

Tiếp sau hai câu mở đầu dẫn ở trên, hình ảnh quê hương nơi tác giả sinh ra đấy được vẽ tiếp, ví von thật rõ ràng và thật là Việt tính:

Sông Bôi như chiếc lạt mềm xanh trôi trước mặt...

Dòng sông như chiếc lạt mềm, xanh trôi… thật đẹp! Dân gian nói: Lạt mềm buộc chặt! Cái lạt là vật rất quen thuộc, thuộc về thuộc tính Việt nên đã sinh ra câu cuối: Con sông cột chặt tình thương nỗi nhớ suốt đời của một con người.

Nói về tình yêu quê hương đất nước, có lẽ ít nhà thơ nào mà chỉ vài câu ngắn gọn lại lấp lánh, ngân nga đọng ngay trong lòng người đọc như "Thương nhớ sông Bôi" của Bùi Đức Khiêm.

Bài thơ như tiếng khánh, tiếng chuông gióng lên trong thanh vắng trở thành một khúc nhạc về tình yêu quê hương, xứ sở của Bùi Đức Khiêm mà cũng là của vạn người con nước Việt!

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cam-xuc-thuong-nho-song-boi-115400.html