Campuchia bầu cử xã phường cạnh tranh quyết liệt

Bầu cử 4/6 là phép thử liệu CPP có được tín nhiệm và giữ được chính quyền hay không.

Từ năm 1993, khi hệ thống đa đảng được xác lập, Campuchia diễn ra nhiều loại bầu cử khác nhau: bầu cử thượng nghị viện, hội đồng tỉnh, huyện; nhưng cạnh tranh có tính quyết định vẫn là bầu cử xã, phường và bầu cử quốc hội. Từ năm 1998 đến nay, đã diễn ra 3 cuộc bầu cử xã, phường và 4 bầu cử quốc hội.

CPP chiếm ưu thế

Cho đến nay, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) vẫn kiểm soát kết quả của các cuộc bầu cử. Bầu cử xã, phường ngày 4/6 có ý nghĩa quan trọng đối với CPP và đảng đối lập chính – Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), vì nó tạo tiền đề quan trọng cho cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.

Hội đồng xã, phường là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, không phụ thuộc vào trung ương, có thể tự quyết toàn bộ vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh,… Bầu cử hội đồng xã, phường là phổ thông, trực tiếp bầu cho các đảng.

Campuchia hiện có 1.446 xã, phường. Tùy theo dân số từng xã, phường, danh sách ứng cử viên có khoảng 5 đến 13 người.

Qua các lần bầu cử xã, phường năm 2002, 2007 và 2012, CPP đều chiến thắng với tỉ lệ cử tri ủng hộ trung bình 61%, và kiểm soát khoảng 97% xã, phường trong cả nước:

Năm 2002, CPP thắng 1.598/1.621 xã, phường; với 2,6 triệu/4,3 triệu cử tri.

Năm 2007, CPP thắng 1.592/1.621 xã, phường; với 3,1 triệu/5,1 triệu cử tri.

Năm 2012, CPP thắng 1.589/1.633 xã, phường; với 3,6 triệu/5,8 triệu cử tri.

Cuộc bầu cử xã, phường năm 2017 là phép thử liệu CPP có được cử tri tin tưởng, giữ được chính quyền hay không.

Rút kinh nghiệm từ việc mất 22 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, bầu cử năm nay được CPP chuẩn bị bài bản hơn. Nắm vững lợi thế của đảng cầm quyền, với đa số tại quốc hội và bộ máy an ninh, quân đội, cảnh sát, chính quyền Hunsen đã củng cố thế mạnh của mình và làm suy yếu các thế lực đối lập, trước hết là CNRP.

Hồi tháng 2 năm nay, Quốc hội thông qua Luật chính đảng sửa đổi, trong đó cấm các đảng phái tham gia hoạt động kích động, cổ vũ ly khai hoặc điều gì gây tổn hại an ninh quốc gia. Các chính trị gia bị tuyên án không được tham gia tranh cử trong 5 năm và đảng của họ có thể bị giải tán. Ông Sam Rainsy, Chủ tịch CNRP, lưu vong tại Pháp từ tháng 11/2015 trốn tránh bản án 2 năm tù giam do tội “phỉ báng” Hor Namhong (Phó Thủ tướng) năm 2008; ngày 27/12/2016, Tòa án Phnom Penh lại tuyên phạt vắng mặt ông ta 5 năm tù giam vì hành vi tung lên mạng tài liệu giả mạo với nội dung bịa đặt về vấn đề biên giới. Ông này phải từ chức chủ tịch đảng để CNRP giữ được tư cách tham gia chính trị.

Campuchia hiện có 62 đảng, trong đó 54 đảng đăng ký hoạt động. Nhiều đảng được lập ta để phân tán phiếu bầu cho CNRP.

Có 12 chính đảng tham gia tranh cử lần này. CPP, CNRP tham gia tranh cử ở tất cả các xã, phường. Các đảng nhỏ tranh cử ít địa phương.

Khoảng 83% cử tri trong tổng số hơn 9 triệu cử tri đã đăng ký bầu cử. Khoảng 58-68% thành viên của CPP đăng ký đi bầu cử.

Chi phí nhà nước tổ chức cuộc bầu cử xã, phường lần này khoảng 60 triệu USD, trong đó 7 triệu USD từ EU, 1 triệu USD từ Nhật Bản, 3 triệu USD từ Mỹ, phần lớn kinh phí còn lại do Trung Quốc cung cấp. Số tiền này được chi cho trang thiết bị phục vụ bầu cử, hoạt động của ủy ban bầu cử các cấp. Công tác an ninh cho cuộc bầu cửa đã hoàn tất.

Hệ thống bầu cử của Campuchia tương đối dân chủ, chặt chẽ. Ủy ban bầu cử được thành lập ở các cấp trung ương, tỉnh, xã, bỏ qua cấp huyện. Tại các điểm bầu cử đã được triển khai camera, hệ thống máy tính, máy chiếu, sẵn sàng cho cuộc bầu cử. Các điểm bầu cử đều không hạn chế quan sát viên quốc tế đến theo dõi; mỗi đảng chính trị tham gia ứng cử lần này được cử 2 người vào giám sát trong phòng bầu cử. Thứ tự đảng tranh cử được sắp xếp theo hình thức bỏ phiếu bốc thăm. Tuy cử tri lựa chọn theo danh sách các ứng cử viên, nhưng thực chất là bầu cho đảng của ứng viên.

Xã hội Campuchia có sự phân hóa sâu sắc, chênh lệch giàu nghèo, thành thị và nông thôn rất lớn. Các đại gia sẵn sàng tài trợ 1-2 trăm ngàn USD cho các đoàn vận động tranh cử. CNRP có sự ủng hộ của người lao động và đại đa số tầng lớp sinh ra sau ngày 7/1/1979. Lực lượng cử tri sinh sau ngày 7/1/1979 chiếm 55% số cử tri, quyết định kết quả bầu cử. Tư tưởng muốn thay đổi đang trỗi dậy trong xã hội Campuchia. Nạn tham nhũng, bè phái, cục bộ, địa phương, chạy chức chạy quyền, con ông cháu cha khá phổ biến. Nội bộ đảng cầm quyền có hiện tượng bằng mặt không bằng lòng. Bầu cử năm 2013, khá nhiều đảng viên CPP bỏ phiếu cho CNRP.

CPP hiện chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử năm nay. Ít diễn biến bất ngờ./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/campuchia-bau-cu-xa-phuong-canh-tranh-quyet-liet-240843.html