Campuchia có thêm 886 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia tiếp tục xu hướng tăng đáng lo ngại khi Bộ Y tế nước này ngày 4/6 thông báo có thêm 886 ca mắc trong 24 giờ qua, trong đó có tới 856 ca lây nhiễm cộng đồng.

Bộ Y tế Campuchia cũng công bố có thêm 781 ca khỏi bệnh và 6 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy tính đến ngày 4/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 33.075 ca mắc COVID-19, trong đó 25.544 người khỏi bệnh và 242 ca tử vong.

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại thủ đô Phnom Penh, với số ca mắc COVID-19 tăng trở lại ở mức 600-700 ca mỗi ngày, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 3/6 đã thừa nhận thủ đô trong tình trạng đáng lo ngại, buộc chính quyền phải yêu cầu tạm dừng một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu và cấm tụ tập trên 15 người.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo sẽ cung cấp thêm thiết bị y tế và hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế các tỉnh về điều trị các ca mắc COVID-19 có diễn biến nghiêm trọng.

Hiện tại, các ca mắc COVID-19 chuyển nặng ở tuyến tỉnh đang được chuyển về điều trị tại các bệnh viện ở Phnom Penh. Tuy nhiên, để cắt giảm thời gian và chi phí di chuyển bệnh nhân, Bộ trưởng Y tế Mam Hun Heng cho biết tăng thiết bị y tế và tập huấn điều trị là cách hiệu quả hơn trong điều trị bệnh nhân nặng tại tỉnh.

Tại Svay Rieng (tỉnh giáp Tây Ninh, Việt Nam), chính quyền tỉnh vừa thông báo trong 10 ngày từ 21-31/5, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 2.517 công nhân và phát hiện 352 trường hợp dương tính. Số công nhân được xét nghiệm thuộc 8 nhà máy ở ba đặc khu kinh tế tại thành phố Bavet và nguồn lây có liên quan một lái xe chở rau từ Svay Rieng lên chợ Phsar Doeum Kor ở Phnom Penh. Lái xe này và vợ làm việc trong nhà máy ở khu công nghiệp của tỉnh Svay Rieng.

* Truyền thông Ấn Độ ngày 4/6 đưa tin một nghiên cứu của chính phủ nước này chỉ ra rằng dòng biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, đã gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai ở nước này.

Theo nghiên cứu do một nhóm các cố vấn, được gọi là Indian SARS-CoV-2 Genetics Consortium (Insacog) và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh quốc gia Ấn Độ thực hiện, dòng biến thể Delta "dễ lây nhiễm" hơn so với biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh). Cụ thể, biến thể B.1.617 và dòng biến thể phụ Delta ban đầu được cho là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc COVID-19 với khả năng lây lan cao hơn 50% so với biến thể Alpha.

Cũng theo nghiên cứu, tỷ lệ phát hiện các ca mắc biến thể Alpha hồi tháng 1/2021 rất nhỏ, sau đó tăng lên khoảng 20% vào tháng 2 và 40% vào tháng 3. Trong khi đó, tỷ lệ các ca bệnh nhiễm các dòng của biến thể B.1.617 tăng từ mức dưới 5% trong tháng 1 năm nay lên khoảng 10% vào tháng 3 trước khi vượt tỷ lệ các ca nhiễm biến thể Alpha và tăng vọt lên khoảng 60% trong tổng số các mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính.

* Tại Australia, nhà chức trách bang Victoria đã đưa ra cảnh báo sau khi phát hiện dòng biến thể Delta trong đợt bùng phát dịch mới nhất tại đây, song vẫn chưa xác định được nguồn lây biến thể này.

Dòng biến thể Delta được phát hiện ở 2 thành viên trong một gia đình 4 người tại Tây Melbourne. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn đang nghiên cứu cách thức các ca bệnh trên lây nhiễm biến thể này, do những ca bệnh khác đều nhiễm dòng biến thể Kappa (B.1.617.1).

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu cơ quan y tế bang Victoria, ông Brett Sutton, nhấn mạnh biến thể Delta vô cùng đáng quan ngại khi có khả năng lây lan cao. Cho đến nay, biến thể này không có mối liên hệ với bất kỳ chuỗi ca bệnh nào trên toàn Australia. Hiện giới chức y tế Victoria đang phối hợp với các cộng nghiệp tại bang New South Wales và chính quyền liên bang để truy vết và xác định nguồn lây.

Trang Nhung - Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/campuchia-co-them-886-ca-mac-covid19-trong-24-gio-qua-20210604164016163.htm