Campuchia định xây hồ trữ cá, bẻ nhánh sông Mekong

Cá sẽ 'di cư' vào các hồ chứa nước bậc thang dọc con sông Mekong mà Campuchia xây dựng, không đổ ra nước ngoài.

KhmerTimes mới đây dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cho biết, Bộ này vừa thành lập một nhóm chuyên gia kỹ thuật thực hiện một dự án nhằm giảm nguồn cá đổ hết về hạ nguồn sông Mekong và ra nước ngoài.

Campuchia tìm cách ngăn cá đổ sang nước láng giềng. Ảnh minh họa

Nhóm công tác kỹ thuật gồm 10 người đã được thành lập vào đầu tháng 11 nhưng chỉ được công bố vào tuần trước. Công tác chính của nhóm này là tạo ra một "hành lang di cư" cho nguồn cá trên Sông Mekong được giữ lại lãnh thổ Campuchia mà không xuôi dòng đổ sang nước khác.

Thứ trưởng này Bộ Khun Savoeun hôm 26/11 cho biết, bằng cách xây dựng hệ thống hồ chứa nước bậc thang, bộ này hy vọng cá có thể bơi ngược lên khu vực cao của một con đập.

Dự án cũng nhằm mục tiêu ổn định quần thể cá của Campuchia.

"Nếu chúng tôi có thể cung cấp hành lang tốt hơn cho nguồn cá, thì cũng có thể kích thích sinh sản. Chúng ta sẽ có lượn cá lớn đáp ứng nhu cầu của người dân, gồm cả những loài quý hiếm nữa" - ông Savoeun nhấn mạnh.

Dẫu đã đưa ra ý tưởng, nhóm làm việc hiện vẫn chưa quyết định việc tạo hành lang, xây hồ chứa cho cá trên sông Mekong sẽ được thực hiện ở đâu và tốn kém thế nào.

Ông Savoeun cho biết, nhóm đang có kế hoạch tổ chức cuộc họp vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới để thảo luận xây dựng đánh giá tác động của ý tưởng và ưu, nhược điểm của việc tạo ra hành lang cho cá này.

“Dự án của chúng tôi sẽ được thực hiện tại các địa điểm có đập. Chúng sẽ cần phải được xây dựng tại một nhánh sông nhưng quan trọng nhất là xác định được khu vực nào nên được chọn. Chúng tôi cần phải nghiên cứu đánh giá tác động tiềm năng và một số lợi ích của việc di cư nguồn cá" - ông Savoeun cho biết thêm.

Loung Sothorn, chủ một trại sản xuất cá giống ở tỉnh Kampong Cham ủn hộ việc trữ nguồn cá nhưng không tin dự án này sẽ giúp ngăn nguồn cá đổ về hạ lưu.

"Tôi nghĩ mục tiêu của biện pháp đó là tốt nhưng có thể không hoàn toàn ngăn được sự di chuyển của nguồn cá đổ về hạ lưu. Chưa kể, chúng sẽ gây lũ lụt và làm tăng mực nước sông" - bà Sothorn nói.

Thay vào đó, bà Sothorn cho rằng, có thể xây một con đập hoặc một số loại lưới đa năng nào đó để ngăn chặn việc cá tiếp tục theo dòng nước đổ sang nước láng giềng.

Bà cũng lưu ý số lượng cá trên sông Mekong năm nay đã nhiều hơn các năm trước nhờ nỗ lực của chính phủ.

Tờ The Phnom Penh Post hồi tháng 3/2017 dẫn một loạt báo cáo của Tổ chức WorldFish có trụ sở ở Malaysia nhấn mạnh rằng đánh bắt thủy sản có vai trò sống còn đối với rất nhiều người dân Campuchia. Khoảng 3 triệu người dân hiện sống nhờ vào hồ Tonle Sap và nhiều người theo nghề này để vừa kiếm bữa ăn cho gia đình vừa làm sinh kế.

Trong khi đó, khảo sát của WorldFish cũng cho thấy 81% người dân được hỏi cho biết sản lượng đánh bắt đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Theo WorldFish, nguyên nhân là các dự án đập lớn làm thay đổi hệ sinh thái.

Tại một diễn đàn về sông Mekong năm 2015, TS Ian Cowx thuộc Viện Thủy sản quốc tế của Đại học Hull (Anh) từng cảnh báo về tác động của đập thủy điện đối với sự di cư của cá. Theo đó, trứng cá và cá con sẽ không thể trôi xuống hạ nguồn do bị kẹt bên trong hồ chứa của các con đập.

Đập Hạ Sesan 2 ở Campuchia khi còn trong quá trình xây dựng. Đập này hiện đã vận hành - Ảnh: GUARDIAN

Tác động của bậc thang thủy điện trên dòng chính có thể gây sụt giảm tổng sản lượng đánh bắt tự nhiên tới 50% cho cả Việt Nam và Campuchia.

Các đập trên dòng nhánh sẽ làm gia tăng thêm tổn thất về sản lượng đánh bắt cá và số lượng cá trong vùng.

Điều này sẽ gây tác động bất lợi tới an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội và kinh tế của phần lớn người dân sống trong vùng đồng bằng ngập lũ của Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam đang phụ thuộc, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào nghề cá và các nghề có liên quan.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/campuchia-dinh-xay-ho-tru-ca-be-nhanh-song-mekong-3369997/