Campuchia, Lào và Myanmar sẽ tăng trưởng nhanh nhất châu Á?

Theo World Bank, các nền kinh tế nhỏ nhất ở châu Á đang tăng trưởng nhanh hơn nước láng giềng to lớn là Trung Quốc. Cụ thể, Campuchia, Lào và Myanmar chuẩn bị công bố mức tăng trưởng gần 7%.

Campuchia, Lào và Myanmar sẽ cho thấy mức tăng trưởng nhanh nhất châu Á sau Ấn Độ trong giai đoạn 2017-2019 nhờ việc duy trì tốc độ tăng trưởng gần 7%, theo các báo cáo được công bố trong tuần này. Nằm trong số các nước phát triển kém nhất, tổng quy mô của 3 nền kinh tế này chưa tới 100 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 của các nước láng giềng như Singapore, Malaysia và Philippines.

Tọa lạc ở khu vực sông Mekong, các quốc gia với nền kinh tế sơ khai ở khu vực Đông Nam Á đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế khi các nước này tìm cách từ bỏ hình ảnh là nước nghèo của khu vực.

Việt Nam - vốn đang chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp là chính sang nền kinh tế xuất khẩu hàng điện tử như điện thoại thông minh - thì vẫn trụ vững với vai trò hình mẫu, ông Eugenia Victorino, Chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Australia & New Zealand Banking ở Singapore, cho biết.

Ông Victorina cho biết thêm: “Triển vọng chuyển đổi vùng kinh tế Mekong thành trung tâm sản xuất có rất nhiều tiềm năng”. “Việt Nam cung cấp mẫu hình về tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu. Myanmar, Lào và Campuchia cố gắng làm theo mô hình thu hút vốn FDI của Việt Nam để vực dậy năng lực xuất khẩu của họ”.

Họ cũng kỳ vọng vào việc Trung Quốc đang đầu tư mọi thứ từ hệ thống đường sắt cho tới bất động sản ở ba quốc gia này.

Sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội, Myanmar đang tự do hóa nền kinh tế và áp dụng cải cách thị trường sau một quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này và đang xây dựng 1 đặc khu kinh tế, nhà máy điện và cảng biển nước sâu trên bờ biển phía Tây.

Tại Lào, hệ thống đường sắt bắt đầu từ Trung Quốc qua miền Bắc nước Lào với giá trị đầu tư 5.7 tỷ USD bị trì hoãn dài hạn trước đó đã khởi động lại vào tháng 12/2016, theo Tạp chí Xây dựng Toàn cầu. Campuchia trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách di dời nhà máy, điều này có thể buộc Trung Quốc phải điều chỉnh chiến lược "xuất khẩu năng lực sản xuất công nghiệp" thông qua các sáng kiến như chương trình “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc./.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/campuchia-lao-va-myanmar-se-tang-truong-nhanh-nhat-chau-a--20170119035912887p145c151.news