Campuchia: Phát hiện thành phố cổ đại của Đế chế Khmer

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng phương pháp quét laser trên không và khảo sát trên mặt đất để lập bản đồ thành phố cổ Mahendraparvata.

Các nhà khảo cổ học đưa ra giả thuyết về cao nguyên Kulen ở phía Bắc Siem Riep

Các nhà khảo cổ học đưa ra giả thuyết về cao nguyên Kulen ở phía Bắc Siem Riep

Mahendraparvata - “Thành phố bị thất lạc”

Đế chế Khmer là một nhà nước uy quyền ở Đông Nam Á, được người Khmer thành lập vào giai đoạn từ năm 802 – 1431 sau công nguyên. Ở thời kỳ đỉnh cao, Đế chế này trải dài cả một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Nam Á trước khi biến mất.

Vào thế kỷ thứ 7, người Khmer định cư dọc theo bờ Mekong, trải rộng trên một vùng nằm giữa con sông này với phía Tây của Hồ Tonle Sap rộng lớn. Mekong là con sông có chiều dài đứng thứ 7 thế giới.

Vùng lãnh thổ này chịu ảnh hưởng lớn nhất của đạo Hindu rồi đến Phật giáo, đây là hai tín ngưỡng quan trọng với cư dân bản địa. Tại Campuchia còn có sự pha trộn giữa những người theo thuyết duy linh và người thờ cúng theo truyền thống bản địa. Những thành phố quan trọng thời bấy giờ là: Angkor Borei, Sambor Prei Kuk, Banteay Prei Nokor and Wat Phu.

Theo CNN, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tiến hành một dự án kéo dài nhiều năm. Họ sử dụng máy quét laser từ trên cao và dưới mặt đất để tìm và vẽ bản đồ của thành phố Mahendraparvata, núi Indra (nghĩa là vua của các vị thần) và kinh thành vua Devaraja, một người sùng bái và theo Phật giáo. Chính ông là người cho xây kinh thành Angkor Thom với đền Bayon nổi tiếng là một kiến trúc tuyệt mỹ về kiến trúc và điêu khắc.

Qua nhiều thập kỷ không được tìm ra, Mahendraparvata đã được mệnh danh là “thành phố bị thất lạc”. Giờ đây, các nhà khoa học nói rằng họ đã xác định chắc chắn vị trí của thành phố này.

Mahendraparvata là một trong những thủ phủ đầu tiên của Đế chế Khmer trong suốt giai đoạn từ thế kỷ 9 đến 15 sau Công nguyên. Tuy nhiên, hầu hết những thông tin chúng ta biết về nơi đây là từ những nguồn tư liệu khác.

Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, thành phố này nằm trên cao nguyên Phnom Kulen, cách Siem Riep khoảng 48 km về phía bắc, tuy nhiên họ vẫn chưa tìm ra được bằng chứng. Cao nguyên này là một vùng heo hút khó tiếp cận, được cây cối phủ kín. Sau đó, vào những năm 1970 cho đến năm 1990, nơi đây bị tàn quân Khmer cài mìn trên diện rộng.

Chìm trong bức màn bí mật qua nhiều thập kỷ, Mahendraparvata đã được đặt tên là “thành phố mất tích”. Hiện các nhà khoa học cho biết, họ chắc chắn xác định được chi tiết hình hài của thành phố này.

“Chúng tôi chính thức xác nhận giả thuyết dựa trên việc thu thập chứng cứ và công bố rằng, Mahendraparvata là thủ đô của đế chế Khmer giai đoạn từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 9 sau Công nguyên. Thành phố nằm trên vùng núi Khmer Kulen” - thông tin được đăng trên tạp chí Antiquity.

Cũng theo Antiquity, các nhà nghiên cứu sử dụng máy quét laser từ trên không, nhờ đó họ có khả năng quan sát xuyên thấu đặc biệt qua các rừng cây rậm rạp và cho ra những hình ảnh phân giải cao của nền rừng nơi đây.

Các nhà khoa học phải lập bản đồ khu vực trong hai giai đoạn, lần đầu tiên vào năm 2012, bao gồm khoảng 37 km2 và một lần nữa vào năm 2015, bao phủ toàn bộ dãy núi, diện tích 975 km2.

Kết quả của bản đồ trên không, cùng với thông tin được thu thập bởi các cuộc điều tra hiện trường, sau đó đã được sử dụng để tạo ra một bản đồ cho thấy các đường dẫn chính và trục tọa độ mới được phát hiện.

Bản đồ mô tả chi tiết vị trí của các đặc điểm như một hồ chứa chưa hoàn thành, một số con đập, tường bao quanh của các ngôi đền và thậm chí là một cung điện.

Điều đó cho thấy thành phố tồn tại không được lâu bởi tự thân nó không thể có được hệ thống thủy lợi cho nền nông nghiệp của vương quốc này.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng thủ đô của đế chế Khmer sau đó đã được chuyển đến Angkor Wat. Dường như nơi đây có điều kiện tốt hơn để chống chịu các đợt lụt lội và bảo đảm các vụ thu hoạch lúa được hiệu quả.

“Chúng tôi đã xác định được vị trí cung điện nhà vua của thành phố này, một nền công trình đồ sộ và phức hợp với các con đê đắp bằng sành nằm ở vị trí trung tâm kết nối với các khu vực còn lại. Các nghiên cứu khảo cổ của chúng tôi đã xác định được khu vực này có niên đại xây dựng từ thế kỷ 8 - 9. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng tại khu vực núi Kulen đã tồn tại một thủ đô” - Jean-Baptiste Chevance, một nhà khảo cổ thuộc Hội khảo cổ và Quỹ phát triển Vương quốc Anh nói.

Ông là người cùng một nhóm thực hiện cuộc khảo cổ vào năm 2000 ở khu vực núi Kulen và phát hiện tại đây có khu thờ với các đền hình tháp (những tháp này là phần chủ yếu làm nên công trình ở thủ đô của người Khmer), ngoài ra họ cũng tìm được một số mẫu gạch xây đền và các nhà ở bằng đá.

Những đường trục vẽ trên thành phố Mahendraparvata

Đế quốc Khmer và khu vực Angkor

Những phát hiện mới nói trên đã mở toang cánh cửa cho việc nghiên cứu về Đế chế Khmer và vùng Angkor. Được biết Đế chế Angkor (832 - 1432 sau Công nguyên), đầu thế kỷ thứ 9, nhân khi vương triều Sailendra suy yếu, một người trong hoàng tộc Chân Lạp (Vương quốc do người Khmer sáng lập) bị bắt làm tù binh đã trốn về nước, tập hợp lực lượng đấu tranh để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Sailendra và thống nhất lại Campuchia, khởi đầu một đế chế hùng mạnh ở Đông Nam Á - đế quốc Khmer (802 - 1434). Ông lên ngôi vua, lấy hiệu là Jayavarman II.

Jayavarman II đã dành nhiều tâm huyết tìm kiếm địa điểm mới để đặt kinh đô. Trong thời của ông, vương quốc đã dời đô nhiều lần, từ Indrapura cho tới Hariharalaya và Mahendrapura ở núi Kulen rồi cuối cùng là quay trở lại Hariharayala.

Thời kỳ Jayavarman II tại vị, sự sùng bái thần Shiva có khuynh hướng biến thành sự sùng bái nhà vua (Devaraja). Do đó mà ông cũng được tôn sùng như một vị thần. Khi ông qua đời năm 854, người ta đã phong tặng cho ông danh hiệu Paramesvara tức “Chúa tể”.

Cháu của Jayavarman II là Yasovarman I cai trị từ 889 - 900 tiếp tục dời đô thêm 50 km, tại một nơi mà ông gọi là Yasohadrapura tức là Angkor. Đây là biến âm từ chữ Phạn Nagara, tức “Quốc đô”. Đế quốc Khmer vì thế còn được gọi là vương quốc Angkor, đế quốc Angkor. Một trong những phát hiện nổi bật là thành phố này được xây trên các đường trục trùng hợp với 4 hướng chính giống như một phiên bản đầu tiên của các thành phố hiện đại ngày nay.

Trước thời kỳ trên, con người đã định cư ở vùng này nhưng họ chưa có được đường phân định chính thức các khu vực địa lý cũng như biên giới quốc gia, vì vậy đây là lần đầu tiên trong thế giới của người Khmer thành phố Mahendraparvata là địa danh được vẽ được đường ranh giới địa chính đầu tiên.

Nghiên cứu khoa học còn cho biết thêm: “Công việc này đã vẽ ra một cách hữu hiệu bản đồ khảo cổ 150 năm của vùng Angkor rộng lớn và thiết lập hình mẫu về một giai đoạn phức tạp xuyên thời gian và không gian của một đơn vị địa giới thành phố”.

Tháng 6/2016, Damian Evan là một trong số 5 người của nhóm nghiên cứu đã nói với tờ New Scientist rằng họ có chi tiết mô hình của thành phố Mahendraparvata thông qua các cuộc khảo sát tìm kiếm không biết mệt mỏi tại khu vực phức tạp của Đền Angkor Wat.

Ông nói rằng trong thời gian đó họ đã hiểu thêm ra nền văn hóa của người Khmer và nhóm đã nỗ lực tìm hiểu những vấn đề được coi là truyền thống trong thế kỷ 15, giai đoạn suy thoái của Đế chế Khmer.

Học giả Evan đã nhận xét trên tờ New Scientist rằng “thành phố này có thể không tồn tại cả thế kỷ nhưng các chỉ dấu văn hóa và tôn giáo của nó thì vẫn trường tồn cho đến tận ngày nay”.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã tổng kết rằng nền văn minh Khmer cổ bị sụp đổ vào thế kỷ 15 khi quân đội Thái Lan đánh bại Angkor Wat, buộc cư dân ở đây phải di tản đến miền Nam Campuchia để sinh sống.

Angkor Wat được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đó là một trong những kỳ quan vĩ đại của nhân loại. Angkor Wat được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 11, giai đoạn này vua Suryavarman II trị vì ở Campuchia, thời kỳ đỉnh cao về quyền uy chính trị, quân đội, có nền kiến trúc tuyệt mỹ của các thành phố thời tiền công nghiệp trên thế giới.

Giáo sư Charles Higham, tại Trường Đại học Otago (New Zealand), người dẫn đầu nhóm khảo cổ các lục địa ở Đông Nam Á nói rằng: “Cá nhân tôi thấy điều này tuyệt vời , về tình cảm thông tin này làm tôi sửng sốt. Về lý trí thì nó kích thích tôi khá mạnh. Tôi thấy trước mắt như có một luồng ánh sáng mạnh, soi vào bức màn tối bấy lâu vốn che phủ lên một vùng có lịch sử và kiến trúc tuyệt vời”.

Còn với Giáo sư David Chandler, Trường Đại học Monash, Melbourn (Australia), một chuyên gia về lịch sử Campuchia và là tác giả của một số sách và bài viết về chủ đề này cho rằng, phát hiện đã làm ông xúc động xen lẫn hồi hộp, và người bạn người đồng nghiệp Evans đã “viết lại lịch sử”. GS Chandler tin rằng khám phá đặc biệt này sẽ mở ra hàng loạt triển vọng giúp con người hiểu nhiều hơn về nền văn minh Angkor Wat, nó đã phát triển rực rỡ rồi lụi tàn như thế nào.

Tuy nhiên một trong những đặc điểm còn bí ẩn nhất ở cao nguyên Kulen đó là hàng trăm các mô đá nằm đứt đoạn, mỗi cái có chiều cao khoảng 3,5m nằm xếp thành các họa tiết hình học. Những họa tiết này vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu. Đã có người nghĩ rằng chúng được xây dựng sau khi thành phố Mahendraparvata được hình thành.

Khu vực đền mới được phát hiện trong rừng tại Phnom Kulen, Campuchia

Phát hiện thành phố trong khu vực núi Kulen, Campuchia

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/campuchia-phat-hien-thanh-pho-co-dai-cua-de-che-khmer-4044858-b.html