Cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế

Một trong những nhiệm vụ được nhấn mạnh trong việc thực hiện Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội năm 2019 chính là cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Theo Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2019, UBND TP Hà Nội đã đưa ra giải pháp về quản trị môi trường, trong đó nêu rõ: Nhiệm vụ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2025 Hà Nội trở thành TP đi đầu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thực hiện thành công các chỉ tiêu tăng trưởng xanh của TP và của quốc gia.

Xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư, nhà sản xuất, DN ứng dụng, áp dụng, triển khai thực hiện tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường như: Dán nhãn sinh thái cho sản phẩm; ưu tiên mua các sản phẩm có dán nhãn sinh thái khi thực hiện mua sắm công; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; chiếu sáng công cộng; sử dụng trang thiết bị năng lượng có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu...

Cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của Hà Nội.

Cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của Hà Nội.

Xây dựng kế hoạch hành động để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian tới, chống ồn, bụi trên địa bàn TP với các mục tiêu: Ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững. Lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí, đến năm 2020 có tổng số 80 trạm quan trắc đánh giá tổng thể chất lượng không khí trên địa bàn TP. Hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh bụi, phát tán bụi...

Đồng thời, triển khai Dự án trọng điểm xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày đêm; khôi phục các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài các loại cống khoảng trên 52km.

Giao Cty Thoát nước Hà Nội xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan như Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Cảnh sát môi trường, chính quyền các quận, huyện, phường, xã để khảo sát, kiểm tra công tác sản xuất-kinh doanh-dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nước thải, nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới tiên tiến để xử lý nước mặt hồ nội thành bằng chế phẩm Redoxy 3C, bổ cập nước sông hồ như hồ Tây, sông Tô Lịch... để từng bước giảm ô nhiễm, hạn chế úng ngập cho Hà Nội; áp dụng thí điểm thiết bị tách dầu, mỡ, xử lý chất thải tại nguồn xả thải.

Cũng tại Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2019, UBND TP đã nêu một số nội dung cụ thể nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch CCHC năm 2019 của TP, phấn đấu Chỉ số PAPI của TP năm 2019 tiếp tục tăng bậc so với năm 2018, bao gồm: Tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại địa bàn dân cư; Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch đối với các nội dung quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của UBND cấp xã, UBND cấp huyện; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công…

Theo đó, để tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại địa bàn dân cư, UBND các xã, phường, thị trấn cần làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân các chính sách của Nhà nước, quy định của TP, địa phương về quyền và lợi ích mật thiết đối với người dân; các quy định về trách nhiệm công khai của chính quyền, các nội dung người dân được quyền bàn bạc, tham gia ý kiến, quyết định, giám sát và các quy định của pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân…

Về nội dung nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của UBND cấp xã/phường/thị trấn và UBND cấp huyện, Kế hoạch chỉ rõ: UBND cấp huyện, UBND cấp xã/phường/thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp công dân, bố trí đầy đủ người đúng chức trách, đủ thẩm quyền tiếp công dân; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo lịch trực tiếp công dân định kỳ theo quy định; rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức tiếp dân, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân theo thẩm quyền; thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn đối với các nội dung phải giải trình với người dân theo quy định…

Về nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, UBND TP nêu rõ: Tuyên truyền, phổ biến các VB QPPL, các văn bản có liên quan về PCTN bằng nhiều hình thức để người dân biết, thực hiện giám sát. Công khai báo cáo kết quả PCTN hàng năm.

Thực hiện công khai kết quả các chỉ số đánh giá, xếp hạng trong nội bộ TP (Chỉ số CCHC, Chỉ số phòng chống tham nhũng, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền, Chỉ số đánh giá năng lực điều hành...). Công khai cụ thể kết quả công tác PCTN, các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của TP.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-bang-giua-bao-ve-moi-truong-va-phat-trien-kinh-te-146714.html