CÂN BẰNG GIỮA CÁC KHÍA CẠNH MÔI TRƯỜNG, KINH TẾ VÀ VĂN HÓA XÃ HỘI TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 là môt trong những vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường trong phát triển du lịch.

Tổng thuật chiều 10/8: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp thứ 14, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng xoay quanh nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một trong số những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước là việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến việc phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu Covid không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chú trọng hơn nữa đến việc phát triển du lịch bền vững. Theo đó, sau 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Về vấn đề phát triển du lịch bền vững, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh, du lịch là một trong những ngành lớn nhất, không ngừng phát triển và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Du lịch bền vững tìm cách duy trì số lượng, chất lượng và năng suất của cả hệ thống tài nguyên thiên nhiên và con người theo thời gian, đồng thời tôn trọng và thích ứng với các động lực của hệ thống đó.

Bàn về khái niệm du lịch bền vững, các chuyên gia từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc cho rằng, du lịch bền vững là du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai. Mục tiêu là duy trì các lợi thế kinh tế và xã hội khi phát triển du lịch đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động không mong muốn nào đến môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa xã hội tại địa bàn liên quan. Nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, du lịch bền vững cung cấp các động lực kinh tế quan trọng để bảo vệ môi trường sống. Nguồn thu từ du khách thường được chuyển trở lại các chương trình bảo tồn thiên nhiên hoặc nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương để quản lý các khu bảo tồn…

Qua khảo sát các địa điểm du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia rất có lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có 6 vườn di sản ASEAN còn giữ gần như nguyên vẹn về hệ sinh thái, đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Đặc biệt là tài nguyên 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp và là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới l (Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang).

Thực tế triển khai tại các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tận dụng được những lợi thế, tiềm năng sẵn có của mình để phát triển du lịch bền vững. Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều lễ hội văn hóa, giải trí, hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong những năm qua, nhiều tuyến đường hiện đại, kết nối sân bay, các tuyến quốc lộ, các điểm du lịch đã được địa phương đầu tư nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Ngoài ra, để du lịch ngày càng phát triển, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử...

Với những lợi thế sẵn có về bờ biển, du lịch biển là một trong những thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Theo ông Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đánh giá, sản phẩm du lịch biển của Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để vươn lên trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị thế cạnh tranh cao so với các điểm đến trong nước và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều này, sản phẩm du lịch biển xứ Thanh cần được nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để đẩy mặt bằng giá dịch vụ và tăng khả năng chi tiêu của du khách, đặc biệt là hướng tới dòng khách MICE, khách quốc tế có khả năng chi trả cao.

Với trường hợp thành phố Hải Phòng, nhiều chuyên gia cho rằng dư địa phát triển du lịch của thành phố này là rất lớn. Những năm gần đây, Hải Phòng đã tập trung triển khai các dự án phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng, kết nối các địa phương lân cận, như: tuyến đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện; nâng cấp đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi kết nối với các trung tâm du lịch của cả nước; đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường ven biển Cát Bà.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc

Quan tâm tới vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên thành phố này cần phải giải quyết những hạn chế như: tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách; vấn đề môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa; tình trạng quá tải điểm đến đã diễn ra gây bức xúc cho khách du lịch; các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị... còn thiếu chưa đáp ứng điều kiện tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.

Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế, bao gồm: du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đang tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao), du lịch biển, du lịch du thuyền trên sông, du lịch vui chơi giải trí, du lịch giáo dục…

Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín quốc tế, đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, điểm đến hiếu khách nhất và điểm đến được yêu thích nhất. Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình cũng tồn tại bất cập về trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67392