Cân bằng hay'vẹn cả đôi đường'

'Vẹn cả đôi đường' - đây rất có thể là 'cái bẫy' lớn nhất đối với phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng...

Phụ nữ khi đã tham gia công việc kinh doanh vốn sẽ luôn đứng trước thách thức phải cân bằng gia đình - sự nghiệp. Việc kêu gọi phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” liệu có chất thêm gánh nặng cho phụ nữ? Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng lời kêu gọi này thiếu công bằng, lỗi thời. Cá nhân tôi đồng tình với bà, đó là áp lực nặng nề từ xã hội và từ chính tiềm thức của người phụ nữ.

Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng ” năm 2017 do VCCI trao tặng tôn vinh các nữ doanh nhân là lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, đóng góp cho kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người lao động.

Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng ” năm 2017 do VCCI trao tặng tôn vinh các nữ doanh nhân là lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, đóng góp cho kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người lao động.

Phá vỡ những chiếc “mác” vô hình

Những tưởng cái thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã đi qua, sự lạc hậu, cổ hủ đã lùi vào dĩ vãng thì phụ nữ sẽ có thể tự do, thoát khỏi cái khuôn mẫu của “công dung ngôn hạnh” – sợi dây vô hình trói buộc nhưng kỳ thực, định kiến với phụ nữ vẫn còn là điều phổ biến trong xã hội hiện đại.

Từ cái vết hằn ăn sâu trong suy nghĩ của mọi người ngay từ khi con nhỏ, phụ nữ bị ràng buộc trong những quy chuẩn của xã hội, gia đình - đâu đó đã trở thành luật bất thành văn mà dần dần chính bản thân người phụ nữ cũng tự nghi hoặc bản thân: Hay là mình chỉ làm được tới vậy?

Bà Mai Kiều Liên hai lần lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes Asia.

Định kiến với phụ nữ chẳng trừ một chỗ nào cả, trong thể thao, người ta nói phụ nữ đá bóng làm sao được, trong kinh doanh phụ nữ nắm doanh nghiệp thì bị nói là không ai phục, rồi phụ nữ trên chính trường, làm sao mà thành công? Dẫu có phát triển như nào, người ta vẫn thấy dấu chân của định kiến ở khắp nơi, may ra chỉ trừ góc bếp...

Nhưng hãy cứ thử nhìn mà xem, bóng đá nữ nước nhà thế nào? Những “bông hồng vàng” của Việt Nam đang khẳng định vị trí không chỉ trong nước và quốc tế ra sao?

Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Theo nghiên cứu mới nhất năm 2019 về “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton Quốc Tế thực hiện, tỷ lệ các doanh nghiệp trên toàn cầu có ít nhất một phụ nữ tham gia đội ngũ lãnh đạo đạt mức 87%. Việt Nam với 36% có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai Châu Á.

Hiện nay các cơ hội kinh doanh cho các khởi nghiệp và doanh nghiệp là nữ giới đang tốt hơn bao giờ hết, kể cả trong những ngành thiên về nam giới như khoa học công nghệ, hiện vẫn còn những định kiến về vai trò của người lãnh đạo nữ.

Phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ, giỏi giang, ghi dấu ấn từ thời Bà Trưng, Bà Triệu và thực tế chỉ cần được tạo cơ hội phụ nữ cũng làm tốt như nam giới.

Đi chậm mà chắc

Xây dựng các mối quan hệ là một trong những kỹ năng xuất sắc của nữ giới, bạn có đồng ý không? Phụ nữ chúng ta sinh ra để làm điều đó, chúng ta quan tâm đến người khác gần như là bản năng. Nhưng các mối quan hệ với đối tác kinh doanh và tại công sở lại khác.

Lợi thế này thường thuộc về của nam giới do họ giao tiếp rộng, sẵn sàng tham gia các hoạt động thể thao, chính trị thậm chí là ở cả những bàn ăn nhậu.

Thế nhưng lợi thế của phụ nữ nằm ở tính kiên trì, bền bỉ để tạo được ra các mối quan hệ. Như với trường hợp của tôi bằng việc học cách cho đi và nhận lại, tôi đã đưa hoạt động của doanh nghiệp một cách mới mẻ và vững chãi. Chính các mối quan hệ song phương giúp tôi tạo nên sự thành công và thất bại.

Những năm đầu tiên, tôi tham gia xây dựng tổ chức nhưng lại chưa hề có kinh nghiệm điều hành, quả thật rất khó khăn. Chúng tôi thiếu nhân sự, không có quỹ dự phòng và không có kế hoạch cho các trường hợp bất ngờ.

Sau này nhìn lại, tôi nhận thấy rằng vấn đề cốt lõi không nằm ở mục tiêu quá tham vọng và điều ngăn trở trong vai trò lãnh đạo là – hoạt động kinh doanh của chúng tôi thiếu đi các mối quan hệ quan trọng với những người dày dạn kinh nghiệm trong ngành, những người có thể giúp công ty phát triển.

Chậm mà chắc, tôi cùng đồng nghiệp xây dựng các cầu nối, gặp gỡ với đối tác để thúc đẩy các dự án hợp tác. Để có 1 người đỡ đầu, bạn cần 5 mối quan hệ với những người có thể chỉ bảo bạn và để tìm ra 5 người từng trải đó bạn cần hơn 20 đồng minh chiến lược.

Những “bông hồng” đá bóng của Việt Nam đang khẳng định vị trí trên trường quốc tế.

Cuộc đời là một hành trình…

Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Facebook từng kêu gọi từng phụ nữ hãy vươn lên phát huy đầy đủ nhất khả năng của mình, dựa vào nội lực và giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân và từ đó lan tỏa ảnh hưởng.

Tôi tin tưởng chỉ cần được tạo cơ hội phụ nữ cũng làm tốt như nam giới. Cũng giống như Sheryl Sandberg, nữ giới tự tin khi khẳng định đang nỗ lực phấn đấu cho phát triển doanh nghiệp, cho cộng đồng vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta - cả nam và nữ.

Cuộc đời là một hành trình, trên hành trình ấy chúng ta không thể kiểm soát được hết những gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Mỗi ngả rẽ trong đời đều cất giấu những bí ẩn sâu thẳm, ở đó có cả niềm vui, sự đam mê, cũng có khi là nỗi buồn và sự chán nản…

Mỗi người chúng ta đều liên tục phải lựa chọn giữa công việc và gia đình, tập thể dục hay thư giãn, làm cha mẹ là liên tục phải thỏa hiệp và hy sinh mỗi ngày. Tôi vẫn muốn làm nhiều hơn cho con mình, do trách nhiệm công việc tôi đã từng đón con muộn hoặc lỡ buổi họp phụ huynh đầu năm, và vẫn phải đi công tác khi con ốm.

Thực tế thì nhiều nữ doanh nhân nói chung vẫn phải đánh đổi công việc và gia đình mỗi ngày, và tôi biết tôi may mắn hơn nhiều người khi có người chồng và gia đình luôn hỗ trợ bên cạnh để tôi có thể đảm đương được vai trò lãnh đạo.

Sharon Poczter, giáo sư kinh tế học tại Cornell giải thích, “cân bằng hay vẹn cả đôi đường” không tính gì đến mối quan hệ kinh tế - khái niệm đánh đổi. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự tối ưu hóa nguồn lực giới hạn trong cuộc sống - cố gắng tối đa hóa tính hữu dụng dựa trên các thước đo như nghề nghiệp, con cái, mối quan hệ,…, cố gắng phân chia thời gian có sao cho hợp lý nhất. Không ai có thể “vẹn cả đôi đường”….

Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty Hỗ Trợ Phát Triển Xanh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/can-bang-hay-ven-ca-doi-duong-169528.html