Cân bằng tâm thế trong gọi vốn khởi nghiệp

Trong mối quan hệ giữa các dự án khởi nghiệp với nhà đầu tư mà khởi đầu là từ các cuộc gọi vốn, nhà khởi nghiệp cần ý thức bảo vệ mình trước những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm.

Nhà khởi nghiệp cần ý thức bảo vệ mình trước những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm. Ảnh: Thành Hoa

Mới đây, tại một hội thảo về gọi vốn đầu tư khởi nghiệp, ông Robert Trần, CEO phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, đã lưu ý các nhà khởi nghiệp là trong khi tìm nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, họ cần ý thức về khả năng phải đối mặt với những nguy cơ, những rủi ro mà hậu quả có thể tới mức mất trắng doanh nghiệp.

Những rủi ro

Trong tâm thế cần vốn, các thành viên trẻ tuổi của các dự án khởi nghiệp (startup) dễ bị mất bình tĩnh trước những câu hỏi vặn vẹo của các nhà đầu tư mà quên rằng dự án của mình cũng là một nguồn sinh lợi cho họ. Theo ông Trần, khi tiếp cận với nhà đầu tư thiên thần, nhà khởi nghiệp có quyền trao đổi thẳng thắn về mức độ mạo hiểm của kế hoạch kinh doanh. Vì nếu đó là một dự án tiềm năng, việc rót vốn đầu tư, dù chỉ với số tiền nhỏ, cũng có khả năng đem lại khoản lợi lớn cho nhà đầu tư sau này. Và khi đã đồng ý rót vốn, cũng có nghĩa nhà đầu tư chịu chia sẻ rủi ro với người sáng lập. Ngược lại, nhà khởi nghiệp cũng cần tìm hiểu và cân nhắc chọn lựa nhà đầu tư phù hợp với công việc kinh doanh và định hướng chiến lược của mình.

Một trong những giới hạn của môi trường khởi nghiệp hiện nay là thiếu số liệu thống kê nên các startup khá lúng túng trong định giá dự án của mình khi gọi vốn. Nếu người sáng lập định giá quá cao và đòi số tiền đầu tư lớn thì rất có thể nhà đầu tư cũng đặt ra những mục tiêu rất khó đạt được, hoặc đòi đổi lấy số phần trăm cổ phần rất cao, để rồi khi việc kinh doanh gặp khó khăn, dự án có thể bị nhà đầu tư thâu tóm. Ông Trần cho biết đã có nhiều nhà khởi nghiệp ở Việt Nam mất trắng doanh nghiệp với cùng kịch bản này.

Thêm nữa, khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp trong các cuộc thi hay khi gọi vốn, startup phải đối mặt với nguy cơ bị lộ ý tưởng, hay mất sự độc quyền khai thác ý tưởng khi chưa đăng ký bảo hộ. Trao đổi với TBKTSG, luật sư Phạm Thị Thoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Aplolat Legal, cho biết nếu các startup chỉ có ý tưởng kinh doanh thì không thể bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ ngoại trừ việc bảo vệ nó dưới dạng bí mật kinh doanh. Startup muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho ý tưởng kinh doanh của mình thì phải hiện thực hóa ý tưởng đó. Trong quá trình này, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ sẽ hình thành. Còn ở giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu tạo ra sản phẩm thì đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có thể là bí mật kinh doanh, là sáng chế, là giải pháp hữu ích. Bước tới giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường thì xuất hiện tên thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp... của sản phẩm. Ngoài ra, trong suốt quá trình đó còn phát sinh các bản quyền về bản vẽ thiết kế, hình ảnh, tác phẩm âm nhạc... Như vậy, các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ phát sinh liên tục trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, startup phải nhận biết được các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đó để đưa ra phương án bảo vệ từng đối tượng theo quy định pháp luật; để thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ và cả các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

Còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác mà các dự án khởi nghiệp cần nhận ra để tránh, như nhà đầu tư có thể dùng việc kinh doanh của startup để rửa tiền, hay nhà đầu tư đã nhận lời đầu tư vào dự án nhưng lại “treo” vốn trong nhiều năm, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh của startup. Dưới sự quan sát của ông Robert Trần, một số quỹ đầu tư chỉ là đơn vị trung gian giữa người rót vốn (nhà đầu tư) và người nhận vốn (dự án khởi nghiệp). Và nhiều khi, hoạt động truyền thông của họ tung ra rất nhiều thông tin về sự đầu tư lên đến hàng triệu đô la (nhằm đánh bóng tên tuổi), nhưng trên thực tế, startup chưa nhận được đồng vốn nào. Cần lưu ý vòng đầu tư mạo hiểm thường chỉ dành cho các nhà đầu tư thiên thần, còn khi các quỹ đầu tư tham gia vào vòng này là họ đã đi sai chiến lược hoặc đơn giản là họ muốn lấy ý tưởng dự án.

Làm sao hiểu nhà đầu tư?

Cũng theo ông Trần, để tìm hiểu xem nhà đầu tư có phù hợp hay không, sự đầu tư của họ có thực sự mang lại lợi ích cho dự án của mình hay không, nhà khởi nghiệp cần tìm đến để gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư càng nhiều càng tốt. Việc gặp gỡ thường xuyên cũng là cách mà nhà khởi nghiệp tìm hiểu giá trị dự án của mình để có sự định giá chính xác hơn.

Ngoài ra, cũng nên xây dựng mối quan hệ rộng rãi trong giới kinh doanh để có thể nghe ngóng thông tin về các nhà đầu tư tiếp cận với dự án của mình. Mặt khác, nhà đầu tư chính là người chỉ ra những điểm cần hoàn thiện của dự án. Đây chính là cơ hội để các dự án học hỏi kinh nghiệm mà không... tốn phí! Do vậy, người sáng lập dự án nên dẹp bỏ “cái tôi” và lắng nghe những ý kiến khó nghe của nhà đầu tư mà đôi khi đó lại là chiêu thức để thử thách, đánh giá người khởi nghiệp.

Bảo vệ mình trước những hợp đồng

Theo ông Robert Trần, nếu nhà đầu tư đòi hỏi tỷ lệ phần trăm cổ phần cao để đổi lấy số vốn đầu tư vào dự án thì lời khuyên cho các startup là thay vì nhận tiền đầu tư thì nên vay phần vốn mình cần và sẽ trả lại ở giai đoạn sau của dự án; tuyệt đối không nên giao kèo chuyển đổi nợ sang cổ phần, vì nếu việc kinh doanh không sinh lãi sẽ mất quyền tự chủ công ty mình đã tạo dựng ra. Những bàn bạc giữa nhà đầu tư và startup cuối cùng phải được đưa vào hợp đồng thỏa thuận và không thể quên nói rõ là đầu tư có thể không sinh lợi theo tình hình kinh doanh thực tế.

Luật sư Thoa thì khuyên các dự án nên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước khi đi thi hay gặp gỡ nhà đầu tư. Khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do các công ty khởi xướng, startup cần nhận biết rõ việc triển khai dự án sẽ được thực hiện như thế nào, tránh vì quá hào hứng thi tài mà quên để ý các điều khoản ban đầu, đến khi triển khai trong thực tế thì bị hụt hẫng do dự án được thực hiện hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của mình. Ví dụ, các công ty tổ chức thi sẽ xem các dự án thắng giải nằm trong quyền khai thác sử dụng của công ty và chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc dài hạn với các startup. Khi dự án đã hoàn thành xong hay hợp đồng lao động hết thời hạn thì các công ty này không có nghĩa vụ gì khác với startup. Do vậy, startup hoàn toàn có thể thương thuyết trước với ban tổ chức cuộc thi về vị trí của mình trong dự án: là cổ đông hay đối tác góp vốn bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, các tài sản sở hữu trí tuệ khác, và xác định phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu của mình trong dự án.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280603/can-bang-tam-the-trong-goi-von-khoi-nghiep-.html