Cần bảo đảm tính thống nhất, hợp lý của hoạt động quy hoạch

Chiều 24/10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến quy hoạch.

Trước đó, sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Việc ban hành Dự án Luật này được lý giải để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Theo đó, Dự Luật này sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch, liên quan đến nhiều lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ...

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật này để đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, nhằm tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.

Các ĐBQH đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ số 1

Thảo luận tại tổ 1 - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ĐB Hoàng Văn Cường cho biết: "Giữa báo cáo và tờ trình của Chính phủ với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có những điểm chưa thống nhất. Trong tờ trình của Chính phủ, phần lớn các quy hoạch của các ngành có xu hướng thay đổi, điều chỉnh nội dung. Trong khi báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số quy hoạch mang tính chất ngành cần lược bỏ hoặc giữ lại, trong đó, số quy hoạch cần lược bỏ nhiều hơn. ĐB đồng tình rằng, những quy hoạch mang tính quy hoạch sản phẩm thì bỏ đi. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất để quản lý nhà nước. Do đó, những nội dung, đối tượng nhà nước còn cần quản lý thì phải giữ lại".

Cũng theo ĐB Hoàng Văn Cường, liên quan đến vấn đề quy hoạch đất đai, trong tờ trình của Chính phủ vẫn còn phương án quy hoạch đất đai tỉnh, lồng trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy hoạch này.

"Chúng ta phải hiểu rằng, quy hoạch thực chất là phân bổ các nguồn lực sao cho hợp lý, hiệu quả. Nếu có cách phân bổ khác nhau, hiệu quả đất đai sẽ khác nhau, nên nguồn lực đất đai không thể không có quy hoạch", ĐB Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐB Cường cũng bày tỏ quan điểm, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy hoạch đất trồng lúa, vì không phù hợp. Nhưng thực tế, lúa là tài nguyên của nhân loại vì diện tích trồng lúa trên thế giới không nhiều. Một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam càng không thể bỏ quy hoạch đất trồng lúa.

Bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về Dự án sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến Luật Quy hoạch, từ quan điểm xây dựng luật cho đến bố cục, nội dung cơ bản của luật, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Doãn Anh (Hà Nội) nhấn mạnh việc phải lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật liên quan sửa đổi, bổ sung phù hợp với luật gốc. Mặt khác, tránh lợi dụng kẽ hở để điều chỉnh luật, tạo lợi ích nhóm.

Về việc sửa 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch, ĐB Nguyễn Doãn Anh đặt câu hỏi: “Không biết có nước nào sửa luật như chúng ta hay không? Tôi đồng ý là chúng ta đang trong quá trình phát triển, thì cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế, sửa đổi luật có liên quan đến Luật Quy hoạch là hết sức hữu quan. Tuy nhiên, sửa 37 luật liên quan đến 1 luật là quá nhiều và gây khó khăn khi triển khai thực hiện”.

Tại phiên thảo luận tại tổ số 3 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, TP.Cần Thơ và Trà Vinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ quan điểm của một số nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, khi có Luật Quy hoạch thì một số bộ, ngành rất sợ mất quy hoạch của ngành mình nên đấu tranh là bên cạnh quy hoạch chung phải có quy hoạch chuyên ngành.

Song, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tích hợp các loại quy hoạch là khả thi, bởi việc tích hợp quy hoạch sẽ tránh được việc quy hoạch này đá quy hoạch kia, tránh được những trường hợp như đào đường rồi lấp, lấp rồi lại đào…

Mục đích chính khi Luật Quy hoạch ra đời là nhằm giải quyết bất cập, chồng chéo, trùng lắp của nhiều loại quy hoạch lẻ tẻ. Nếu không tích hợp, sẽ gây lãng phí nguồn lực và thời gian. Hơn nữa, việc lập quy hoạch xây dựng riêng lẻ với các ngành khác sẽ làm chất lượng quy hoạch chung không đảm bảo.

Ở Việt Nam hiện nay, quy hoạch thất bại trong giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng, tất cả đều từ quy hoạch mà ra. Nguyên nhân chính là do vấn đề liên ngành chứ không chỉ của riêng bộ, ngành nào.

“Ông xây dựng cho làm chung cư rất nhiều trong nội đô, trong khi hạ tầng giao thông chỉ có như vậy. Khi người ta ở trên nhà không tắc, nhưng đến giờ đi làm, đi học người ta đổ xuống đường thì tắc ngay. Đô thị Hà Nội thời Pháp xây dựng đâu có bị ngập nhưng bây giờ ngập rồi, vì chúng ta phát triển không đúng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/can-bao-dam-tinh-thong-nhat-hop-ly-cua-hoat-dong-quy-hoach-d2057200.html